Du lịch Lào Cai 'xốc' lại tinh thần, khởi động chặng đường mới

Sapa bây giờ các dãy phố bớt đông, hàng quán bớt xập xình, hàng rong cũng thưa thớt... Hậu quả từ COVID-19 khiến phố núi đìu hiu. Vì thế lãnh đạo địa phương này đã lên kế hoạch 'xốc' lại thị trường.

Thung lũng Mường Hoa, Sapa mùa nước đổ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thung lũng Mường Hoa, Sapa mùa nước đổ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Hậu giãn cách COVID-19, hình ảnh một Sapa mù sương “chật như nêm” du khách như thường thấy bỗng chẳng còn. Chưa bao giờ Sapa trở nên “dễ thở” đến vậy.

Thế nhưng chính quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ ấy của ngành kinh tế không khói phố núi đã tạo động lực mạnh mẽ cho chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp “xốc” lại tinh thần, khởi động một chặng đường mới nhằm vực lại ngành du lịch cho Lào Cai.

Về vấn đề này, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã có những chia sẻ về kế hoạch của địa phương trong thời gian tới.

- Sau thời gian thực hiện giãn cách toàn quốc vì dịch bệnh COVID-19, xin ông cho biết tỉnh Lào Cai có chính sách gì nhằm kích cầu du lịch cho Sapa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung?

Ông Hà Văn Thắng: Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, hiện nay ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho tỉnh.

Trước tiên, chúng tôi tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn để có những giải pháp cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm trở lại với các hoạt động bình thường, phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Hà Văn Thắng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

- Văn hóa bản địa vốn được coi là điểm nhấn để có thể thu hút khách quốc tế, khi Sapa đã trở nên quá tải như hiện nay thì tỉnh Lào Cai có chiến lược gì để bảo tồn và phát huy văn hóa của các làng bản trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hà Văn Thắng: Lào Cai là tỉnh có tới 25 dân tộc, đặc biệt ở khu du lịch quốc gia Sapa có 5 dân tộc ít người. Hiện chúng tôi đã và đang triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa. Bởi Lào Cai vốn đã có truyền thống biến di sản thành tài sản.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xét thấy văn hóa là nguồn gốc, nền tảng cho phát triển du lịch. Đồng bào các dân tộc ở Lào Cai rất có ý thức trao truyền những tri thức văn hóa dân gian và việc làm này đang được cộng đồng chung tay hưởng ứng.

Chính quyền Lào Cai cũng đã và đang có những giải pháp hết sức bài bản được đưa vào nghị quyết, vào các đề án. Đặc biệt, chúng tôi sẽ xây dựng đề án du lịch trong nhiệm kỳ tới và đầu tư các nguồn lực để thực hiện các giải pháp bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc của Lào Cai.

- Nhằm tạo nét mới mẻ hơn cho du lịch Sapa, những tuyến điểm nào sẽ được đưa vào khai thác trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hà Văn Thắng: Chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Sapa, doanh nghiệp và người dân chung tay để làm mới Sapa, để Sapa có diện mạo tươi đẹp hơn bằng môi trường cảnh quan, bằng chất lượng dịch vụ, bằng công tác đào tạo, đặc biệt là chương trình ứng xử văn minh du lịch…

Những điểm mới có thể kể đến ở du lịch Sapa như không chỉ duy trì và phát huy những sản phẩm du lịch truyền thống mà còn tăng cường triển khai các hoạt động dịch vụ mới như hoạt động lưu trú trên cây, các sản phẩm chinh phục đỉnh cao. Với du lịch văn hóa cộng đồng, chúng tôi sẽ tìm thêm ở các làng bản có bản sắc văn hóa phong phú và đặc sắc nhất nhằm mang những giá trị tinh túy nhất giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế.

Với sản phẩm du lịch chợ phiên, nếu trước đây chỉ tập trung vào chợ Bắc Hà thì tới đây sẽ triển khai thêm một số sản phẩm ở Y Tý. Chúng tôi sẽ phát triển sản phẩm chợ phiên liên vùng của khu du lịch quốc gia Sapa tới Bắc Hà, Cán Cấu, Pha Long, Mường Khương…

Trung tâm thị xã Sapa chiều ngày 23/5. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

- Hạn chế của du lịch Sapa hiện nay là gì và địa phương có những giải pháp nào khắc khục để hấp dẫn du khách?

Ông Hà Văn Thắng: Hiện chúng tôi đang tập trung phát triển hạ tầng ở Sapa. Lào Cai là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hạ tầng còn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết từ thực thế. Nhưng trong tương lai, chúng tôi đang có những giải pháp kết nối các tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai tới Sapa và các tuyến đường tỉnh lộ, các tuyến đường tới xã, tới các điểm du lịch cộng đồng đã được Lào Cai đưa vào quy hoạch, kế hoạch.

Chúng tôi cũng đang tập trung tạo ra nhiều hơn nguồn lực và kêu gọi các nhà đầu tư chung tay thực hiện phát triển hạ tầng. Đó là những khó khăn của tỉnh Lào Cai mà chúng tôi cho rằng trong thời gian tới sẽ giải quyết được và như thế du lịch Lào Cai sẽ có điều kiện phục vụ tốt hơn du khách trong nước và quốc tế.

- Ông vừa nhắc tới các nhà đầu tư, thời gian qua, nhiều tập đoàn tư nhân đã đầu tư vào Sapa, theo ông vai trò của các tập đoàn này đối với sự phát triển của du lịch Sapa thế nào? Trong thời gian tới, Sapa có cách nào để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư chiến lược?

Ông Hà Văn Thắng: Lào Cai luôn trân trọng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi thấy rằng sự đóng góp của các nhà đầu tư có đủ uy tín, năng lực đã giúp Lào Cai cải thiện môi trường du lịch, đóng góp cho sự phát triển du lịch. Đặc biệt, các nhà đầu tư đã tạo ra chuỗi công ăn việc làm cho người dân nơi đây, tạo ra những sản phẩm du lịch đẳng cấp trong nước và quốc tế.

Vì thế, Lào Cai luôn luôn trân trọng và mong muốn các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục tìm hiểu thị trường du lịch của Lào Cai cũng như tiềm năng văn hóa, du lịch của Lào Cai để có những sản phẩm mới tại Lào Cai.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/du-lich-lao-cai-xoc-lai-tinh-than-khoi-dong-chang-duong-moi/641792.vnp