Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long - Bài cuối: Liên kết phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhưng cũng chính vì vậy mà dẫn đến sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương.

Để thoát khỏi cái "bóng" ấy, các tỉnh trong vùng đã, đang xây dựng nên những sản phẩm mang tính khác biệt hấp dẫn, cũng như tập trung liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vục Đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Khu vui chơi đang được xây dựng trên đảo Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Khu vui chơi đang được xây dựng trên đảo Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy lợi thế có nhiều di sản văn hóa, ẩm thực để xây dựng sản phẩm du lịch riêng của từng tỉnh, sau đó tìm ra điểm chung để xây dựng loại hình du lịch chung, thương hiệu chung cho toàn vùng.

Đồng thời, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, xu hướng tiếp cận thông tin du lịch thông qua kênh online ngày càng phổ biến, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng, triển khai cổng thông tin chung của du lịch toàn vùng, thông qua website/ứng dụng di động… để giới thiệu, quảng bá, cập nhật thông tin du lịch, xúc tiến du lịch của vùng đến với du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, Cần Thơ đã tìm cách khai thác, phát triển những sản phẩm mới mang tính chuyên biệt như: Du lịch đường sông, du lịch MICE và du lịch văn hóa... Trong đó, du lịch đường sông đang trở thành thương hiệu hấp dẫn nhất và tour du lịch được du khách yêu thích nhất là Bến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - Khu du lịch Mỹ Khánh - Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Cần Thơ đã lọt vào danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới do Getty Images (kho ảnh trực tuyến lớn nhất thế giới) bình chọn, bên cạnh những thành phố nổi tiếng như Venice (Ý), Amsterdam (Hà Lan), St. Petersburg (Nga), Birmingham (Anh)...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Phạm Thế Triều cho biết, An Giang tập trung chủ lực vào du lịch tâm linh với Khu du lịch Núi Sam - nơi có di tích và lễ hội vía Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu...; Khu du lịch Núi Cấm trên dãy Thất Sơn huyền bí với nhiều cảnh đẹp như suối Thanh Long, hồ Thủy Liêm, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh. Tỉnh đã đầu tư vào du lịch sinh thái với rừng tràm Trà Sư - nơi sinh sống, phát triển của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Đối với Bạc Liêu, sản phẩm đặc thù là những giai điệu đờn ca tài tử - Di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đến Bạc Liêu, du khách sẽ được tìm hiểu nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thưởng thức nghệ thuật cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tham quan “cánh đồng điện gió” lớn nhất Việt Nam...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường cho biết, từ những sản phẩm đặc thù của từng địa phương, hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long được ưu tiên phát triển cấp quốc gia bao gồm: Du lịch tham quan trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa tại các địa bàn Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An theo tuyến đường sông; Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu; Trải nghiệm các giá trị văn hóa tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và An Giang.

Hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; Du lịch tham quan cảnh quan Hà Tiên; Du lịch trải nghiệm cảnh quan sông Vàm Cỏ gắn với các điểm du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí.

Đầu tư hệ thống giao thông

Khu du lịch Núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang). Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Tại Hội nghị giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần thứ II năm 2019 được tổ chức vào giữa tháng 12 vừa qua tại Bạc Liêu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất quy hoạch lại du lịch Đồng bằng sông Cửu Long theo đường Bắc - Nam, thay vì phân chia theo cụm phía Đông và cụm phía Tây như hiện nay; lấy Thành phố Hồ Chí Minh làm điểm tiếp nhận, phân phối khách chính đến Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch 3 tuyến trục sản phẩm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể là tuyến du lịch xuyên tâm: Những nẻo đường phù sa (Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam: Non nước hữu tình (Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau). Tuyến du lịch theo hướng biên giới phía Tây tiếp giáp Campuchia: Sắc màu vùng biên (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang).

Để kết nối phát triển du lịch đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất, trước tiên cần giải quyết điểm nghẽn về giao thông, trong đó đường hàng không sẽ giữ vai trò chủ đạo. Về đường bộ, Chính phủ cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch, cấp bách, trong đó, gồm có ba trục dọc lớn, gồm: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; Quốc lộ 60 với điểm nhấn là cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi; trục Đồng Tháp Mười với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển đường Vành đai 3, 4 của Thành phố Hồ Chí Minh kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, nhằm tránh nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.

Về đường thủy, Nhà nước cần đầu tư và ngày càng nâng cấp dịch vụ, số lượng, chất lượng tàu cao tốc đường thủy kết nối Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Sóc Trăng - Côn Đảo, chú trọng công tác quản lý loại hình du lịch miệt vườn sông nước và du lịch các đảo để đảm bảo an toàn.

Về đường hàng không, các địa phương có Cảng hàng không như Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau cần nghiên cứu, tài trợ triển khai một số đường bay mới gia tăng tần suất các chuyến bay hiện có để kết nối với các đầu có lượng khách lớn trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh và một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Liên kết, phát triển du lịch bền vững

Du khách quốc tế tham quan, khám phá chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã hợp tác liên kết phát triển du lịch ở các nội dung: Tăng cường trao đổi các thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa 14 địa phương qua nhiều hình thức; dựa trên cơ sở tiềm năng của các địa phương và lợi thế, năng lực cạnh tranh chung của vùng để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng và của từng địa phương; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cho vùng; kêu gọi đầu tư phát triển các hạ tầng phục vụ du lịch...

Để triển khai thành công các mục tiêu của Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh rất quan trọng, đây sẽ là điểm kết nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc liên kết du lịch cần có sự tham gia của các tỉnh thành liên quan. Mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quân của du khách tại các tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh. Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của Thành Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp. Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù; đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng, các nội dung liên kết hợp tác cụ thể như phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến; phát triển nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch là phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển du lịch cả nước đã được đề ra được đề cập trong Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, phù hợp với giải pháp liên kết phát triển du lịch đã được đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.

Nhật Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-dong-bang-song-cuu-long-bai-cuoi-lien-ket-phat-trien-ben-vung-20191230100916853.htm