Du lịch Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau khi ngấm 'đòn COVID-19'

Những kế hoạch bài bản đã được xây dựng cùng với nhiều cái 'bắt tay' hợp tác mới giữa Sở Du lịch Hà Nội cùng các sở, ban, ngành sẽ đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Thủ đô.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hoàng/Vietnam+)

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hoàng/Vietnam+)

Có thể nói, sau quãng thời gian đã ngấm “đòn COVID-19,” chưa bao giờ Sở Du lịch Hà Nội lại dành nhiều tâm huyết để lên kế hoạch bài bản và quyết tâm thu hút thị trường khách nội địa đến Thủ đô trải nghiệm như lúc này.

Nhiều chương trình và hoạt động nhằm phục hồi du lịch đã được triển khai. Đặc biệt, sáng nay (24/3), Sở Du lịch Hà Nội cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp trong việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Tân Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang đánh giá cao sự hợp tác này. Bởi, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ những hình thức truyền thông quảng bá phù hợp và phổ quát rộng hơn để người dân trên mọi miền tổ quốc biết đến Hà Nội nhiều hơn, biết đến những sản phẩm của Hà Nội sâu sắc hơn, từ đó có thêm động lực xách balô lên đường...

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Bà Đặng Hương Giang cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về thực hiện mục tiêu kép vừa thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, Sở Du lịch đã chủ động thực hiện kết nối giữa cơ quan quản lý, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ như hàng không, đường sắt, ôtô, khách sạn, lữ hành, điểm đến..., hưởng ứng xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch, triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch của Thủ đô.

Du khách trải nghiệm điểm tham quan có rặng cây di sản ở Đường Lâm, tháng 3/2021. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo đại diện Sở, qua theo dõi tình hình thực tế, hoạt động du lịch Thủ đô đã có dấu hiệu phục hồi, các điểm đến di tích từ khi mở cửa lại (vào ngày 08/3 hoặc ngày 13/3) như: Chùa Hương, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Làng cổ ở Đường Lâm… đã đón lượng khách du lịch khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần.

Đặc biệt, tiếp đà phục hồi hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới, độc đáo và mang đến nhiều cảm xúc cho người trải nghiệm. Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist ra mắt tour du lịch caravan Tây Bắc, Vietravel với các gói combo Đà Nẵng, Mũi Né, Vũng Tàu; Vietfoot Travel giới thiệu tour Hỏa Lò về đêm với các chủ đề hấp dẫn…

Các doanh nghiệp khác cũng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều tour du lịch kích cầu hấp dẫn như: Tour du lịch chùa Hương giảm 15% giá vé, tour du lịch đền Gióng-Quốc Tử Giám giảm 15% giá vé, tour du lịch khách sạn Sofitel Metropole và city tour giảm 20% giá vé; phát triển các tour mới phục vụ du khách như tham quan Thăng Long Tứ trấn; Đình Chèm-Chùa Bồ Đề-Bát Tràng-Hà Nội, Đền Sóc-Làng hoa Mê Linh và các tour kết nối Hà Nội với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…

(Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Lãnh đạo Sở Du lịch cho hay trong khuôn khổ Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 (dự kiến tổ chức ngày 16/4), Sở sẽ tổ chức “Công bố sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021” có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn, điểm đến lớn trên địa bàn, thông qua đó tạo không khi sôi nổi cho du lịch Hà Nội phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Cái “bắt tay” được nhiều kỳ vọng

Quyết định phối hợp giữa Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội trong việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện mục tiêu: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá cho các hoạt động, sự kiện du lịch của Thủ đô; đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch; thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Đặc biệt, cuộc “bắt tay” hai bên lần này sẽ góp phần đưa thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Nội lên một tầm cao mới.

“Nói ‘tầm cao’ có vẻ to tát nhưng chúng tôi kỳ vọng công tác quảng bá sẽ được phổ quát rộng hơn trên nhiều nền tảng, không chỉ là thông tin truyền thống mà còn trên cả các nền tảng số và mạng xã hội,” bà Hương Giang chia sẻ.

Tân Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ hỗ trợ Sở Du lịch Hà Nội có những hình thức truyền thông quảng bá phù hợp và phổ quát rộng hơn để người dân trên mọi miền tổ quốc biết đến Hà Nội nhiều hơn, biết đến những sản phẩm của Hà Nội sâu sắc hơn, từ đó sẽ có quyết tâm xách balô lên đường để trải nghiệm.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nói về ý nghĩa cuộc ký kết với Sở Thông tin và Truyền thông ngày 24/3:

“Chúng tôi rất kỳ vọng khi nhận được sự đồng hành của Sở Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí ủng hộ cho du lịch. Ngành du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch cả nước nói chung sẽ dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng mở cửa đón du khách quốc tế khi Chính phủ cho phép,” bà Hương Giang bày tỏ.

Thời điểm này, sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát tốt trên cả nước, Tổng cục Du lịch đánh giá du lịch nội địa sẽ vẫn là nhân tố chủ chốt trong năm nay. Với sự kiểm soát tốt của Chính phủ, trang Booking.com nhận định 71% người dân Việt Nam sẵn sàng đi du lịch, coi đây là dịp kết nối với gia đình, bạn bè sau thời gian hạn chế đi lại, 53% khách du lịch ưu tiên cho hoạt động du lịch ẩm thực.

Có thể nói, đây là những tín hiệu tốt cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch Thủ đô để kích cầu phát triển du lịch trong năm 2021./.

Quang cảnh lễ ký kết sáng nay, 24/3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

5 nội dung phối hợp của Sở Du lịch và Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội:

Một, thực hiện công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại liên quan đến hoạt động du lịch; theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động du lịch của Thủ đô.

Hai, xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp, nội dung cụ thể gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường, phù hợp với các mục tiêu xác định.

Ba, xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành du lịch, thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bốn, xây dựng hoàn thiện Trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội, kết nối thông tin để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp, tổ chức liên quan và du khách trao đổi, phản hồi, góp ý, khám phá, giao dịch, mua bán sản phẩm.

Năm, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, cung cấp mạng wifi miễn phí tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm của Thành phố, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thông tin hướng dẫn du khách tại các khu, điểm du lịch.

Mai Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/du-lich-ha-noi-chuyen-minh-manh-me-sau-khi-ngam-don-covid19/701105.vnp