Du lịch tiếp cận - hướng đến hòa nhập cho người khuyết tật

Người khuyết tật (NKT) là những người chịu thiệt thòi trong xã hội, vì thế, Luật NKT đã sớm được thông qua nhằm giúp họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng… Một trong những nội dung đó là giúp NKT được tiếp cận những dịch vụ du lịch.

Đây vừa là nghĩa vụ, vừa có ý nghĩa nhân văn, giúp NKT tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở du lịch tiếp cận dành cho NKT ở Việt Nam vẫn rất hạn chế. Để NKT hòa nhập hơn với xã hội, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Người khuyết tật vẫn khó tiếp cận dịch vụ du lịch

Theo nghiên cứu của Dự án Thúc đẩy du lịch tiếp cận cho NKT tại Việt Nam, NKT luôn mong muốn được đi du lịch, hòa nhập thực sự với xã hội. Họ đặc biệt thích đi du lịch với người đồng cảnh ngộ. Ở đó, họ được thể hiện mình thoải mái mà không e ngại và cũng tự tin hơn, không mang mặc cảm làm phiền người đồng hành. Tuy nhiên, thực hiện được ước mơ này không dễ, cho dù hệ thống văn bản pháp quy về vấn đề tiếp cận và du lịch tiếp cận là đầy đủ.

NKT gặp rất nhiều trở ngại khi tìm kiếm thông tin, tìm dịch vụ, điểm đến phù hợp... Trong khi đó, dẫu muốn tạo điều kiện hơn cho NKT, mỗi địa phương lại gặp phải những vướng mắc không biết xử lý như thế nào. Chẳng hạn, với du lịch đường thủy ở Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình hay Cần Thơ… NKT khó tiếp cận việc sử dụng các công trình công cộng hay các phương tiện giao thông dù địa phương đã có nhiều thay đổi trong nhận thức khi bắt đầu quan tâm tới vấn đề tiếp cận trong xây dựng các bến tàu. Tại Đà Lạt, nơi có địa hình đồi núi, các công trình xây dựng luôn được thiết kế khá nhiều bậc, trở thành thách thức lớn đối với NKT. Trong khi đó, TP Huế dày đặc di tích và chịu sự quản lý theo Luật Di sản nên việc cải tạo để các điểm tham quan trở nên dễ tiếp cận hầu như là không thể. Bà Trịnh Thị Thu Thủy, NKT từng có kinh nghiệm làm cho một công ty du lịch, chia sẻ: "Chúng tôi là người trực tiếp đi tìm hiểu du lịch tiếp cận ở các địa phương, đôi khi khá thất vọng vì thực tế khảo sát mười mấy điểm đến ở các nơi mà không tìm được một điểm du lịch tiếp cận nào".

 Phố sách Hà Nội - nơi có các công trình tiếp cận cho người khuyết tật. Ảnh: TRỊNH THỦY

Phố sách Hà Nội - nơi có các công trình tiếp cận cho người khuyết tật. Ảnh: TRỊNH THỦY

Thực trạng chung là vậy. Đi cụ thể từng khía cạnh của câu chuyện tiếp cận cho NKT lại càng thấy nan giải hơn. Đơn cử trong việc tìm kiếm thông tin. Trong thời đại công nghệ số nhưng thông tin cho NKT hay những người quan tâm tới du lịch cho NKT cũng mù mờ. Khó tiếp cận thông tin càng khiến NKT thiệt thòi hơn. Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Phần mềm Oneday, cho biết, phải tìm hiểu trước địa điểm có phù hợp cho NKT hay không. Nhưng thông tin công ty tìm kiếm hầu như chỉ là về địa điểm có đẹp không, đồ có tốt không… mà hầu như rất ít thông tin về du lịch tiếp cận. Điều này khiến công việc của công ty khó khăn bội phần vì phải mất nhiều thời gian, công sức cho vấn đề này thay vì tập trung vào việc chính. Là người trong cuộc, bà Nguyễn Thị Phượng, đại diện nhóm Vì tương lai tươi sáng, chia sẻ: "Nhiều NKT rất muốn đi đi du lịch nhưng khi có nhu cầu họ không biết tìm kiếm thông tin ở đâu, như thế nào... Vì thế không biết địa điểm mình đến có tiếp cận được không. Nhiều khi đến nơi, không tiếp cận được, chúng tôi chỉ biết đứng một chỗ, với những NKT nặng thì điều đó càng khó khăn hơn".

Cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cộng đồng

Trước thực trạng trên, Dự án Thúc đẩy du lịch tiếp cận cho NKT tại Việt Nam đã có những việc làm cụ thể và đạt kết quả khá khả quan. Ông Nguyễn Văn Giáp thông tin: "Hiện chúng ta đã có trang web, trang mạng xã hội về du lịch tiếp cận, trong đó cập nhật thông tin về những địa điểm du lịch tiếp cận, phương tiện hỗ trợ NKT, các tuyến xe bus cho NKT… Với cá nhân tôi, dù số lượng địa điểm tiếp cận chưa đủ nhưng thông tin trên đó rất quan trọng với doanh nghiệp. Những thông tin này giúp chúng tôi hình dung thế nào là một địa điểm du lịch tiếp cận, cách tìm kiếm thông tin...".

Thông tin từ một vài nơi là chưa đủ mà thông tin cần đa dạng từ cả cộng đồng. Bà Trịnh Thị Thu Thủy lấy ví dụ: "Gần đây, tôi có giúp một khách hàng người Nhật trong việc hỗ trợ NKT đi lại khi đến du lịch ở Việt Nam. Tôi nhận ra rằng, có những thông tin đơn giản, liên quan tới NKT mà nhiều công ty đưa khách đi du lịch ở Việt Nam cần lưu ý như Việt Nam hiện đã có xe nâng trợ giúp NKT, giúp NKT vượt qua những địa hình khó một cách dễ dàng".

Thiết nghĩ, khi có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, NKT sẽ được trợ giúp nhiều hơn để có thêm thông tin, có thêm sự chia sẻ và cả những điểm đến thân thiện về du lịch tiếp cận.

LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/du-lich-tiep-can-huong-den-hoa-nhap-cho-nguoi-khuyet-tat-608351