Du lịch Việt hậu đại dịch: Làm gì để tăng sức hút?

Một loạt quốc gia mở cửa chào đón du khách từ Việt Nam với những chính sách cởi mở và hấp dẫn, tạo cơ hội gắn kết thị trường du lịch trong khu vực và quốc tế. Ngược lại, du lịch Việt vẫn đang thiếu những chương trình xúc tiến, quảng bá lớn ở những thị trường này.

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch Đông Nam Á từ sau SEA Games 31.

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch Đông Nam Á từ sau SEA Games 31.

Thiếu các chương trình xúc tiến lớn

Dữ liệu phân tích thị trường của Google cho thấy đang có sự gia tăng rất nhanh lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam, khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3. Trên toàn cầu, Việt Nam giữ vị thế là một trong vài quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất, đạt trên 75%. Các thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Úc, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Đức, Canada, Ấn Độ, Anh, Thái Lan...

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu của người dân tăng cao cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp doanh thu ngành này trong tháng 5 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các chương trình kết nối, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại những quốc gia tiềm năng còn hạn chế. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, dù các chính sách mở cửa không còn quá nhiều rào cản và du lịch Việt Nam thật sự bứt tốc, tuy nhiên cần có những chương trình xúc tiến cụ thể hơn. Đại sứ Vũ Hồng Nam tại Nhật Bản cho rằng, cần có những hội nghị, tọa đàm trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản để biết khách du lịch từ thị trường này muốn gì, từ đó có những đáp ứng cụ thể với từng thị trường.

Mở cửa du lịch, bên cạnh những chính sách thông thoáng cần có các chương trình quảng bá du lịch tại các quốc gia khác. Trên thế giới đã có nhiều bài học thành công từ việc mở ra các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ngay khi mở cửa. Điển hình, từ năm 2021 đến hết tháng 01/2022, Australia đã chi khoảng 40 triệu USD quảng bá du lịch ở nhiều nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Australia hiện là một trong 5 thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất với trung bình từ 500.000 đến 600.000 du khách/năm. Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia mong Tổng cục Du lịch có chính sách quảng bá, tiếp thị du lịch tại Australia một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Đại sứ quán Pháp cũng mong muốn có những ấn phẩm quảng bá du lịch Việt Nam bằng tiếng Pháp để tiếp cận người tiêu dùng, du khách Pháp.

Thời gian tới, các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sẽ còn tăng. Đây được dự báo là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này khi mở cửa du lịch quốc tế như: Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây cũng là cơ hội để Việt Nam làm mới mình, đón đầu xu hướng và bắt kịp đà phục hồi của thế giới.

Những kỳ vọng mới

Hiện một số chương trình xúc tiến thương mại quốc tế đã mang lại những tín hiệu khả quan cho du lịch Việt thời gian tới. Trong khu vực ASEAN, các chương trình xúc tiến giữa du lịch Việt Nam và Thái Lan được tăng cường gần đây mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt từ sau kỳ SEA Games 31.

Thông qua những chương trình quảng bá này, các doanh nghiệp lữ hành Thái Lan không chỉ được tiếp nhận những thông tin chính thống và đầy đủ về các điểm đến du lịch, các sản phẩm, dịch vụ, những chính sách phát triển du lịch của Việt Nam thời gian tới mà còn được gặp gỡ, trao đổi với các đối tác là các nhà cung cấp dịch vụ từ Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ được giới thiệu về các điểm đến nổi bật của Việt Nam đối với thị trường Thái Lan như: Sa Pa, Hà Giang, Hà Nội, Hạ Long, Tràng An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né, TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo và Phú Quốc. Các đơn vị du lịch Thái Lan có thể cập nhật một số thông tin về chính sách, sản phẩm, dịch vụ mới,... đặc biệt là tour du lịch caravan từ Thái Lan qua các cửa khẩu đường bộ của Việt Nam dành cho khách du lịch Thái Lan.

Tại các địa phương cũng đưa ra những chương trình quảng bá thị trường du lịch riêng. Đường bay Bangkok - Đà Nẵng vừa được mở lại và sẽ tăng tần suất bay từ tháng 5/2022. Liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam mở rộng đến 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ giúp các địa phương bổ trợ cho nhau về vận chuyển và phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch…

Không chỉ riêng thị trường khu vực, ngành du lịch nói chung và các đơn vị, doanh nghiệp nói riêng cần có kế hoạch quảng bá sớm cho các sự kiện lớn; các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn; các điểm đến và những trải nghiệm du lịch mới đến với những thị trường tiềm năng trên thế giới. Đại diện đơn vị Saigontourist Group cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ tận dụng tối đa thế mạnh về mạng lưới đối tác tại Mỹ và Bắc Mỹ, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam và TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh hồi phục và tăng cường thu hút du khách từ các thị trường này.

Cùng với đó, các cơ quan, doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quảng bá sản phẩm, du lịch trên mạng xã hội và các kênh truyền thông. Cần phổ biến dữ liệu quảng bá du lịch cho các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá du lịch.

Thái Ngân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-lich-viet-hau-dai-dich-lam-gi-de-tang-suc-hut-post449357.html