Du lịch thất bát vì dịch corona

Nhiều điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam vắng du khách bất ngờ ngay sau dịp Tết nguyên đán khiến ngành du lịch các địa phương thiệt hại nặng

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra đã ảnh hưởng mạnh tới dòng khách Trung Quốc - vốn chiếm gần 40% tổng khách quốc tế tới Việt Nam, chưa kể cả khách nội địa và khách từ các thị trường khác cũng giảm sút do lo ngại dịch.

Có nơi giảm tới 80%

Số liệu thống kê sơ bộ ở nhiều địa phương cho thấy lượng khách quốc tế bắt đầu sụt giảm từ dịp Tết nguyên đán và đến thời điểm này càng đáng lo hơn.

TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là địa phương đón lượng du khách Trung Quốc rất lớn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện tất cả tuyến đường ở TP Nha Trang đều vắng bóng các xe 45 chỗ chở khách Trung Quốc. Tại chùa Long Sơn, Tháp Bà, Nhà Thờ Núi… không còn xảy ra tình trạng kẹt xe, du khách chen nhau vào tham quan như trước. Hàng loạt cửa hàng chuyên phục vụ mỹ nghệ, trầm hương trước đây nườm nượp khách Trung Quốc thì nay đã đóng cửa đến 90%. Các quầy hải sản, trái cây cũng không còn tấp nập du khách như trước. Chị Nguyễn Thị Minh, chủ một cửa hàng chuyên phục vụ các mặt hàng mà khách Trung Quốc ưa chuộng, đang tính đến chuyện sang quán nếu tình hình ảm đạm kéo dài.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Ban Quản lý Di tích tỉnh Khánh Hòa, đơn vị quản lý Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng - thừa nhận những ngày qua lượng khách đến tham quan 2 điểm trên giảm khoảng 80%. "Vào các dịp lễ, Tết, Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng mỗi ngày đón hơn 10.000 lượt khách nhưng từ ngày có dịch corona, chỉ đón khoảng 2.000 khách" - ông Dũng chia sẻ.

Ngay tại Đà Nẵng, vốn thu hút rất đông khách Trung Quốc (xếp thứ 2 trong số các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng) cũng đang bị thiệt hại nặng, doanh thu từ du lịch và các dịch vụ ăn theo sụt giảm mạnh. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay những ngày sau Tết, ngành du lịch Đà Nẵng thất thu nhiều vì dịch nCoV. Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng những ngày qua giảm 17% so với trước Tết. Công suất buồng phòng giảm mạnh, ước tính lên tới 50%-60%. Khách quốc tế, khách nội địa liên tục hủy phòng, hủy tour đến Đà Nẵng; hoạt động đón khách Trung Quốc đường hàng không lẫn đường biển cũng đã tạm dừng.

Tại tỉnh Quảng Nam, lượng du khách đến Hội An giảm rõ rệt. Những con đường trong khu phố cổ, hàng quán, lượng khách tham quan vắng vẻ so với mọi ngày. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Mỹ Sơn và các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, từ ngày 23 đến 29-1 (29 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng), tổng lượng du khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 145.000 lượt, chỉ tăng 1,54% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong khi lượng khách quốc tế tăng 10,28%, khách nội địa lại giảm đến 12,23%. Ngành du lịch tỉnh này đánh giá lượng du khách tham quan và lưu trú trong dịp Tết tăng không nhiều so với năm trước do ảnh hưởng của dịch nCoV và thời tiết xấu.

Tại Thừa Thiên - Huế, ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết dịch nCoV cũng khiến lượng khách tới các điểm tham quan thuộc quần thể di tích cố đô Huế giảm đến 43.000 lượt so với Tết năm ngoái. Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay lượng khách quốc tế đến địa phương này từ cuối tháng 1 đến nay sụt giảm khá mạnh, ngày hôm sau giảm 30% so với ngày trước.

Riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM, dù lượng du khách Trung Quốc không chiếm tỉ lệ lớn nhưng dịch nCoV mấy ngày qua cũng khiến ngành du lịch ở 2 địa phương này thiệt hại đáng kể. Nhiều điểm tham quan, trung tâm thương mại, khu mua sắm vắng vẻ thấy rõ do người dân và du khách ngại đến những nơi công cộng vì sợ dính virus corona.

