Du lịch Việt cần chuyển mình theo công nghệ thông tin (tiếp theo)

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho ngành du lịch Việt Nam quảng bá, giới thiệu và phát triển được nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch đang là xu thế tất yếu và đã được nhận thức rõ. Nhưng có vẻ như các doanh nghiệp, công ty du lịch còn loay hoay chưa biết cách tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin...

Bài 2: Giành lại quyền chủ động cho du lịch Việt

Trong năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua việc tham khảo thông tin điểm đến trên mạng internet chiếm 71%. Ngoài ra, lượng du khách quốc tế đặt và mua dịch vụ trên mạng cho chuyến đi đến Việt Nam chiếm 64%.

Doanh nghiệp Việt đang mất thị phần

Hiện nay, dù hầu như 100% doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã sử dụng website giới thiệu quảng bá sản phẩm, song chỉ có hơn 50% số doanh nghiệp trong nước áp dụng thành công việc bán hàng, thanh toán online. Các doanh nghiệp du lịch nhỏ hầu như ít sử dụng công nghệ thông tin cho hoạt động kinh doanh của mình. Các khách sạn nhỏ vẫn sử dụng phương thức quản lý thủ công trong giới thiệu và bán sản phẩm.

Hầu hết các công ty lữ hành nếu có địa chỉ website cũng chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm với hình thức và nội dung sơ sài. Tỷ lệ ứng dụng thương mại điện tử tại các điểm tham quan ở Việt Nam hầu như chưa có. Đa số các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa ứng dụng thanh toán trực tuyến mà vẫn áp dụng các biện pháp thanh toán thông thường như chuyển khoản, thanh toán bằng tiền mặt… Đối với các công ty lữ hành đã triển khai thanh toán trực tuyến thì tỷ lệ giao dịch thành công vẫn ở mức rất thấp.

Du lịch trực tuyến đang là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với hoạt động vận chuyển, dù tỷ lệ thanh toán vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng nhưng mới đạt 22,6% năm 2016 và ước đạt 29% vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển du lịch (thuyền, tàu hỏa, xe khách...) tại Việt Nam chỉ đạt mức 2%-3% và dự đoán mức tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2022 ở mức 5%. Đáng tiếc hơn nữa, là khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch của chúng ta chỉ chiếm khoảng 20% thị phần của “miếng bánh” ngon lành đó. Hơn 80% “miếng bánh” của chúng ta đang bị các sàn giao dịch điện tử nước ngoài nắm giữ.

Những số liệu đó cho thấy, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần phải thích ứng với công nghệ để lấy lại quyền làm chủ trên “sân chơi” du lịch trực tuyến của mình. Cụ thể là cần dành ưu tiên đầu tư cho công nghệ thông tin bao gồm cả phần cứng và phần mềm, trong đó chú trọng tăng cường nguồn lực đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin tại chỗ, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong bán, quảng bá sản phẩm…

Đáng mừng là vừa qua, đã có những doanh nghiệp Việt có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn. Chẳng hạn việc sàn giao dịch trực tuyến vntrip và atadi sát nhập thành một và "để có thương vụ này không hề đơn giản mà đòi hỏi nhiều điều kiện", như ông Lê Đắc Lâm – Tổng giám đốc của Vntrip.vn từng chia sẻ. Tuy nhiên, “nước cờ liên thủ" giữa hai startup Việt chống lại booking và agoda đã cho thấy những cách nhìn mới, bắt kịp thời đại của doanh nghiệp Việt. Sự tham gia của tập đoàn công nghệ lớn là việc cần thiết, để phát triển du lịch thông minh bằng việc số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch đã đem lại nhiều thuận lợi. Đây chính là “cú hích” mới của ngành Du lịch, kích thích nhu cầu khám phá của du khách, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô toàn cầu, đồng thời tạo được liên kết chuỗi, phát triển các dịch vụ du lịch hoàn chỉnh và mở rộng cơ hội kinh doanh.

Cần gì để xây dựng “Du lịch thông minh”?

Theo các chuyên gia, trước tiên cần hiểu cho đúng du lịch thông minh. Không phải cứ có công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình là có du lịch thông minh, bởi du lịch thông minh là sử dụng công nghệ hướng tới sự thuận lợi cho các bên. Bên cạnh đó, để du lịch phát triển bền vững phù hợp với định hướng chung của ngành du lịch, cùng với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả thì du lịch của các tỉnh, thành phố cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Trong những cái khó để giải quyết vấn đề của ứng dụng công nghệ, có lẽ phần khó khăn nhất vẫn là vấn đề lấy tiền ở đâu? Không có tiền, các địa phương không thể thay đổi nền tảng công nghệ, không có con người, đào tạo cho con người để giải quyết phần công nghệ đó. Với các doanh nghiệp, với cả ngành du lịch đã đành một lẽ, với các địa phương muốn cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, muốn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của mình, điều này càng nan giải hơn vì còn nhiều việc phải làm. Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy định thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước phần nào gỡ khó bài toán về kinh tế, nguồn lực… khi “mở cửa” về cơ chế, cho phép thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước.

Chỉ cần trên tay một chiếc điện thoại thông minh là du khách có thể dễ dàng tìm kiếm chính xác địa chỉ cần tới.

Theo ông Tăng Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai: Việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg có vai trò quan trọng. Cụ thể, thuê ngoài dịch vụ giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh rút ngắn thời gian triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, giúp chính các cơ quan hành chính của tỉnh tối ưu hóa nhân lực CNTT. Việc làm này huy động được nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp và giảm chi phí đầu tư ban đầu, cũng như các rủi ro đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, việc triển khai thuê ngoài cũng đã gặp không ít khó khăn ở khâu ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, khi lập dự toán thuê dịch vụ công nghệ thông tin, vì không xác định được chi phí thuê, việc lập, phê duyệt kế hoạch, dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin cũng gặp vướng mắc do không xác định được nguồn vốn (hạn mức ngân sách). Cùng với đó là khó khăn trong phê duyệt dự toán, vì chưa có đầy đủ văn bản pháp lý để người có thẩm quyền làm căn cứ đưa ra quyết định phê duyệt dự toán…

Các giải pháp công nghệ số luôn là người bạn đồng hành thân thiết với du khách.

Trong số các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai cung cấp dịch vụ ở nhiều cơ quan nhà nước là UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành… Theo Tập đoàn VNPT, do chưa có quy định về định mức đơn giá thuê, nên cả đơn vị sử dụng vốn nhà nước (đi thuê) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gặp khó khăn vì chưa có phương pháp tính giá; nhất là khi xác định thuê dịch vụ quản trị, an toàn bảo mật, phần mềm quản lý chuyên ngành.

Vì vậy, Tập đoàn VNPT mong muốn cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin về tiêu chí thuyết minh hiệu quả khi lập đề án, thẩm quyền quyết định thuê, mẫu hợp đồng khung dịch vụ... Ngoài ra, cần có định hướng về động lực dịch chuyển cơ cấu đầu tư sang thuê ngoài đối với khối hành chính công, quy định một số loại hình triển khai thí điểm theo hình thức bắt buộc, khuyến khích thuê… Và quan trọng hơn khi thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin phải là thuê để cung cấp các dịch vụ cuối cùng, chứ không chỉ là thuê máy, thuê phần mềm để lãng phí.

Bài, ảnh: VĂN PHONG - PHƯƠNG LIÊN

Bài 3: Hai lĩnh vực, một mục tiêu chung...

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/du-lich-viet-can-chuyen-minh-theo-cong-nghe-thong-tin-tiep-theo-555470