Du lịch hậu Covid-19: Tìm phương thức hồi sinh

Điểm tham quan vắng vẻ, khu mua sắm, vui chơi giải trí đìu hiu, cơ sở lưu trú ít khách... là thực trạng của du lịch TPHCM hiện nay. Sau dịch Covid-19, trong khi du lịch nhiều địa phương trên cả nước dần phục hồi nhờ khách nội địa, ngành du lịch thành phố vẫn hiu hắt bởi chủ yếu dựa vào khách quốc tế.

Vắng và ế

Chợ Bến Thành (Q1) là trung tâm thương mại - du lịch truyền thống nổi tiếng của TPHCM. Chợ có gần 1.500 sạp hàng, với vài ngàn tiểu thương, trước kia luôn tấp nập, mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách, chủ yếu người nước ngoài đến tham quan, mua sắm.

Thế nhưng hiện nay, khoảng phân nửa ki-ốt trong chợ Bến Thành đang đóng cửa hoặc treo biển sang nhượng. Các ki-ốt này chủ yếu bán các mặt hàng phục vụ khách du lịch, như: đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, phụ kiện quần áo... Những gian hàng đang hoạt động thì phần lớn tiểu thương đều than ế ẩm, không bán được vì lượng khách du lịch ghé vào quá ít. Tiểu thương cho biết, chưa bao giờ họ chứng kiến tình trạng vắng khách diễn ra lâu như bây giờ.

Cảnh hoang vắng ở chợ Bến Thành

Cảnh hoang vắng ở chợ Bến Thành

Nổi tiếng hoạt động giải trí về đêm phục vụ khách quốc tế, sau thời gian cho phép mở lại vũ trường, quán bar, karaoke... hàng tháng qua, nhưng phố du lịch Bùi Viện (Q1) vẫn vắng khách. Các khu phố mang tính đặc trưng văn hóa của người Nhật, người Hàn vốn sầm uất, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một chủ nhà hàng Nhật Bản ở đường Lê Thánh Tôn (Q1) cho biết, phần lớn các dịch vụ ở đây đều phải đóng cửa từ thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19, đến nay chưa thể hoạt động.

Bưu điện Thành phố, dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... là những điểm thu hút rất đông du khách ghé thăm, giờ chỉ lác đác vài người ghé qua vào cuối tuần. Các hoạt động du lịch trên sông Sài Gòn tại bến Bạch Đằng hầu như dừng hẳn hoạt động, do lượng người đến tham quan không đủ để vận hành...

Tuyến đường Đồng Khởi và những đường nhỏ lân cận ở Q1 là khu tập trung nhiều khách sạn cao cấp sang trọng, cửa hàng mua sắm, nhà hàng, quán ăn nổi tiếng bậc nhất tại thành phố, chuyên phục vụ du khách quốc tế. Hiện giờ khu vực này chỉ lác đác khách bộ hành lướt qua, hầu hết khách sạn phải hoạt động cầm chừng; cửa tiệm ế ẩm, phải đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc tranh thủ sửa chữa, nâng cấp dịch vụ. Theo thống kê, số cơ sở lưu trú ở đây phần lớn đã hoạt động trở lại, nhưng rơi vào cảnh ảm đạm, điển hình là trong tháng 6 vừa qua, chưa đón được lượt khách quốc tế nào, khiến công suất phòng giảm nghiêm trọng.

Hàng loạt cửa hàng vốn tấp nập du khách trên đường Đồng Khởi (Q1) phải đóng cửa, trả mặt bằng

Một vị quản lý khách sạn 5 sao trong khu vực trên cho hay, lượng khách khá thấp, bình quân cả tuần chỉ đạt khoảng 5%, thậm chí có những ngày không có lượt khách nào. Vì thế, nhân viên được cho nghỉ luân phiên hoặc nghỉ không lương. Theo ông, TPHCM không phải là nơi có nhiều thế mạnh để thu hút du lịch nội địa, phần lớn vẫn dựa vào khách nước ngoài. Hiện thị trường du lịch quốc tế chưa thể mở cửa trở lại, nên hoạt động kinh doanh rất khó khăn.

