Du lịch không 'xê dịch': Xu hướng tương lai

Metaverse (vũ trụ ảo) đã không còn là khái niệm xa lạ với những công dân hiện đại của thế giới. Không chỉ đang tạo dựng nhận thức cho mọi người về một thế giới mới, Metaverse cũng đang 'hô biến' những điều không thể trước đây thành có thể, ví dụ như việc tận hưởng những chuyến du lịch ngay tại căn nhà của mình.

Metaverse - cơ hội lớn cho ngành du lịch

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến ngành du lịch ở tất cả các nước trên toàn cầu lao đao nhưng cũng đã thúc đẩy việc xóa nhòa ranh giới giữa du lịch và kỹ thuật số, nhất là khi công ty Facebook (nay là Meta) đưa vũ trụ ảo đến gần hơn với hiện thực.

Metaverse được cho là cơ hội lớn cho ngành du lịch, từ việc đặt chuyến cho đến mua các NFT (viết tắt của “non-fungible tokens” - mã thông báo không thể thay thế) trong du lịch ảo. NFT là các vật phẩm kỹ thuật số duy nhất có chứng nhận về tính xác thực và quyền sở hữu được đăng ký trên chuỗi khối (blockchain), công nghệ nền tảng của tiền điện tử.

Trên thế giới hiện nay, một số nước đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ Metaverse để phục vụ xu hướng du lịch thời đại mới. Một trong những quốc gia hoạt động du lịch tốt nhất hàng đầu châu Á là Thái Lan với mức 40 triệu lượt khách/năm đã triển khai công nghệ Metaverse để tăng tốc phục hồi ngành công nghiệp không khói hậu đại dịch, mong lấy lại lợi nhuận từ phân khúc khách hàng sử dụng tiền điện tử.

Theo đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết đang bàn thảo về các dự án, trong đó có chương trình Thailand Holideals cho phép du khách sử dụng token kỹ thuật số để mua sản phẩm và dịch vụ, hay dự án “Thành phố Metaverse Phuket” tập trung vào du lịch và chăm sóc sức khỏe. TAT cũng dự kiến trình làng nền tảng vũ trụ ảo Amazing Thailand để phục vụ cho kỷ nguyên Web 3.0.

Hồi tháng 11/2021, chính quyền thành phố Seoul cũng cho biết sẽ triển khai một dự án có tên gọi “Metaverse Seoul” từ cuối năm 2022 và kéo dài trong 5 năm. Dự án trị giá 3,9 tỷ won (2,9 triệu USD) được xem là tầm nhìn về Seoul như một “thành phố cảm xúc trong tương lai”. Trong đó, các điểm du lịch chính ở thủ đô Seoul, chẳng hạn như Quảng trường Gwanghwamun, Cung điện Deoksu và Chợ Namdaemun, sẽ được giới thiệu trên “Đặc khu du lịch ảo”, trong khi địa điểm lịch sử không còn tồn tại như Cổng Donuimun cũng sẽ được tái hiện sinh động. Bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu như “Lễ hội Đèn lồng Seoul,” cũng sẽ được tổ chức trên “Metaverse Seoul” để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng.

Tháng 3/2022, tỉnh Quảng Nam cũng đã ra mắt “Hội An Metaverse”. Theo đó, các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống ở Hội An được số hóa bằng hình ảnh 3D, xây dựng không gian 360 Space, và được thuyết minh theo giọng nói địa phương của hướng dẫn viên bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hội An cũng sẽ dùng Metaverse để chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch, bao gồm kết nối website VRTour vào hệ thống Metaverse và đưa hệ thống bán hàng, bán vé tham quan qua hình thức thương mại điện tử của Bizverse.

Không chỉ mang tính nhất thời, vũ trụ số được dự báo sẽ trở thành làn sóng chủ đạo trong tương lai, đòi hỏi các tổ chức và quốc gia tìm cách tận dụng. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, khoảng 100 tỷ USD giá trị sẽ được tạo ra trong ngành du lịch xuất phát từ những công ty truyền thống sẽ chuyển sang tay những đơn vị ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mới với các mô hình kinh doanh sáng tạo hơn.

