Du lịch Thanh Hóa bứt phá ấn tượng

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của tỉnh Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự.

Với việc thổi luồng gió mới vào môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn. Thanh Hóa cũng đã tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

Sầm Sơn là bãi biển thu hút hàng vạn khách du lịch khi đến Thanh Hóa

Sầm Sơn là bãi biển thu hút hàng vạn khách du lịch khi đến Thanh Hóa

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...

Đặc biệt, hiện nay sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch... đã hình thành nên các khu, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như: bản Năng Cát (Lang Chánh); Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); bản Hang (Quan Hóa); bản Ngọc (Cẩm Thủy); bản Ngàm (Quan Sơn)...

Bên cạnh đó, sự kết hợp nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được địa phương cùng doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa vào công bố phục vụ khách du lịch như: “Ngược xuôi sông Mã”, tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm du lịch đồng quê, du lịch động Tiên Sơn - Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); khu Du lịch động Kim Sơn (Vĩnh Lộc); khu Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Nông trại Queen Farm (Quảng Xương); Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trải nghiệm.

Đồng thời, địa phương cũng đã xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã; tuyến đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; dự án đường từ Quốc lộ 1A nối với Khu Du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh... Đặc biệt, việc kết nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với các địa phương thuộc 4 khu vực trọng điểm phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần hình thành nên các tour nội địa hấp dẫn, thu hút dòng khách “tiềm năng” đến với Thanh Hóa.

Do đó, các chỉ tiêu phát triển du lịch Thanh Hóa trong những năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đón được 38,5 triệu lượt khách, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015; tổng thu du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 49 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm. Tính đến năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 4 cả nước về lượt khách du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh); xếp thứ 10 cả nước về tổng thu du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Nam).

Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa Thế giới được đông đảo du khách trong nước và quốc tế thăm quan

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu du lịch Thanh Hóa đều tăng cao và vượt so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, toàn tỉnh đón được gần 7,4 triệu lượt khách, tăng 151,2% (gấp 2,51 lần) so với cùng kỳ năm 2021; đạt 74% so với kế hoạch năm 2022; tổng thu du lịch đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 191,8% (gấp 2,91 lần) so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 72,1% kế hoạch năm 2022.

Theo bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư phát triển và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan.

Suối cá thần Cẩm Lương là điểm đến độc đáo của du khách ưu thích sự khám phá

Trong năm 2019, sự đóng góp của du lịch vào GRDP toàn tỉnh đạt khoảng 10% (trong đó đóng góp trực tiếp khoảng 4,3%, đóng góp gián tiếp khoảng 5,7%). Về đóng góp xã hội, du lịch góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho các ngành nghề liên quan, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Với tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 40.600 lao động.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp mở rộng không gian phát triển du lịch liên kết thị trường trong nước, quốc tế để tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, chú trọng phát triển du lịch toàn diện cả thị trường nội địa và quốc tế; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh... Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Thanh Hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.

Thành Phan – H. Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/du-lich-thanh-hoa-but-pha-an-tuong-218490.html