Du lịch Việt Nam: Lực đủ mạnh mới thực sự cất cánh

Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, Thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Văn phòng Chính phủ, bên cạnh năng lực cạnh tranh còn yếu thì vấn đề lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là năng suất lao động ngành thấp. Bởi vậy, để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh, cần phải có lực đủ mạnh và những giải pháp mang tính đột phá.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam.

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần II mới được tổ chức tại Hà Nội thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng không, lữ hành, du lịch cùng nhiều chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.

Ông Trần Trọng Kiên cho hay, Diễn đàn đã hoàn thành các mục tiêu như kết nối các tổ chức, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp với các chuyên gia mở ra những tín hiệu bứt phá cho du lịch Việt Nam. Theo đó, các mục tiêu cụ thể của Diễn đàn là hướng tới nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam lên 10-15 bậc tới năm 2021, tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 8,39% GDP năm 2018 lên trên 10% GDP năm 2021...

Thách thức về năng lực cạnh tranh

Dễ dàng nhận thấy ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua với xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019. Sức cạnh tranh về giá hiện tăng 13 điểm và thứ hạng về hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017.

Tuy vậy, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp, như nhân lực và thị trường giảm 10 bậc, chỉ số bền vững môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Ngoài ra, nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết như Quỹ Phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế...

Ông Trần Trọng Kiên cũng cho biết, dữ kiện ngành du lịch Việt Nam đang thay đổi liên tục. Nếu như trước đây, khách hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của Internet. Du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Theo ông, trong một, hai năm tới sẽ có thay đổi lớn nữa khi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào dịch vụ, lập kế hoạch cho khách và thay đổi cách tiếp cận.

Bài toán phát triển bền vững

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đồng ý rằng, tỷ lệ khách trở lại Việt Nam chưa đạt 40% là con số tương đối thấp (trong khi Thái Lan đạt 70%). Vì vậy, để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh... Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang web xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút du khách.

Chủ trì chuyên đề “Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách” tại Diễn đàn, ông Trần Trọng Kiên cho biết các đại biểu đã tập trung đưa ra các sáng kiến phối hợp của các bên trong quảng bá du lịch quốc gia, xây dựng chiến dịch truyền thông và cải thiện các thông điệp về Việt Nam trên các kênh truyền thông khu vực, quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu... Bên cạnh đó, nổi bật là các đề xuất cải thiện phản hồi của các du khách từng tới Việt Nam để tiếp tục tạo cảm hứng cho khách du lịch, tìm cơ chế vận hành hiệu quả các văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

Tại chuyên đề này, các diễn giả đều cho rằng, nguồn kinh phí xúc tiến quảng bá mỗi năm của Việt Nam khoảng 2 triệu USD là rất thấp nên cần vận hành Quỹ Phát triển du lịch để xã hội hóa nguồn đóng góp từ các bên. Tuy nhiên, gần một năm qua, Quỹ này vẫn chưa được vận hành do còn vướng nhiều cơ chế, thủ tục hành chính đang làm cản trở nhiều cho hoạt động quảng bá.

Đối với việc cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến, ông Kiên nhấn mạnh đến các ý kiến chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, tăng cường trải nghiệm của khách tham quan tại các điểm đến, quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Giải pháp công nghệ

Nhiều công ty đang tập trung phát triển ứng dụng công nghệ dành cho du lịch.

Ông Trần Trọng Kiên đã đưa ra một số giải pháp về công nghệ có thể giúp du lịch Việt Nam cất cánh tại Câu lạc bộ Ái Việt - một tổ chức xã hội giúp đỡ các tài năng công nghệ Việt Nam ở nước ngoài về nước lập nghiệp. Đó là những giải pháp như Loco Guide (Hướng dẫn định vị), Vietnam Cultural Digital Asset (Số hóa di sản văn hóa Việt Nam), Pocket Hotel Manager (Quản lý khách sạn bỏ túi), Robot dọn rác, Customer feedback unified portal (Cổng thông tin phản hồi của khách hàng), Airport landing slot balancing (Cân bằng vị trí sân bay), Ofo Việt Nam (Dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Việt Nam)...

Với các vị trí công tác trong ngành du lịch, ông Trần Trọng Kiên sẵn sàng kết nối các bạn khởi nghiệp với các khách hàng, các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ về những giải pháp công nghệ trên. Vị CEO của doanh nghiệp du lịch cũng đang tìm cách đầu tư vào các giải pháp như chia sẻ xe đạp Ofo tại Việt Nam bởi dịch vụ công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển tại các điểm du lịch, trung tâm thành phố.

Đối với công nghệ số hóa các di sản văn hóa Việt Nam, ông Kiên cho rằng, Nhà nước cần số hóa các di sản văn hóa như Bảo tàng Củ Chi, Đền Trần, Chùa Tam Chúc… Hiện công việc này được thực hiện rất sơ sài và nếu số hóa 3D kèm thuyết minh bài bản, khách có thể trải nghiệm di sản tốt hơn.

“Chúng ta cần tìm đến giải pháp công nghệ để phát triển du lịch trong tất cả các khâu từ tổ chức, vận hành, hạ tầng… Muốn tạo nên đột phá, cần phải sử dụng các giải pháp công nghệ đã có sẵn, tích hợp, kết nối và tạo ra giá trị mới. Những ứng dụng này đều không khó về mặt công nghệ, thế giới đã có kinh nghiệm, nhưng chúng ta cần phải làm nhanh, quyết liệt và quan trọng nhất là hiệu quả”, ông Trần Trọng Kiên chia sẻ.

PHƯƠNG LINH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-lich-viet-nam-luc-du-manh-moi-thuc-su-cat-canh-106427.html