Du lịch Việt Nam một năm khởi sắc

Ngành du lịch vừa tổ chức sự kiện đón vị khách nước ngoài thứ 15 triệu đến Việt Nam. Đây được coi là dấu mốc quan trọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành 'kinh tế mũi nhọn không khói' ở nước ta.

Cáp treo qua biển Cửa Lục, Hạ Long luôn hấp dẫn du khách khi đến Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Giai đoạn 1990 - 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mỗi năm đều tăng trên dưới 20%. Khách du lịch nội địa tăng hơn 70 lần so với giai đoạn trước, trung bình 20%/năm. Năm 2018 được ngành du lịch đánh giá là năm thành công vượt bậc với nhiều hạng mục đầu tư lớn, nhiều sản phẩm du lịch thành công trên phương diện quảng bá và truyền thông. Trong năm nay, ngành du lịch Việt Nam cũng đạt được những giải thưởng ấn tượng như điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á do World Travel Awards và điểm đến golf hàng đầu châu Á do Golf World Travel Awards trao tặng. Các thị trường du lịch từ nước ngoài được quảng bá rộng rãi, triển khai chương trình xúc tiến du lịch, phát động chiến dịch đối với các đối tác trọng điểm và có mục tiêu.

Theo ước tính, năm 2018 có khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và 80 triệu lượt khách nội địa, doanh thu khoảng 620 tỷ đồng. Năm 2018, ngành du lịch khởi động Năm du lịch quốc gia tại Hạ Long và năm 2019 cũng sẽ khởi động sự kiện này tại Nha Trang. Du lịch biển tiếp tục được xác định là thế mạnh của du lịch Việt Nam khi khách du lịch chủ yếu chọn các điểm đến như: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng... - nơi có những bãi biển đẹp trong thời tiết khí hậu nhiệt đới lý tưởng.

“Tài nguyên biển, vẻ đẹp của đại dương là xu thế tiến tới của thời đại và Việt Nam bắt nhịp quá tốt với xu thế ấy” - Một du khách đến Hạ Long trên tàu du lịch 5 sao Celebrity Millennium cập cảng tàu du lịch chuyên biệt Hạ Long, tháng 12-2018 đánh giá. Cùng với cảng tàu khách chuyên biệt, Quảng Ninh cũng đưa vào sử dụng sân bay Vân Đồn trong năm 2018, hoàn thiện nối tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vân Đồn, mang lại lợi thế so sánh vượt trội cho du lịch và kinh tế vùng tam giác phát triển miền Bắc. Trong tương lai gần, vùng kinh tế này sẽ tập trung nhiều nguồn đầu tư, trong đó, nguồn đầu tư chiếm ưu thế là du lịch cảng biển.

Mặc dù mức tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam luôn cao hơn theo từng năm (khoảng 20%), nhưng mức chi tiêu trung bình của khách du lịch nước ngoài và tỉ lệ khách quay trở lại còn thấp. Kết thúc một năm du lịch đầy sôi động và phong phú màu sắc văn hóa, Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa Việt.

Cho đến thời điểm này, loại hình du lịch rẻ tiền, còn gọi là “0 đồng” đã tạm thời được khống chế. Lượng khách du lịch lữ hành đi qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng, trong khi khách du lịch đi tour du lịch rẻ tiền do các môi giới và doanh nghiệp du lịch Trung Quốc tổ chức ít đi. Khách du lịch dần nhận diện được tình hình và kiểu làm du lịch theo mùa, theo trào lưu cũng giảm hẳn. Bên cạnh đó, nhiều cấp, nhiều ngành đã vào cuộc, chấn chỉnh hoạt động của các loại hình du lịch “ăn xổi”, tránh ấn tượng xấu của khách du lịch nước ngoài đối với tiềm năng du lịch Việt Nam.

Lấy lát cắt du lịch từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nơi có vịnh Hạ Long - điểm đến hấp dẫn của số đông du khách nước ngoài thì tính chất của du lịch đã thay đổi trong những năm gần đây. Thứ nhất, tính chất du lịch theo mùa đã được cải thiện. Mùa Đông ở Hạ Long đón nhiều khách du lịch nước ngoài, so với khách du lịch nội địa chỉ chọn du lịch biển cho mùa hè, đây là sự khác biệt. Thứ hai, các dịch vụ du lịch ở Hạ Long càng sang trọng thì càng đắt khách; tạm bợ, phân khúc trung bình và bình dân thì dễ ế ẩm và hụt hơi do khách du lịch nội địa tiêu dùng ít và họ bắt đầu làm quen với các dịch vụ tốt hơn, giá cao hơn, tiện nghi hơn. Điều đó cho thấy sự dịch chuyển của hình thái du lịch từ bình dân sang cao cấp đã rõ nét trong năm 2018.

Năm 2018, vị thế của ngành du lịch không ngừng được tăng lên với nhiều dự án du lịch, khu du lịch có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch cũng như hoạt động kinh doanh du lịch đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, tiếp cận với tiêu chuẩn và chuẩn mực thực hành quốc tế. Đó là tiền đề và cũng là áp lực để năm 2019, du lịch tiếp tục tăng trưởng. Theo tâm lý tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài ở thị trường du lịch, nền kinh tế càng phát triển, chi tiêu cho du lịch càng tăng lên, mức chi tiêu nới rộng ra, áp lực cho ngành du lịch là các sản phẩm du lịch cũng phải đổi mới hạ tầng đáp ứng các thang phát triển chung.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/du-lich-viet-nam-mot-nam-khoi-sac/