Du lịch Việt Nam: Không thể tay không… bắt khách

Muốn du lịch cán mốc ít nhất 13 triệu du khách quốc tế cuối năm nay, nhiều đại biểu Hội nghị Xúc tiến Du lịch năm 2017 nhắc tới thực trạng khá buồn của du lịch Việt- kinh phí eo hẹp, không có nổi một cơ quan chuyên trách xúc tiến du lịch.

Du lịch Việt Nam làm gì để thu hút du khách. Ảnh: Internet.

Bất cập của xúc tiến du lịch lại được các nhà quản lý, chuyên gia nhắc tới tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch năm 2017 ngày 3/8 tại Hà Nội. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch thẳng thắn: Ngân sách khoảng 2 triệu USD/năm dành cho quảng bá xúc tiến quá khiêm tốn, trong khi Thái Lan dành 69 triệu USD, Indonesia 200 triệu USD.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: “Số tiền 2 triệu USD chỉ gọi là dạo chơi trong xúc tiến chứ làm sao nói làm xúc tiến được, cho nên hội chợ, hội nghị chúng ta đều be bé con con, vô cùng gian khổ, không mang ý nghĩa quốc gia”.

Xúc tiến với khoản tiền “con nhà khó” đã vậy bao lâu nay các nhà làm du lịch vẫn ca bài “thiếu chuyên nghiệp”. Ông Vũ Thế Bình nhắc, nếu không có những con người chuyên nghiệp, không có hệ thống, tổ chức, mục tiêu rõ ràng thì khó nói tới chuyên nghiệp và điều này “cần quá trình gian khổ”.

Ông Hoàng Nhân Chính đặt vấn đề cần thành lập cơ quan chuyên về quảng bá, xúc tiến, bởi lâu nay cả nước không có cơ quan chuyên trách. Các đại biểu đồng tình, ngay Tổng cục Du lịch cũng không có đơn vị chuyên trách, không có nhân sự chuyên trách xúc tiến từng thị trường e khó đạt được kỳ vọng. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất thay đổi chính sách, bởi kinh phí khó đã đành nhưng giải ngân còn khó khăn hơn.

Ông Hoàng Nhân Chính kiến nghị Chính phủ sớm cho giải ngân Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để có cơ sở xúc tiến ở các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Bắc Á, Tây Âu, Nga.

Năm nay, Chính phủ giao nhiệm vụ tăng trưởng ít nhất 30% cho ngành du lịch, nghĩa là đón ít nhất 13 triệu khách quốc tế trong năm. Ông Vũ Thế Bình hiến kế: để tăng trưởng ngắn hạn nên chú trọng vào 6 nước ASEAN, bởi thị trường xa chờ xúc tiến cũng có độ lùi khoảng 1 năm.

Đại diện Sở Du lịch TPHCM nói, nên để ý hơn tới dòng khách tới Việt Nam bằng đường tàu biển, ta mới chú trọng khai thác khách đến bằng đường không và đường bộ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đang đề nghị thống kê đầy đủ hơn về dòng khách này. Ngoài ra, đại diện TPHCM đề xuất nên có ưu đãi dành cho các đoàn khách từ 2.000-5.000 khách.

Miễn Visa 5 năm

Mục tiêu đón 20 triệu khách quốc tế năm 2020 theo nhiều nhà du lịch là con số khủng, muốn hoàn thành không thể tay không… bắt khách. Riêng chính sách miễn visa, ông Vũ Thế Bình đề xuất nên nâng thời hạn 5 năm thay vì năm một.

Hơn nữa, nên tập trung vào một số thị trường trọng điểm vì khó miễn visa hàng loạt: Ngoài 5 nước Tây Âu, Nga nên tập trung vào Úc, Ấn Độ và Canada.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận các đóng góp cho ngành du lịch, đặc biệt liên quan xúc tiến du lịch như cơ chế phối hợp quảng bá với hãng hàng không, quảng bá trên các kênh nổi tiếng như CNN...

Về ý kiến thành lập Cục Xúc tiến Du lịch, Thứ trưởng Ái cho biết đang nghiên cứu. Tuy nhiên, theo chính sách hạn chế thành lập các cục mới của Chính phủ, ngành có thể sẽ chuyển hướng thành lập trung tâm quảng bá xúc tiến vì “thuận lợi hơn trong tác nghiệp” và có tính hiệu quả hơn là “có tên cho oai”.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/du-lich-viet-nam-khong-the-tay-khong-bat-khach-1173771.tpo