Việc chuyển đổi kỹ thuật số cũng được dự báo sẽ tạo ra lợi ích trị giá 700 tỷ USD cho khách hàng và xã hội, thông qua việc giảm tác động môi trường, cải thiện an toàn và bảo mật, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho người tiêu dùng. Đồng thời, tại nhiều nước, Metaverse được cho là cũng giúp tiếp cận nhóm khách hàng gen Z (sinh từ năm 1997 - 2012), cũng là nhóm có tác động lớn với các nhóm khác để tiêu tiền vào du lịch.

Không “xê dịch”, có còn là du lịch?

Mặc dù được miêu tả như một tương lai tươi sáng thực thụ của ngành du lịch, nhưng trên thực tế, du lịch thông qua thế giới ảo vẫn là điều gì đó nghe có vẻ xa vời, cũng như khó giúp người trải nghiệm đạt được sự thỏa mãn về mặt cảm xúc, so với hình thức du lịch truyền thống.

Trong một bài viết trên trang Cntraveler, có tiêu đề “Tương lai của du lịch trong Metaverse là gì?”, tác giả Toby Skinner thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng du lịch, xét cho cùng, giống như một lễ kỷ niệm nhằm kết nối thiên nhiên và con người thông qua tất cả những trải nghiệm thực tế của người tham gia.

Theo ông Skinner, tất cả những trải nghiệm về mặt cảm xúc trên thực tế đều hấp dẫn hơn nhiều so với trải nghiệm ảo. Cảm xúc bất ngờ tột độ khi nhận được lòng tốt từ một người lạ trên đường, hay cảm giác hồi hộp khi đi taxi tới một thành phố mới,… tất cả đều sắc nét, tròn đầy và thỏa mãn hơn. Hơn hết, những cảm xúc này sẽ không thể lặp lại được, dù công nghệ có phát triển tới đâu. Không chỉ vậy, trong trường hợp du lịch trên Metaverse trở nên phổ biến, tác động đối với các ngành dịch vụ, khách sạn, cũng như hàng không, là không thể đong đếm.

Trái lại, các nhà phát triển thế giới ảo lại đánh vào yếu tố tiện ích, thời gian, thậm chí là môi trường để chứng minh sự ưu việt của việc du lịch kỹ thuật số. Lola Akinmade Åkerström, người đồng sáng lập Local Purse, một trong những ứng dụng cung cấp trải nghiệm mua sắm qua video trực tiếp được cá nhân hóa trên toàn cầu, tin rằng những ứng dụng công nghệ sẽ giúp việc đi du lịch của tất cả mọi người trở nên dễ dàng hơn. Không còn cảnh chen lấn mua vé, xếp hàng, không tốn bộn tiền thuê khách sạn và chi tiêu cho dịch vụ đi lại. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng có thể giảm lượng khí thải carbon nhờ hạn chế đi lại.

Về mặt tác động kinh tế tới các lĩnh vực gắn liền với du lịch, các nhà phát triển Metaverse cho rằng các nhà hàng/ khách sạn hay hãng hàng không hoàn toàn có thể tích hợp công nghệ và thực tế, thay thế phương thức tiếp cận khách hàng để tiếp tục duy trì nguồn cung.

Tổng quan về du lịch Metaverse cho thấy hình thức này vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ mất nhiều thời gian trước khi ghi nhận bất kỳ tác động đáng kể nào. Có thể nói, mặc dù metaverse sẽ không thay thế các trải nghiệm du lịch và khách sạn ngoài đời thực, nhưng nó chắc chắn sẽ thay đổi cách thức mà người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ khách sạn và du lịch.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không tìm hiểu, liên kết và đầu tư vào quá trình số hóa ngay lúc này, có khả năng sẽ không tồn tại, chứ chưa nói đến sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Ông Garth Simmons, Giám đốc phụ trách thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc của Tập đoàn khách sạn Accor nhận định: “Sự xuất hiện của Metaverse và vẫn còn một chặng đường dài phía trước, có thể tốt hoặc xấu cho ngành du lịch. Nhưng nó chắc chắn đại diện cho một sự phát triển của những gì xung quanh chúng ta và đang trở thành một phần bổ sung cho cuộc sống”.

Quỳnh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/du-lich-khong-xe-dich-xu-huong-tuong-lai-20180504224280123.htm