Du lịch tâm linh từ các di sản Phật giáo

Quảng Ninh có hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo gồm nhiều chùa, am, tháp, bia, đền, lăng mộ trải khắp tỉnh, tập trung ở Uông Bí và Đông Triều. Hầu hết những công trình này nằm ở không gian thiên nhiên khoáng đạt, là những tài nguyên rất có giá trị để phát triển du lịch tâm linh.

Yên Tử có không gian thanh tịnh và trong lành thích hợp để phát triển du lịch tâm linh.

Yên Tử có không gian thanh tịnh và trong lành thích hợp để phát triển du lịch tâm linh.

Du lịch tâm linh hay còn gọi là du lịch tôn giáo là một phạm trù thuộc tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm dân tộc, phong thổ, con người, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, bảo tàng, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, văn học, ca múa. Hàm nghĩa của du lịch tôn giáo hiện nay chưa có được một quan điểm thống nhất. Đa số cho rằng du lịch tâm linh không chỉ là hình thức du lịch nhằm mục đích tôn giáo mà du lịch tâm linh còn là hình thức tu học, cầu học tại các địa điểm tâm linh tham gia các di tích, các thắng cảnh.

Theo đó, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện như: Là nơi phát tích của triều Trần, nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm, nơi viên tịch của Phật hoàng, nơi có chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, nơi gắn liền với những nhân tài anh kiệt thời Trần. Đặc biệt, Quảng Ninh có khu di tích danh thắng Yên Tử là nơi hình thành và phát triển của dòng thiền thuần Việt Trúc Lâm Yên Tử.

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1974, năm 2012 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và hiện đang được xây dựng hồ sơ trở thành Di sản thế giới. Yên Tử đón 1,5 - 2 triệu lượt khách mỗi năm, là điểm du lịch tâm linh có lượng khách lớn nhất toàn tỉnh. Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam đã và đang phát huy được nhiều giá trị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch của Việt Nam.

Cây thị cổ thụ ở chùa Đống Phúc (TX Quảng Yên).

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Những sản phẩm chúng tôi mang đến cho du khách tại Yên Tử chính là du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc gắn với thiên nhiên. Công ty đã tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch bao gồm các gói sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, gói sản phẩm khám phá Yên Tử, gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới mẻ... Tất cả đều phù hợp, hài hòa, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối đối với không gian văn hóa của Yên Tử cũng như xứng tầm với giá trị của di sản. Cùng với đó, Công ty rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp trong phục vụ nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có một hệ thực vật phong phú với hàng ngàn cây cổ thụ, sông suối, hồ ao đẹp như thủy mặc, lại thêm giao thông thuận lợi. Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thảo (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội), thì Quảng Ninh là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố địa linh nhân kiệt và thiên thời để phát triển du lịch tâm linh Phật giáo.

Chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta.

Để phát triển du lịch tâm linh một cách bền vững và có hiệu quả, phát huy các đặc điểm tài nguyên di sản Phật giáo, Tiến sĩ Phạm Thị Thảo đề xuất một số mô hình như sau: Thứ nhất là xây dựng công viên Phật giáo dựa trên các kiến trúc Phật giáo dưới tán cây rừng theo các chủ đề hoặc các câu chuyện trong các tích truyện Phật giáo nhất định. Mô hình này cần đảm bảo tận dụng không gian trống dưới tán cây rừng, tránh chặt cây mở đường. Nguyên vật liệu và màu sắc thiết kế cũng phải phù hợp với không gian hoa lá, vừa đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường, vừa giúp du khách hiểu hơn về nguồn gốc sự hình thành và triết lý nhân văn của Phật giáo.

Bảo tượng Phật hoàng trong tháp Huệ Quang ở Yên Tử.

Thứ hai là tổ chức các hoạt động trong những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, lễ Trần Nhân Tông nhập niết bàn, thiền sư Pháp Loa nhập tịch, các hội nghị hội thảo về Phật giáo nhằm lan tỏa giá trị của di tích. Thêm nữa, có thể tổ chức các hoạt động nghi lễ Phật giáo để các cư sĩ tham gia khóa tu theo nhật kì. Đối với phật tử và du khách cần tổ chức trải nghiệm đời sống Phật môn, tham gia sinh hoạt cùng tăng ni; trải nghiệm ẩm thực chay của Phật giáo.

Cùng với đó là việc xây dựng các thực cảnh cho sân khấu, điện ảnh kêu gọi các nhà văn, biên đạo, đạo diễn, diễn viên dựa trên các cấu tứ câu chuyện được ghi chép trong sử sách về các huyền thoại tâm linh gắn với di tích để sân khấu hóa. Có thể xây dựng thực cảnh từ câu chuyện Trần Nhân Tông bỏ cung vào Yên Tử rồi bị triệu hồi, 2 lần dẹp quân Nguyên Mông, trao ngôi báu và vào Yên Tử, truyền ấn cho nhị tổ Pháp Loa, thuyết pháp giảng kệ, Điều Ngự giác hoàng viên tịch, Pháp Loa in khắc kinh, Nhị tổ rước xá lỵ của Phật hoàng về kinh v.v..

Cảnh quan phía trước chùa Cái Bầu (Vân Đồn).

Gần 1 thập kỷ theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, khẳng định sự kiên trì và những nỗ lực để đi đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở giảm bớt phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn, tăng dần phát triển các nguồn tài nguyên vô hạn, lấy phát triển dịch vụ, du lịch là trọng yếu. Trong đó, tập trung đầu tư trực tiếp nhiều nhất cho du lịch, xây dựng Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc sắc. Trong giai đoạn 2023- 2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững; dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi, sinh thái khu vực ven biển; kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202102/du-lich-tam-linh-tu-cac-di-san-phat-giao-2521918/