Du lịch ngày lễ: Đừng để mang cái bực mình vào người

Để du lịch ngày lễ thật sự là một kỳ nghỉ thì mỗi người tự lên kế hoạch nghỉ sao cho đỡ tốn kém, không mang cái bực mình vào người.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày có một thuận lợi duy nhất của việc đi du lịch là được nghỉ nhiều ngày, các thành viên trong gia đình có thể vui chơi cùng nhau hoặc nhóm bạn thân có cơ hội “họp mặt” đầy đủ. Song song, nó cũng đã tạo điều kiện cho du lịch trong nước “bùng nổ” ở nhiều điểm đến.

Bãi biển Sầm Sơn đông kín, du khách chen chân tắm biển dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2018

Bãi biển Sầm Sơn đông kín, du khách chen chân tắm biển dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2018

Quan trọng hơn, ngày nghỉ lễ được xem là kỳ nghỉ “giải hạn” cho ngành du lịch trong bối cảnh ngành du lịch của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, những ngày nghỉ lễ đã tạo cơ hội kinh doanh lớn cho ngành du lịch.

Trải dọc mọi miền của Tổ quốc, là tiềm năng du lịch vô cùng hấp dẫn phong phú của Việt Nam, ở bất kỳ nơi đâu thiên nhiên cũng ban tặng cho chúng ta rất nhiều lợi thế về du lịch, nền tảng để phát triển du lịch bền vững. Hôm nay, chúng ta vẫn tự hào Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về du lịch.

Hẳn, những tín đồ du lịch khó lòng quên được hình ảnh một bãi biển Sầm Sơn luôn “đông như nêm” mỗi dịp khai hội. Không riêng Sầm Sơn, cảnh dòng người kín đặc, chen chúc có thể tìm thấy ở bất cứ khu du lịch nào, từ Sa Pa, Tam Đảo, Cát Bà, các bãi biển miền Trung, Vũng Tàu đến Đà Lạt..v..v.

Thế nhưng, cũng chính bởi người người, nhà nhà có suy nghĩ “đi du lịch ngày lễ” nên sự quá tải trong các dịch vụ du lịch rất dễ khiến du khách phải mệt “phờ râu”. Nhiều người phải thừa nhận rằng, đi du lịch vào ngày nghỉ lễ “vui thì ít mà phiền toái thì nhiều”. Theo đó, thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn, kỳ nghỉ của nhiều gia đình lại trở nên ngột ngạt, mỏi mệt, bực bội.

Một điều dễ nhận thấy trong các ngày lễ tết rằng, mặc dù vẫn cố gắng nhưng ngành du lịch Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn như:

Câu chuyện khách bị chặt chém khách, tình trạng quá tải du khách liên tục được nhắc đến. Hầu hết các du khách đều phải chấp nhận thiệt thòi vì dịch vụ nơi đâu cũng bị quá tải từ phòng ngủ, đồ ăn đến nhân viên phục vụ. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thường lợi dụng thời điểm này để nâng giá cả lên khoảng 30 – 40%, có nơi còn tăng lên 50 - 70%.

Hay như, Hội An – được ví là thành phố “yên tĩnh như đang ngủ mơ màng” trong nhiều cuốn cẩm nang du lịch thì giờ “chìm” trong dòng chảy của khách du lịch. Còn ở Phú Quốc cũng không thể tìm được sự yên tĩnh khi hòn đảo trong cảnh ngổn ngang xây dựng, tiếng nhạc karaoke, tiếng xuồng máy… Đó là chưa kể “những bãi biển và dòng sông chết” bởi rác thải, hộp nhựa, túi nilon và nước thải của cả ngư dân lẫn du khách.

Thế mới thấy, những gì mà chúng ta đã đạt được so với tiềm năng ấy thật sao mà khiêm tốn. Trước thực trạng không mấy vui này, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành góp ý: “Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ngay tại thị trường nội địa, thông qua du lịch. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp, địa phương không thực sự thay đổi cách thức kinh doanh, họ không chỉ dần làm vơi đi “nồi cơm” của mình, mà còn có tội với các kỳ quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp - một tiềm năng du lịch cực lớn của Việt Nam”.

Suy rộng vấn đề, chúng ta thấy điều đáng nói nhất cho ngành du lịch đó là trách nhiệm của người đứng đầu ngành. Là một người chỉ huy trưởng, nhưng ông Hoàng Tuấn Anh khi còn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lại sẵn sàng trả lời câu hỏi thiếu trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân cả nước rằng: “Việt Nam quá giàu tiềm năng, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng nhưng quả thực việc thu hút khách còn hạn chế… Tôi nhớ tại kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Singapore, Malaysia. Tôi bỏ ngỏ. Tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này. Tôi không dám trả lời”.

Trở lại với vấn đề du lịch ngày lễ, công bằng mà nói, những ngày nghỉ lễ con cái mới được nghỉ học, người lao động mới được nghỉ làm…, mới có thời gian vợ chồng, con cái đi chơi, gia đình sum họp. Nhưng phải nghỉ thế nào cho đúng nghĩa, vì chính những ngày này khu du lịch thì chặt chém, chỗ nào đẹp thì chen chúc nhau…

Vì vậy, để du lịch ngày lễ thật sự là một kỳ nghỉ thì mỗi người tự lên kế hoạch nghỉ sao cho đỡ tốn kém, không mang cái bực mình vào người và cần chống lại những cách làm du lịch rẻ tiền.

Sông Hàn

Bạn đang đọc bài viết Du lịch ngày lễ: Đừng để mang cái bực mình vào người tại chuyên mục Tâm điểm của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-lich-ngay-le-dung-de-mang-cai-buc-minh-vao-nguoi-149273.html