Du lịch là động lực tăng trưởng mới của An Giang

An Giang vốn là đầu tàu lúa gạo của Việt Nam, nhưng gần đây tỉnh xác định ngoài nông nghiệp thì du lịch sẽ là thế mạnh và là động lực tăng trưởng mới của tỉnh. TBKTSG có cuộc trao đổi với ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh.

TBKTSG: “An Giang - kết nối cơ hội, hợp tác thành công” là chủ đề được tỉnh chọn cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư An Giang sắp tới, trong đó lần đầu tiên tỉnh nêu du lịch là một trọng tâm phát triển mới. Xin ông cho biết cái đích mà tỉnh muốn hướng tới là gì?

- Ông Vương Bình Thạnh: Chủ đề của hội nghị xúc tiến đầu tư được tỉnh An Giang chọn “An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công” như một thông điệp địa phương mong muốn mang cơ hội đến được với tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và An Giang cũng muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh của địa phương.
Lúa gạo vẫn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của An Giang với diện tích canh tác trên 250.000 héc ta, hệ số sử dụng đất là 2,43 lần; sản lượng lúa đạt gần 4 triệu tấn/năm, trong đó, giống chất lượng cao chiếm 70-80%. Với địa hình sông nước, thủy sản được coi là thế mạnh thứ hai của tỉnh sau cây lúa, trong đó chủ lực là cá tra, ba sa. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 2.700 héc ta, hàng năm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu trên 450.000 tấn.

Tuy là tỉnh nông nghiệp, nhưng An Giang có hệ thống sinh thái đa dạng và phong phú, có rừng, có núi, có vùng khí hậu mát mẻ quanh năm được xem như Đà Lạt miền Tây, giúp địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch so các địa phương khác trong vùng, đặc biệt các loại hình du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch sông nước vào mùa nước nổi...

Là vùng đất giao thoa văn hóa của bốn dân tộc anh em (Kinh - Hoa - Chăm - Khmer) đã tạo nét văn hóa đặc sắc riêng, từ trang phục, nghệ thuật kiến trúc, văn hóa ẩm thực... Từ đó, ngành du lịch An Giang có sức hút rất lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, có tổng lượt khách trên 8,5 triệu lượt trong năm 2018, ngành du lịch đã đạt doanh thu gần 4.800 tỉ đồng.

TBKTSG: Ông có thể nói rõ hơn An Giang muốn các doanh nghiệp đầu tư vào những hoạt động cụ thể nào trong hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch?

- Về nông nghiệp An Giang định hướng phát triển nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và xây dựng nền kinh tế xanh để tạo nền tảng phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến. Ưu tiên phát triển các ngành hàng của tỉnh theo chuỗi giá trị gia tăng như: lúa, cá, rau màu,... tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất. An Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tiếp cận với người dân để thuê lại đất nông nghiệp triển khai dự án nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với du lịch, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối bốn khu du lịch trọng điểm Long Xuyên - Châu Đốc - Núi Cấm - Óc Eo. Rà soát và điều chỉnh quy hoạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện các công trình, dự án du lịch. Bổ sung quy hoạch những nơi có tiềm năng phát triển du lịch như cù lao Giêng, cồn Phó Ba... để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch, làng nghề truyền thống tại địa phương.

TBKTSG: Rõ ràng là An Giang có nhiều lợi thế tự nhiên, nhưng để thu hút được các nhà đầu tư đến với tỉnh thì điều đó vẫn chưa đủ. Vậy thông điệp của tỉnh gửi đến nhà đầu tư tiềm năng lần này là gì?

- An Giang vận dụng linh hoạt những chính sách của trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng.
Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất để gia nhập thị trường, tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng mặt bằng nhanh và nguồn nhân lực cho nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo theo Đề án “Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 tỉnh An Giang”; hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 30-6-2016 của ủy ban nhân dân tỉnh...

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: angiang.gov.vn

Ngoài ra, tỉnh sẽ căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất khi đầu tư vào các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi có những thay đổi về chính sách ưu đãi, nhà đầu tư sẽ được lựa chọn mức ưu đãi có lợi nhất. Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể bao gồm:

- Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch: xây dựng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao: được hỗ trợ từ 40-60 triệu đồng/phòng ngủ; xây dựng nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang đạt chuẩn phục vụ du lịch: mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án; xây dựng khu mua sắm đạt chuẩn phục vụ du lịch: mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án; đầu tư khai thác du lịch sông nước: mức hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng/dự án.

- Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng: kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách du lịch thuê (loại hình homestay): mức hỗ trợ từ 50-80 triệu đồng/dự án; hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong hạn khi vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, số nợ vay hỗ trợ tối đa không quá 2 tỉ đồng/tập thể hoặc hộ gia đình.

Về chính sách về tạo quỹ đất: nhà đầu tư được tiếp cận đất đai trước khi xin chủ trương đầu tư để hạn chế tình trạng tăng giá đất; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tiếp cận với người dân để thuê lại đất nông nghiệp triển khai dự án nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất một số năm đầu, sau đó doanh nghiệp trả lại hàng năm để khuyến khích các dự án nông nghiệp công nghệ cao có tính chất quan trọng, đòn bẩy trong phát triển nông nghiệp của tỉnh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai trước các dự án có sử dụng đất trồng lúa đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án sử dụng đất trồng lúa, sau đó sẽ đăng ký bổ sung thông qua hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Trong thời gian tới, ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trình hội đồng nhân dân tỉnh ban hành thêm một số cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển cụm công nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

TBKTSG: Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư cho một số dự án có quy mô lớn. Ông có muốn nói gì với các doanh nghiệp, nhà đầu tư này không?

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282887/du-lich-la-dong-luc-tang-truong-moi-cua-an-giang.html