Du lịch làng nghề 'chững lại' vì ô nhiễm

Du lịch làng nghề là mô hình tham quan, trải nghiệm những nơi lưu truyền nghề truyền thống, lưu giữ những nét văn hóa vùng miền, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cảnh quan thiên nhiên, di sản... Tuy nhiên, hiện trạng ô nhiễm trầm trọng tại các làng nghề đang khiến du khách 'ngán ngẩm' với loại hình du lịch này.

Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Ô nhiễm khiến du lịch làng nghề tụt hậu

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.

46% số làng nghề trong diện điều tra bị ô nhiễm nặng

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tình trạng hoạt động thiếu thân thiện với môi trường ở các làng nghề đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Riêng phạm vi thành phố Hà Nội đã có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng phân bố không đều. Đáng chú ý, trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả một cuộc khảo sát 65 làng nghề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, theo đó chỉ có 6 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Ví dụ, thống kê trên địa bàn xã Vân Từ (Phú Xuyên) hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp là vải vụn. Hay tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), các hộ dân làm dệt nhuộm ở đây hàng ngày xả thẳng vào môi trường một lượng nước thải lớn không qua xử lý, khiến môi trường ở đây ngày càng trở nên ô nhiễm hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Còn theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Ðối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, mặc dù các hầm khí sinh học bi-ô-ga được xây dựng theo quy chuẩn, nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm...

Kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức); Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường.

Đáng nói, đây là tình trạng chung của đa số các làng nghề trên cả nước, là bài toán khiến các chuyên gia và các nhà quản lý “đau đầu” nhiều năm nay. Trong khi đó, chủ trương phát triển du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống từ nhiều năm nay đã được đưa vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nhiều làng nghề chưa đáp ứng về cơ sở hạ tầng xử lý chất thải.

Loay hoay tìm giải pháp làng nghề xanh

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề với mục đích đưa các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, tập trung lại một chỗ để dễ quản lý, theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, dư luận bày tỏ quan ngại việc tổ chức các cụm công nghiệp có thể mở rộng phạm vi ô nhiễm. Trên thực tế, nhiều địa phương chỉ có thưa thớt làng nghề hoặc một số làng nghề chỉ có thưa thớt người làm, do vị trí địa lý không thuận tiện nên nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp không thể thu hút được các cơ sở sản xuất di chuyển vào hoặc chỉ phục vụ mục đích giãn dân. Như vậy, phạm vi ô nhiễm chỉ mở rộng chứ không giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Một thực trạng khác là tại hầu hết cụm công nghiệp làng nghề, cơ sở hạ tầng mới chỉ dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống đường giao thông nội bộ đơn giản… ít thấy các hạng mục, công trình về bảo vệ môi trường. Chưa kể, việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng không được thường xuyên dẫn tới việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Đơn cử một số cụm công nghiệp đang bộc lộ các bất cập về môi trường như cụm công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh); mây tre đan Trường Yên (Hà Nội). Một nguyên nhân được đề cập tới là do hầu hết các khu, cụm công nghiệp loại này không có công trình xử lý nước thải tập trung, do đó quy trình xử lý nước thải vẫn chưa được hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương cũng như người dân, chứ không phải “tách nghề ra khỏi làng” như phương pháp quy hoạch các cụm công nghiệp.

Cũng từ hướng tiếp cận này, đầu năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Đây là một hướng đi nhằm tăng cường khả năng xử lý chất thải ở các làng nghề, cũng như nâng cao chính người dân tại địa phương bảo vệ môi trường xung quanh mình, đồng thời cân bằng được mục đích kinh tế, bảo tồn và mục đích bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống.

Ðồng thời, xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện Hoài Ðức, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Phú Xuyên... với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu... Ngoài ra, thành phố cũng đặt hàng các nhà khoa học triển khai các công trình nghiên cứu xử lý chất thải tại các làng nghề.

Làng nghề là một phần quan trọng của nông thôn Việt Nam, kinh tế và văn hóa Việt Nam. Sản phẩm từ các làng nghề ở Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước mà đã đi tới hơn 160 quốc gia trên thế giới, ước tính mang về khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Việc “giải cứu” làng nghề khỏi tình trạng ô nhiễm, mai một là một vấn đề cấp thiết của các nhà quản lý hiện nay.

Cơ cấu lại thị trường khách du lịch

Là một trong những nội dung sẽ được bàn bạc tại hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” ngày 28/11 tại Quảng Nam. Dự kiến, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý du lịch của địa phương; các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các hãng hàng không, vận chuyển, các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch; cùng các nhà khoa học, chuyên gia tham gia hội nghị.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về những nội dung quan trọng như: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch; Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác; Thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch. Đây sẽ là định hướng quan trọng để ngành Du lịch có thể phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới. Trước đó, ngày 27/11 sẽ diễn ra Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/du-lich-lang-nghe-chung-lai-vi-o-nhiem-558404.html