Du lịch Thủ đô đa dạng sản phẩm, khai thác chiều sâu văn hóa

Hà Nội 10 năm sau mở rộng địa giới hành chính không chỉ phát triển về bề rộng mà còn có nhiều thay đổi về chiều sâu. Ngành du lịch Thủ đô đã tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Ấn tượng "Thành phố vì hòa bình"

Nói đến du lịch Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp của khu vực Hoàng thành Thăng Long, Di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi nhận; Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ những di sản tư liệu thế giới; khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Hồ Tây huyền ảo... Những giá trị vật thể càng đẹp hơn khi đi cùng nét đẹp văn hóa truyền thống. Các thế mạnh du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch phố nghề, làng nghề, du lịch tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm khu vực, quốc tế… của Thủ đô nay càng có lợi thế phát huy. Hà Nội thu hút và hấp dẫn để năm 2009, thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Không những thế, thành phố liên tục được các tờ báo danh tiếng nhắc đến như một điểm đến hấp dẫn nhất dành cho du khách năm châu. Chỉ riêng năm 2017, hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến được các cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới nhắc đến gần 20 lần.

Bên cạnh đó, du lịch Thủ đô còn thể hiện tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, với sự hoạt động của nhiều khách sạn 5 sao có quy mô, thương hiệu, như: JW Marriott, Lotte Hà Nội, Grand Plaza Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake... Chất lượng dịch vụ trong các khách sạn, đặc biệt là khách sạn 4-5 sao tương đương hoặc có chất lượng cao hơn các khách sạn cùng loại trên thế giới và khu vực, có đủ điều kiện để tổ chức các hội nghị quốc tế lớn.

Khách quốc tế tại chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Thêm nhiều cơ hội phát triển du lịch

Một người bạn Ấn Độ chia sẻ với tôi, bạn nghe nhiều về vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” tại vùng đất Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Sau hành trình từ TP Hồ Chí Minh-Hội An (Quảng Nam), đến Hà Nội, bạn tìm xem vở diễn và cho biết ấn tượng sâu sắc với cảnh và nét văn hóa đẹp của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng trong vở diễn thực cảnh này.

“Tinh hoa Bắc Bộ” từng "ẵm" giải Vàng Giải thưởng Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương ở hạng mục "Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan", xuất hiện trong phóng sự mang tên "Destination: Hanoi" trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN, rồi lập "cú đúp" kỷ lục Guinness Việt Nam với "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam". Vở diễn được đánh giá thu hút du khách bởi những nét văn hóa tinh túy của miền Bắc bằng việc kết hợp các yếu tố dân gian truyền thống nhưng vẫn đáp ứng các yếu tố giải trí, trình diễn theo phong cách hiện đại và sáng tạo, như: Dàn diễn viên là người dân bản địa, hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn, dàn âm thanh ánh sáng tiên tiến nhất hiện nay. Điều này mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về văn hóa Việt Nam.

Du lịch Hà Nội đang dần thu hút khách bằng những sản phẩm mạnh, không chỉ nằm trong khu vực trung tâm vùng Hà Nội cũ. Du lịch Thủ đô mang dấu ấn của những khu vực thuộc Hà Tây trước đây với nền văn hóa xứ Đoài, phong cảnh đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nơi có những cảnh đẹp thanh bình, trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm nhiều điểm du lịch phục vụ du khách, phát triển thêm những loại hình du lịch đang có chiều hướng tốt như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch làng nghề, làng cổ, những đình, đền, miếu mạo lưu giữ cả phong tục tập quán và những đường nét kiến trúc đặc trưng… Điều đáng nói là các sản phẩm cũ và mới tạo được sự kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực Hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (tiêu biểu như múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, huyện Mê Linh); phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, Đền thờ Bác Hồ gắn với Khu di tích K9-Đá Chông; phát triển các điểm đến du lịch làng nghề như: Làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông...

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đến nay, du lịch Hà Nội đã đón khách đến từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, các thị trường trọng điểm có lượng khách tăng nhanh. Hà Nội đã đón từ 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2008 tăng lên 4,95 triệu năm 2017; thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, từ chỗ chiếm khoảng 30% cả nước giai đoạn 2000-2010, năm 2017 đã chiếm gần 40%. Những thành công đó góp phần tạo đà để du lịch Thủ đô cất cánh trong thời gian tới.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/du-lich-thu-do-da-dang-san-pham-khai-thac-chieu-sau-van-hoa-547386