Du lịch mải chạy theo số lượng?

Hơn 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019. Con số đáng mừng nhưng không ít lo ngại tình trạng bùng nổ du khách, thậm chí có người cho rằng không nên chạy theo số lượng.

Việt Nam còn có thể đón gấp đôi số khách quốc tế so với hiện nay Ảnh: KỲ SƠN

Việt Nam còn có thể đón gấp đôi số khách quốc tế so với hiện nay Ảnh: KỲ SƠN

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch) thông báo số liệu mới nhất Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế năm qua. Chỉ tiêu năm 2020 Chính phủ giao cho ngành là 20,5 triệu lượt.

Hơn 90% khách quốc tế đến bằng đường hàng không, nhưng loạt cảng hàng không quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang quá tải khiến du khách mệt mỏi. Hệ thống hạ tầng ở các khu du lịch chất lượng chưa cao, tiêu tốn thời gian và tác động tiêu cực tới trải nghiệm của khách. Nhiều người nêu ý kiến đến lúc ta không nên chạy theo số lượng khách quốc tế tăng trưởng hằng năm nữa.

“Số lượng quan trọng, chất lượng càng quan trọng hơn. Tôi cho rằng trước mắt vẫn phải tiếp tục tăng số lượng để vào nhóm các quốc gia đón nhiều khách quốc tế trong khu vực, bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng, hướng tới dòng khách thu nhập cao”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm tại cuộc họp giới thiệu Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2020 ngày 9/1.

Khách quốc tế thích thú trải nghiệm du lịch đường phố

Việt Nam có thể đón tới 30 triệu khách quốc tế, ông Vũ Thế Bình khẳng định: Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá tiềm năng du lịch Việt Nam rất cao. Khách sạn ở ta mới đạt 50% công suất. “Chúng tôi ủng hộ việc vẫn phải tăng trưởng con số, bởi số khách quốc tế này chưa ăn thua gì. Số khách tăng này là do nỗ lực từ nhiều năm trước đưa lại, hiện tại chưa làm thêm được nhiều. Chỉ cần ta ngừng lại các nước trong khu vực họ bùng nổ ngay. Tuy nhiên những người làm du lịch phải chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các địa phương phải nâng cao khả năng quản lý điểm đến”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Cty TNHH Du lịch Aza cho rằng mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế là hợp lý, căn cứ trên mức tăng trưởng bốn năm liên tiếp vừa qua chúng ta đạt trung bình hơn 20%, năm 2019 đạt hơn 16%. “Nhìn ra nước bạn, Thái Lan đón 35 triệu khách, gần gấp đôi Việt Nam, trong khi tài nguyên du lịch, văn hóa của Việt Nam cao hơn Thái Lan”, ông Đạt nói.

KHÔNG HÔ HÀO SUÔNG

Phân tích kỹ hơn về tiềm năng của ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng Việt Nam không thể cứ sa lầy vào việc đón khách giá rẻ. Trong chuyến làm việc vừa rồi với đối tác Trung Quốc, Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định người Việt du lịch Trung Quốc không thua kém người Trung Quốc tới Việt Nam. Khoảng 5 triệu khách Trung Quốc tới Việt Nam, Việt Nam cũng đưa hơn 3 triệu lượt khách sang Trung Quốc với mức chi tiêu không thấp. “Chính vì thế chúng ta không có gì phải băn khoăn về việc phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung Quốc”, ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng số lượng cần thiết tuy nhiên nếu số lượng không đem lại giá trị kinh tế lớn thì cần xem lại. Tình trạng tua 0 đồng, tua giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang khiến du lịch Việt Nam thu lợi không đáng là bao. Nhiều chuyên gia lo ngại khi thị trường Hàn Quốc cũng có hiện tượng tự vận hành nhiều khâu, Việt Nam bị thất thu khi nguồn tiền chi tiêu đổ trực tiếp về một số doanh nghiệp Hàn Quốc.

“Tôi cho rằng ngoài tiêu chí về số lượng, Tổng cục Du lịch nên đặt mục tiêu cụ thể ở từng thị trường nhất là các thị trường có mức chi tiêu cao như Úc, Tây Âu, Mỹ, Nhật. Nên có bộ tiêu chí cụ thể hơn, không chỉ chăm chăm nhìn vào chỉ số duy nhất về số lượng”, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất. Ông Dushyant Dwibedy đến từ chuỗi khách sạn lớn của Ấn Độ khẳng định, năm 2020 không chỉ có xu hướng nhiều tỉ phú Ấn Độ chọn Việt Nam làm đám cưới xa hoa, mà thị trường khách Ấn Độ đa dạng từ trung tới cao cấp đến Việt Nam cũng gia tăng.

Một chuyên gia chỉ ra rằng, khách Trung Quốc không chỉ có nguồn khách chi tiêu thấp. Tổ chức Du lịch thế giới thống kê khoảng 166 triệu lượt khách Trung Quốc du lịch năm 2019. Theo tổ chức Du lịch thế giới UNWTO và Trung tâm nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu, năm 2018 chi tiêu của khách Trung Quốc đạt 277 tỷ USD chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới. Đặc biệt khách Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt khoảng 1.850 USD/chuyến đi. Trung Quốc nằm trong tốp đầu các nước châu Á Thái Bình Dương sau Úc, Singapore.

Câu chuyện nâng cao chất lượng du lịch được bàn thảo không ít, tuy nhiên không nên chỉ hô hào suông. “Nghị quyết 08 về phát triển du lịch rất hay nhưng chúng ta mới thực hiện hơn 10%. Chúng ta nói nhiều nhưng đến lúc bắt tay làm. Hiệp hội, các doanh nghiệp phải làm thôi vì du lịch là nghề của mình không thể oán thán gì ai khác”, ông Vũ Thế Bình nói.

Du lịch gắn với phát triển di sản bền vững
Theo ông Đinh Ngọc Đức, khách quốc tế bây giờ có xu hướng quan tâm tới tính bền vững về môi trường và di sản khi lựa chọn điểm đến. Vì vậy trong Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2020 sắp tới, các nhà tổ chức mở diễn đàn “Di sản - nguồn lực phát triển của du lịch Việt Nam”, tập trung thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Tiềm năng văn hóa của Việt Nam được đánh giá cao hơn Thái Lan, tuy nhiên đô thị hóa và phát triển đang phá nát nhiều giá trị di sản. Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhắc lại câu chuyện nhiều di tích hoang phế ở Huế, bài học không tôn trọng di sản thiên nhiên ở Hà Giang (công trình chui Mã Pì Lèng, dự án sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú).

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/du-lich-mai-chay-theo-so-luong-1507752.tpo