Du lịch giữa đỉnh cao và vực sâu

Du lịch Việt Nam mới vừa thăng hoa rực rỡ trong năm 2019 đã đụng phải ngay cú sốc lớn mang tên Covid-19 từ đầu năm 2020 và choáng đến nay! Từ đỉnh cao, ngành công nghiệp không khói này lập tức rơi xuống vực sâu với dự báo hết sức bi quan: Năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm 80% so với năm ngoái!

Tổng cục Du lịch đã sớm đưa ra các kịch bản cho ngành, dựa trên việc đánh giá khả năng kiểm soát dịch bệnh ở phương Tây, cùng với đó là hiệu quả phòng chống Covid-19 cũng như khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nhiều chính sách hỗ trợ để giảm thiệt hại cho ngành, đồng thời giúp doanh nghiệp và người lao động trong ngành vượt qua khó khăn, chuẩn bị trở lại sau khi dịch bệnh tạm lắng cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố.

Du khách mua sắm ở chợ đêm Bến Thành, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Du khách mua sắm ở chợ đêm Bến Thành, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Song, đó chỉ là những giải pháp tạm thời, trong khi giải pháp lâu dài chúng ta không quyết định được vì phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các quốc gia là thị trường khách chủ lực của Việt Nam. Khách quốc tế mới đem lại nguồn thu lớn cho ngành, kèm với đó là lợi ích cho hàng loạt hoạt động thương mại - dịch vụ khác trong nước. Từ thực tế đang diễn ra, có thể tiên báo du lịch Việt Nam sẽ khó gượng dậy trong năm nay. Chính Tổng cục Du lịch cũng đã nhìn nhận: Nếu đại dịch Covid-19 ở phương Tây diễn biến xấu hơn, trong khi chúng ta chưa thể mở cửa xuất nhập cảnh trở lại thì tình hình vắng du khách nước ngoài có thể kéo dài tới tháng 12 năm nay, nghĩa là từ tháng 4 đến hết năm 2020 gần như không có khách quốc tế. Du lịch nội địa cũng chưa thể khởi sắc nhanh vì phần đông người dân còn thắt chặt chi tiêu. Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, hầu hết các "điểm đến hấp dẫn" trong nước đều thưa vắng khách tham quan.

Trong tình cảnh như vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự chủ động của các địa phương và khối doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị cho tình hình mới là rất quan trọng. Trong đó, các gói kích cầu du lịch hậu Covid-19 đã được nhiều tỉnh, thành sẵn sàng. Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình... xây dựng xong các phương án thu hút khách trở lại trong đợt cao điểm hè năm nay. Nhiều chương trình hấp dẫn nhưng giá rẻ, được khuyến mãi đậm đã được chào mời với hy vọng sẽ sớm trở lại với sức sống mới.

Hai phần việc quan trọng các địa phương và doanh nghiệp lữ hành phải làm cho được trong thời gian "ngủ đông" này đó là liên kết vùng chặt chẽ và xúc tiến - mở rộng thị trường khách du lịch hiệu quả, tránh tình trạng lưu niên là mạnh ai nấy làm và thụ động nguồn khách, khi mất thị trường chủ lực thì chỉ biết khoanh tay ngồi nhìn!

Năm 2019, du lịch Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỉ đồng; là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Mục tiêu năm 2020 đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỉ đồng. Giờ đây, hãy tạm quên thời vàng son thoáng chốc và những con số mục tiêu lý tưởng ấy đi mà dồn sức cho ngày trở lại!

Hoài Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/du-lich-giua-dinh-cao-va-vuc-sau-2020050722453864.htm