Du lịch Sri Lanka tổn thương sau vụ đánh bom đẫm máu

Du lịch của Sri Lanka hứng chịu đòn giáng nặng nề sau vụ đánh bom liên hoàn ở các nhà thờ Thiên chúa giáo và khách sạn năm sao ở nước này.

 Cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ đánh bom ở khách sạn 5 sao Shangri-la ở Colombo, Sri Lanka hôm 21-4. Ảnh: AP

Cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ đánh bom ở khách sạn 5 sao Shangri-la ở Colombo, Sri Lanka hôm 21-4. Ảnh: AP

Theo số liệu thống kê mới nhất, vụ đánh bom dây chuyền hôm 21-4 nhằm vào các khách sạn sang trọng và nhà thờ Thiên chúa giáo ở thủ đô Colombo và hai thành phố Negombo, Batticaloa của Sri Lanka, đã khiến 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Người Sri Lanka chiếm phần lớn trong số các nạn nhân nhưng các quan chức chính phủ cho biết có 36 du khách nước ngoài thiệt mạng, bao gồm những người mang quốc tịch Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha...

Chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng một số tờ báo địa phương cho rằng có khả năng một số tổ chức khủng bố Hồi giáo có liên quan. Cho đến nay, cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ 24 người bị nghi ngờ liên quan đến vụ tấn công.

Vụ đánh bom ở Sri Lanka hôm 21-4 thực sự gây chấn động và bàng hoàng không chỉ vì số thương vong quá lớn mà còn vì đất nước Nam Á này gần như chưa hứng chịu bất kỳ làn sóng bạo lực quy mô lớn nào kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ vào năm 2009. Sri Lanka cũng “miễn nhiễm” với khủng bố do những kẻ Hồi giáo cực đoan gây ra.

Sri Lanka trải qua cuộc nội chiến dai dẳng trong gần thập kỷ giữa quân chính phủ và lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil, một tổ chức vũ trang chiến đấu đòi độc lập cho người Tamil ở vùng Đông Bắc đảo quốc Sri Lanka. Cuộc nội chiến kết thúc sau khi Những con hổ giải phóng Tamil bị đánh bại vào năm 2009.

Vụ đánh bom giáng đón nặng nề cho tham vọng du lịch Sri Lanka khi nước này đang kỳ vọng đón 4 triệu du khách quốc tế trong năm nay, tăng mạnh so với con số 2,4 triệu vào năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo nền kinh tế Sri Lanka sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, tăng so với mức 3,2% vào năm 2019. Mức tăng trưởng khả quan này có sự đóng góp quan trọng của du lịch, một lĩnh vực đang trỗi dậy trong nền kinh tế nước này.

Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet xếp Sri Lanka vào vị trí số 1 trong danh sách 10 nước mà du khách nên ghé thăm trong năm 2019.

Phát biểu với báo chí sau vụ đánh bom, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ghi nhận vụ đánh bom sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế và ngành du lịch.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ chứng kiến ngành du lịch bị ảnh hưởng trong một thời gian”.

Các khách sạn 5 năm sao bị đánh bom bao gồm Shangri-La, Cinnamon Grand và Kingsbury đều nằm ở trung tâm Colombia.

Harith Perera, Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành tour trong nước Sri Lanka, cho biết đây là lần đầu tiên các khách sạn bị tấn công trực tiếp, điều chưa xảy ra ngay cả trong suốt 30 năm nội chiến. Ông lưu ý điều này sẽ tác động xấu đến mùa du lịch mùa hè sắp tới.

Hơn 2,3 triệu du khách nước ngoài đến Sri Lanka vào năm ngoái, mang về cho nước này hơn 4 tỉ đô la. Ảnh: The National

Sau vụ tấn công, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo nâng mức cảnh báo du lịch đến Sri Lanka lên mức “gia tăng thận trọng”. Thông báo nói rằng tấn công khủng bố có thể xảy ra ở Sri Laka mà không có hoặc có rất ít dấu hiệu cảnh báo và các mục tiêu bị nhắm đến có thể là các địa điểm du lịch, khách sạn, cơ quan chính phủ, khu mua sắm...Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Úc cũng khuyến cáo công dân cân nhắc tính cần thiết của kế hoạch viếng thăm Sri Lanka.

“Du lịch là một trong ngành kinh tế số một của chúng tôi. Sự phục hồi của ngành du lịch sẽ phụ thuộc vào cách mà chính phủ phản ứng trước các sự kiện này (vụ đánh bom)”, Dinesh N. Perera, chủ công ty lữ hành Blue Lanka Tours ở Colombo, nói.

Perera cho biết công ty ông tổ chức 70-80 tour cho du khách mỗi tháng nhưng sau vụ đánh bom hôm 21-4, ông lo con số này giảm chỉ còn 15 tour/mỗi tháng và tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm sau. Ông nói sau vụ đánh bom, nhiều du khách từ châu Âu đã hủy hoặc hoãn tour. Yoho Sri Lanka, thương hiệu lưu trú đang cho thuê khách sạn, nhà khách và căn hộ ở Sri Lanka, cho biết một số khách đang hủy phòng.

Du lịch là ngành đóng góp nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho Sri Lanka. Sri Lanka đang có khoản nợ nước ngoài 52 tỉ đô la. Hồi tháng 1-2019, chính phủ Sri Lanka đã phải trích dự trữ ngoại hối để trả một phần nợ đến hạn. Du lịch sa sút sẽ càng làm căng thẳng thêm tình hình tài chính của nước này.

Theo Nikkei Asian Review, The National

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287918/du-lich-sri-lanka-ton-thuong-sau-vu-danh-bom-dam-mau.html