Du lịch tăng trưởng nóng: Cần biết 'hãm phanh'

Làn sóng hạn chế khách du lịch diễn ra từ mấy năm trước, giờ càng trở nên triệt để, quyết liệt, ở khắp mọi nơi trên thế giới, bởi tình trạng quá tải và nhiều nguy cơ khác mà những dòng người khổng lồ từ khắp hành tinh đem lại.

Chùa Cầu (Hội An) vừa phải ra quy định hạn chế du khách tham quan nhằm chống quá tải cho di tích Ảnh: Quốc hải

Chùa Cầu (Hội An) vừa phải ra quy định hạn chế du khách tham quan nhằm chống quá tải cho di tích Ảnh: Quốc hải

Trong vòng 10 năm qua, lượng khách đến chiêm ngắm tượng Nữ thần Tự do và đảo Ellis ở New York Mỹ tăng gấp 600 lần! Bởi vậy nơi đây vừa mới ra quy định hạn chế khách tham quan. Nhiều nơi của nước Mỹ và thế giới cũng đã làm vậy. Từ núi Phú Sĩ trắng tuyết, đỉnh Everest cao nhất trần gian, đỉnh Machu Picchu huyền bí, Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ, cho đến Chùa Cầu nhỏ xinh ở Hội An,… tất cả đều đang cố gắng “hãm phanh” dòng người kéo đến.

Ngày 1/7 mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo chuyên đề đặc biệt về phát triển du lịch tại Việt Nam. Theo đó, trong vòng 10 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam bùng phát, với số lượng du khách trong và ngoài nước tăng khoảng 400%. Thành quả kinh tế mà du lịch đem lại ngày càng quan trọng (đóng góp 8% cho GDP năm 2017). Tuy nhiên, một cảnh báo quan trọng mà WB kèm theo, đó là ngành du lịch Việt Nam “đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển”. Nếu cứ thả nổi cho chạy theo tăng trưởng mà thiếu sự quản lý, kiểm soát, chắc chắn những tác động bất lợi sẽ ngày càng nặng nề.

Đồng thời, một nghịch lý ngày càng thấy rõ, đó là miếng bánh lợi nhuận hầu hết lại rơi vào túi các địa phương đã có nền tảng kinh tế và cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch phát triển, chứ không phải các tỉnh nghèo. Các địa phương nghèo hoang sơ thiếu dịch vụ du lịch thường chỉ “hưởng” được mặt trái tác hại mà những dòng du khách xô bồ tràn qua.

Đi nhiều nơi quan sát, tôi ngày càng lo ngại tình trạng người dân bản địa dần bị “đẩy lui”, bị bắt “làm khách” ngay chính tại mảnh đất của mình. Họ bị chiếm mất dần những khoảng không gian thư giãn, nghỉ ngơi quen thuộc đã bao đời. Chịu đựng tắc đường, rác thải, ồn ào lộn xộn từ du khách. Họ hầu như ngày nào cũng phải “gánh” mọi thứ giá cả dành cho du khách. Họ bước ra khỏi cửa là lo ngay ngáy việc bị chặt chém,…

Ở Đà Nẵng, tình trạng đó dường như đã diễn ra. Bây giờ những tuyến đường biển, bãi biển, nhà hàng, khách sạn tại khu vực biển Mỹ Khê bên kia sông Hàn hầu như được “nhường” hẳn cho những dòng khách trung lưu, thượng lưu. Người dân Đà Nẵng rút lui dần về mạn đường biển Nguyễn Tất Thành ở bên này sông. Bãi tắm không sạch bằng. Quán xá xập xệ hơn. Nhưng dù sao nơi này vẫn còn nhiều những sự hồn nhiên, chân chất đặc trưng của người Đà Nẵng. Từ thái độ mua bán, kinh doanh, cho đến thái độ ứng xử của con người với nhau. Không biết với tốc độ của làn sóng du lịch hiện nay, khu vực biển Nguyễn Tất Thành này còn “cầm cự” được bao lâu? Người bản địa nơi đây còn biết rút lui đến nơi nào nữa?

Tôi nhớ ông Nguyễn Bá Thanh khoảng đầu năm 2013, sau khi được điều ra Trung ương, về lại Đà Nẵng họp kỳ cuối với tư cách Chủ tịch HĐND thành phố. Ông cựu Bí thư Thành ủy hôm ấy đã nêu tới hàng chục đầu việc mà thành phố cần làm, phải làm ngay, làm sớm. Trong đó có một đầu việc liên quan đến du lịch và du khách. Ông Bá Thanh kể đã “dọa” một nhà hàng bên biển, về chuyện chế biến con mực cơm mà ông “lọt” vào tận bếp để quan sát. Đại ý, chỉ loại mực cơm tươi mới dùng làm món hấp cho khách. Còn mực đã cấp đông thì chỉ có thể đem chiên, nướng, xào mà thôi. Cứ làm ẩu khách sẽ mất ngon, mất thiện cảm, sẽ không quay lại nữa. Giao ngành du lịch thành phố phải giám sát, buộc các chủ nhà hàng cam kết điều này!

Những chỉ đạo có phần “tỷ mẩn” kiểu ấy, giờ đây dần trở thành câu chuyện xa vời.

Mặt trái đáng sợ nhất của dịch vụ du lịch, tôi cho rằng chính là sự xâm thực, xóa mờ, đồng hóa những nét văn hóa kinh doanh vốn dĩ bình ổn, đẹp đẽ, chân chất truyền thống của một địa phương. Khi lối dịch vụ, bán buôn theo kiểu bất chấp, chụp giật tràn vào, chiếm lĩnh, chi phối. Dần dà, dẫn đến sự tha hóa về ứng xử của những bộ phận người dân bản địa.

Giờ đây, tình trạng chặt chém, rồi đánh chửi khách ở Đà Nẵng như báo chí nhiều lần phản ánh, không chỉ là “đặc sản” của những dân buôn bán từ nơi xa đến lập nghiệp. Mà nhiều vụ do chính người Đà Nẵng gây ra, điều trước đó hầu như không xảy ra.

Hiện tượng trên cũng đã và đang xảy ra tại những mảnh đất vốn thuần hậu, như Hội An, ở vùng sông nước miền Tây, những cộng đồng đồng bào nơi núi non hoang sơ với bản tính hoang sơ, chân thật.

Hệ lụy ấy hẳn không khó để nhận ra. Nhưng “cái phanh nào” để kìm hãm, để cứu vãn, ngành du lịch, ngành văn hóa đã tìm ra chưa?

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/du-lich-tang-truong-nong-can-biet-ham-phanh-1443052.tpo