"Biết vậy, nhưng khách sạn cũng phải cố gắng duy trì để đảm bảo công việc cho người làm. Chúng tôi đang chú trọng đẩy mạnh phục vụ du lịch nội địa, mở thêm dịch vụ nhà hàng dành cho khách bên ngoài..., nên cầm cự được phần nào. Đáng lo nhất là tình hình này sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ, vì dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp" - vị quản lý nói.

Nhiều điểm ẩm thực, tham quan đang trong trạng thái "đóng cửa"

Tập trung "giải cứu"

Dễ nhận thấy du lịch TPHCM vốn tập trung thu hút lượng du khách quốc tế dồi dào (luôn chiếm hơn 50% cả nước), giờ thị trường này đang "đóng băng" bởi dịch Covid-19 nên bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê của Sở Du lịch, hàng chục doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đang tạm ngưng hoạt động, trong đó có 10 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế. Khách quốc tế đến thành phố có tháng giảm đến 100%. Doanh thu tháng gần đây nhất giảm 65,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm nay của thành phố giảm 63,17% so với cùng kỳ, mới đạt 23,2% kế hoạch năm.

Để cứu ngành kinh tế đặc biệt này, thành phố đang nỗ lực thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa, khuyến khích phát triển loại hình du lịch thu hút người dân trong nước đến tham quan, vui chơi. Chương trình kích cầu du lịch bắt đầu từ nay cho đến cuối năm, với gần 300 tour và hàng trăm ngàn vé ưu đãi giảm từ 20 - 80%. Ngành du lịch thành phố còn tiến hành làm mới những điểm đến đặc trưng, với giá ưu đãi và cộng thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn. "Sống động từng góc phố, từng con người" là khẩu hiệu nhận diện mới, nhằm thu hút sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế về ý định đến khám phá TPHCM.

Cảnh đìu hiu ở chợ Bến Thành

Cạnh đó, nhằm tháo gỡ cho gần 1.500 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang hoạt động, nhưng hầu hết gặp khó khăn, các cấp, các ngành của thành phố đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp hỗ trợ. Như phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương tổ chức hoạt động khuyến mãi hàng hóa, để du khách khi đến thành phố thì ngoài tour giảm giá, còn thoải mái mua sắm các mặt hàng với mức giá hấp dẫn.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang (Phó giám đốc Sở Công thương) chia sẻ: "Các hoạt động khuyến mãi sẽ được tổ chức kéo dài trong nhiều tháng. Việc thu hút du khách bằng những chương trình mua sắm ưu đãi là hết sức hiệu quả, không những thế còn góp phần thúc đẩy thương mại phát triển".

Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TPHCM:

Chúng tôi đã giảm áp lực trả nợ cho gần 250 ngàn doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại thành phố, với tổng số tiền gần 300 ngàn tỷ đồng, để cơ cấu lại doanh nghiệp và tiến hành cho vay mới, hỗ trợ việc phát triển kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM:

Tình hình kinh doanh của hệ thống lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở tham quan, mua sắm trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh, hàng ngàn lao động trực tiếp bị ảnh hưởng. Nhiều năm liền, ngành du lịch đã đóng góp quan trọng trong việc phát triển của thành phố, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chưa bao giờ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như hiện nay.

Bên cạnh sự hỗ của thành phố, các doanh nghiệp du lịch cần xốc lại tinh thần, nỗ lực hết mình để tìm cách vượt qua khó khăn lúc này. Doanh nghiệp phải đưa ra bằng được phương án kinh doanh phù hợp, chi tiết; song song với việc phục vụ tốt khách nội địa, phải luôn sẵn sàng để đón khách quốc tế khi thị trường này mở cửa trở lại.

Hồng Châu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/tim-phuong-thuc-hoi-sinh_95824.html