Nhiều địa phương cùng vào cuộc

Ngày 4-2, Sở Du lịch TP HCM đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch nCoV trong lĩnh vực du lịch. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, đưa ra là nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường du lịch khác, hạn chế mức ảnh hưởng từ thị trường du lịch Trung Quốc đến ngành du lịch của TP. Dù vậy, TP HCM chưa đóng cửa các điểm tham quan, di tích lịch sử, khu vui chơi giải trí. Bởi, trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ tạm dừng các lễ hội, hạn chế tụ tập đông người chứ chưa cấm. Do đó, từng cơ quan, điểm vui chơi giải trí tùy tình hình và giải pháp áp dụng phòng chống bệnh để tiếp tục phục vụ du khách và người dân.

Cùng ngày, Sở Du lịch Hà Nội cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp với đại diện các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến trên địa bàn thủ đô để bàn cách ứng phó trong công tác phòng chống dịch và các giải pháp để giữ ổn định thị trường du lịch trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết tính đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, tương đương với hơn 16.000 khách. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu ngành du lịch thủ đô phải chuẩn bị các kế hoạch, tâm thế sẵn sàng để khôi phục thị trường, điểm đến ngay khi hết dịch bệnh. "Các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến cần có lộ trình, sự chuẩn bị kỹ lưỡng nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ khi hết dịch để có thể hồi phục thị trường nhanh nhất có thể, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi quay trở lại các hoạt động đưa, đón khách" - ông Trần Đức Hải nói.

Tham gia hiến kế ổn định thị trường du lịch thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng hiện khách du lịch vẫn đến Hà Nội, do đó các đơn vị cần bảo đảm đón tiếp chu đáo, tạo sự an toàn, yên tâm cho du khách. Đội ngũ hướng dẫn viên cần được tập huấn các cách phòng chống dịch đúng cách. Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Metropole Hà Nội, cũng chia sẻ quan điểm này khi nhìn nhận nếu các cơ sở lưu trú tạo sự an toàn, bảo đảm khách sẽ yên tâm lưu lại và còn muốn quay trở lại những lần tiếp theo.

Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy nhắc lại câu chuyện ngành du lịch từng đối diện với những khó khăn tương tự khi dịch SARS lan tới Việt Nam, thời điểm đó nhiều hướng dẫn viên, nhân viên du lịch phải chuyển nghề khác, dẫn đến những khó khăn sau này khi phục hồi. Để tránh tình trạng này, các đơn vị du lịch cần ổn định đội ngũ nhân viên, đặc biệt là đội hướng dẫn viên yên tâm làm việc trong thời gian này. Không để tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên, người làm du lịch khi thị trường du lịch được phục hồi.

Trong khi đó, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã thiết lập bộ phận tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch corona… Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cũng sẽ họp để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với du lịch Khánh Hòa trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó đề nghị các ngành chức năng có sự hỗ trợ.

UBND TP Đà Nẵng cũng đang cùng Sở Du lịch TP tìm phương án thỏa thuận với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhất là khách sạn để bù đắp phần chi phí đặt phòng mà đơn vị lữ hành đã thanh toán nhằm giảm bớt thiệt hại.

Nhiều điểm kinh doanh phục vụ du khách Trung Quốc ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đóng cửa. Ảnh: KỲ NAM

Nhiều điểm kinh doanh phục vụ du khách Trung Quốc ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đóng cửa. Ảnh: KỲ NAM

Chủ động tìm nguồn khách mới

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó dịch, trong đó có đẩy mạnh thu hút khách quốc tế từ các thị trường ngoài Trung Quốc; mở rộng các tour nước ngoài tới nhiều thị trường…

Theo đại diện Công ty Vietravel, ngoài việc doanh thu bị giảm mạnh, công ty còn phải chịu thêm chi phí visa, phí phạt hủy do trước đó đã chuẩn bị sẵn dịch vụ và thanh toán cho đối tác hàng không, khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển… để sẵn sàng cho các chuyến du Xuân của du khách. "Tuy nhiên, nhằm bảo đảm sức khỏe của du khách và cả cộng đồng, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh bùng phát, từ ngày 23-1, công ty đã hủy toàn bộ tour đến Trung Quốc và ngược lại, du khách có thể chọn cho mình những tour đến những điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc sẽ được hoàn tiền đến 100% giá trị tour" - đại diện Vietravel thông tin.

Tương tự, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist trong dịp Tết vừa qua đã hủy tour của 500 khách đi Trung Quốc. Bên cạnh sự hỗ trợ vé máy bay và gói dịch vụ tham quan (land tour) từ các đối tác, công ty đang giải quyết đổi tour trong 1 năm và hoàn tiền hủy tour cho khách. Hiện, Lữ hành Saigontourist vẫn đang tích cực theo dõi diễn tiến của dịch bệnh, kế hoạch bay của các hãng hàng không và mức độ dịch của các điểm đến để đưa ra phương án phục vụ khách phù hợp nhất.

Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn - Chi hội Khách sạn - Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, thừa nhận ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang điêu đứng vì nhiều khách sạn chuyên đón khách Trung Quốc công suất phòng giảm đến 70%-80%. Như khách sạn của ông, mặc dù tỉ lệ phòng dành cho khách Trung Quốc thấp, chỉ 5% nhưng vì ảnh hưởng chung nên các thị trường khác cũng hủy tour đến 20%. "Phần đông, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng để xây dựng khách sạn, nếu mất khách sẽ không có nguồn thu để trả nợ. Tình hình này nếu kéo dài, chúng tôi sẽ phá sản" - ông Sơn lo âu.

Một công ty lữ hành cho biết dịch nCoV không chỉ khiến khách Trung Quốc hủy tour mà rất nhiều khách nội địa cũng không dám đến Nha Trang để nghỉ dưỡng. Rất nhiều phòng khách sạn, ôtô đã thuê, đã ký hợp đồng đành năn nỉ xin khất. Chủ khách sạn M.L trên đường Trần Phú, TP Nha Trang, cho biết: "Khách sạn có 161 phòng nhưng đã hủy đến 100 phòng, dù đã ký hợp đồng trước nhưng làm ăn lâu dài nên phải trả cọc cho các tour. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý trước nên cơ cấu 60% phòng cho khách đoàn, còn lại để khách lẻ, đặt qua mạng, tour trong nước nhưng không thể ngờ lại tụt thẳng đứng như vậy".

Về phương án tìm kiếm thị trường thay thế, với thị trường khách quốc tế tới Việt Nam, Vietravel có phương án tập trung khai thác mới và đẩy mạnh thêm nguồn khách đến từ các nước Trung Đông và Ấn Độ. Đối với tour nước ngoài, công ty sẽ kích cầu, phát triển thêm các tuyến Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ vào mùa hoa anh đào, tulip, hay du lịch kết hợp thăm thân vào mùa hè tại Mỹ, Canada. Riêng thị trường nội địa, Vietravel sẽ đẩy mạnh xây dựng, bổ sung các điểm đến như miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ… - những vùng nắng ấm, an toàn cho du khách.

Với Lữ hành Fiditour, từ nay đến hết quý I/2020, tùy tình hình diễn biến thực tế, hãng sẽ phối hợp các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan để thiết kế sản phẩm có điểm đến, thời gian phù hợp và bảo đảm an toàn cho du khách, tập trung vào các thị trường thế mạnh của Lữ hành Fiditour là châu Âu, Mỹ, Úc, MICE nội địa... Mục tiêu của doanh nghiệp là xoay chuyển sản phẩm và thị trường nhanh chóng, linh hoạt, tăng cường các giá trị tiện ích, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của du khách.

Khó khăn vì văn hóa ứng xử

Một khó khăn khác đang diễn ra với ngành du lịch Đà Nẵng là tình trạng đánh đồng các nhóm khách nói tiếng Hoa. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, khách đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore... nói tiếng Hoa lại bị nghĩ là người Trung Quốc. "Khách Trung Quốc thì hiện ngừng khai thác rồi, trong khi các thị trường trên thì chưa có dấu hiệu hủy phòng nhưng người dân lại không hiểu, nghĩ là nói tiếng Hoa là khách Trung Quốc nên có một số ứng xử không đẹp" - bà Hạnh nói. Bà Hạnh đề xuất Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các quận, huyện nhắc nhở các cơ sở kinh doanh nhằm tạo ứng xử văn minh với du khách.

Tiếp tục phát khẩu trang cho du khách

Tại TP Huế, ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đã đặt mua hàng ngàn khẩu trang y tế để phát nếu khách có nhu cầu; đồng thời các nhân viên trung tâm phải đeo khẩu trang khi làm việc, nhiều di tích được phun khử trùng.

Tại TP HCM, ngày 4-2, Sở Du lịch đã phát 10.000 khẩu trang cho du khách, nâng tổng số khẩu trang đã phát cho khách du lịch trên địa bàn khoảng 20.000 cái. Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch phát 100.000 khẩu trang y tế miễn phí do Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tổ chức thực hiện.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/du-lich-that-bat-vi-dich-corona-20200204220041102.htm