Du lịch Đắk Nông: Tiềm năng lớn từ cao nguyên M'Nông

Với thế mạnh của một tỉnh cao nguyên có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, phong cảnh hùng vĩ, thời gian gần đây, Đắk Nông nổi lên như một địa điểm mới thu hút ngày càng đông khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc.

Cam kết tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Từ nhiều năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông luôn có những chủ trương, chính sách quan tâm đến hoạt động này với định hướng sẽ phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong các nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, du lịch luôn được nhắc đến với vị trí là một trong ba lĩnh vực kinh tế chủ lực.

 Hồ Tà Đùng xanh mướt giữa đại ngàn Tây Nguyên. (Ảnh Internet)

Hồ Tà Đùng xanh mướt giữa đại ngàn Tây Nguyên. (Ảnh Internet)

Trước mối quan tâm của các nhà đầu tư, tỉnh đã chủ động có những thay đổi về chủ trương, chính sách để phù hợp với tình hình mới. Thay vì ưu tiên hỗ trợ cho các nhà đầu tư về đất đai, giờ đây tỉnh chuyển hướng sang hỗ trợ bằng cách tạo ra các cơ chế mới để tạo sự chủ động cho các nhà đầu tư, nhưng vẫn bám sát và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Vào giữa năm 2016, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho một số công ty lớn vào địa bàn khảo sát tour, tuyến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chủ trì mở hội thảo chuyên đề để tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong việc đưa ra kịch bản khả thi cho phát triển du lịch Đắk Nông.

Gần đây nhất, vào ngày 1/8 Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch vào Đắk Nông năm 2017, với chủ đề “Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch, công nghệ cao”. Các ý kiến tham luận tại đây cho rằng du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp sạch đang là một trải nghiệm được du khách trong và ngoài nước rất chờ đợi. Trong khi đó Đắk Nông có những lợi thế lớn về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, các đặc thù về văn hóa… Theo các đại biểu tham dự, để định hướng phát triển song song giữa nông nghiệp và du lịch, các mô hình cần đa dạng, phong phú để phù hợp hơn với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như các “phân khúc” du khách khác nhau. Ngoài ra, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch, công nghệ cao cần chuẩn hóa theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, Đắk Nông là tỉnh nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, có khí hậu mát mẻ, trong lành với nhiều thắng cảnh du lịch hoang sơ như: Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, Hồ Tà Đùng và nhiều thác nước nổi tiếng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có điều kiện thổ nhưỡng đa dạng, phù hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từ các loại cây công nghiệp, cây ăn trái cho đến các loại rau màu… Ông Tùng nhấn mạnh rằng hiện tỉnh đang xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích và cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân phát triển theo hướng kết hợp hai yếu tố trên.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án “Thí điểm mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” dự kiến trình ban hành trong thời gian tới.

Những thắng cảnh hùng vĩ

Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô là nơi lưu giữ những cấu trúc địa chất có từ hàng triệu năm trước. Công viên này có diện tích ước khoảng 2.000km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.

Du khách thích thú với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Đắk Nông.

Trong khu vực công viên có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25km. Ngoài ra, còn có dòng sông Sêprêpốk hùng vĩ như dải lụa trắng ở vành đai phía bắc công viên với hàng chục ngọn thác lớn nhỏ. Phía hạ nguồn sông Sêprêpốk, thác Trinh Nữ với những tảng đá bazan dạng cột to lớn màu đen có tuổi địa chất từ 2 đến 5 triệu năm giữa dòng sông, hoặc nhô ra từ bờ mang những hình thù lạ mắt. Ngược lên phía thượng nguồn vài km là thác Đray Sáp với độ cao khoảng 50m, trải dài gần 100m, chặn ngang dòng sông Sêprêpốk. Bên cạnh thác Đray Sáp là thác Gia Long có độ cao khoảng 40m, chiều dài 40m, chiều rộng mặt thác khoảng 30m. Cạnh thác là hồ tắm tiên rộng 80m2 và một hang động tự nhiên rất đẹp.

Ngoài ra, tỉnh còn có khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (núi sừng trâu) và Tà Đùng. Nâm Nung có diện tích khoảng 12.300ha có đỉnh cao nhất là 1.526m so với mực nước biển. Nâm Nung được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Sêrêpốk và mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai.

Trong khi đó, khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, diện tích khoảng 22.103ha, độ cao trung bình khoảng 980m, trong đó đỉnh cao nhất 1.982m, là đỉnh cao nhất khu của vùng Nam Tây Nguyên, nằm giữa cao nguyên M’nông và cao nguyên Di Linh, là điểm giao thoa địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Nơi đây có hệ thống sông Đồng Nai chảy qua và nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, 4 tạo ra hồ nước có diện tích khoảng 5.600ha đã hình thành nên 36 hòn đảo lớn nhỏ tuyệt đẹp giữa đại ngàn, Hồ Tà Đùng được ví tựa Vịnh Hạ Long trên cạn tại Đắk Nông.

Tháng 10 vừa qua, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung Công viên địa chất núi lửa Krông Nô vào danh mục khu du lịch quốc gia, trong định hướng phát triển khu du lịch quốc gia của vùng Tây Nguyên. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Đắk Nông sẽ đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu.

Hường Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/du-lich-dak-nong-tiem-nang-lon-tu-cao-nguyen-mnong-post248142.info