Du lịch Đà Nẵng gặp khó khăn về nguồn nhân lực

Trong thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng phát triển với tốc độ khá nhanh, cả ở loại hình dịch vụ lưu trú, kinh doanh ăn uống lẫn dịch vụ vận chuyển và vui chơi giải trí. Riêng trong lĩnh vực lưu trú, hiện thành phố có gần 800 cơ sở với gần 30.000 phòng. Sự tăng nhanh nguồn du khách đã hình thành một nhu cầu lớn trên thị trường lao động phục vụ du lịch, nhưng tình hình hiện nay là Đà Nẵng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực cấp quản lý và những người lao động có đủ những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ du lịch.

Du khách nước ngoài tại Đà Nẵng. Ảnh: Minh Duy

Lý thuyết và thực tiễn: khoảng cách

Hiện ở Đà Nẵng có tới hàng chục cơ sở đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch với nhiều cấp độ, từ trung cấp nghề đến cao đẳng, đại học. Hàng năm, các cơ sở này cung ứng khoảng 2.000 lao động cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch... Nhưng theo các chuyên gia, tuy nguồn nhân lực này tạm thời có thể đáp ứng về số lượng nhưng đi kèm với đó là một khoảng cách lớn giữa lý thuyết đào tạo với yêu cầu thực tế của nghề nghiệp.

Một bạn trẻ tên Trần Anh Mẫn đã kể câu chuyện về hành trình làm việc năm năm của mình, kể từ khi cầm được tấm bằng về giám sát nhà hàng. Sau ngày tốt nghiệp, mặc dù có bằng cấp trong tay nhưng Mẫn phải làm bồi bàn hoặc làm việc vặt. Cứ như thế, Mẫn phải trải qua tới sáu khách sạn, nhà hàng trước khi đảm nhận công việc giám sát tại một nhà hàng theo đúng chuyên môn đào tạo. Nhìn lại, Mẫn thừa nhận, người vừa ra nhà trường thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc đúng với chuyên môn, do đó họ thường phải chọn những việc vốn chỉ dành cho sinh viên trung cấp nghề.

Lý giải thực trạng này, ông Bùi Kim Luận, Phó khoa Du lịch - Khách sạn của Đại học Duy Tân, cho biết đây là điều không thể tránh khỏi, vì chương trình đào tạo ở các trường hiện nay chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Hơn nữa, sinh viên được trang bị những kỹ năng quản lý chung còn doanh nghiệp thì thích những người quản lý đã kinh qua các công việc phổ thông nhưng có kỹ năng lãnh đạo.

Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cho rằng những hạn chế chủ yếu của nhân lực ngành khách sạn ở Đà Nẵng hiện nay là trình độ ngoại ngữ, tính nhẫn nại và lòng yêu nghề. Ông cho biết khi các nhà hàng, khách sạn ngày càng mọc thêm thì tình trạng “nhảy việc” cũng gia tăng. Không ít người làm việc ở nơi này chưa được sáu tháng, thậm chí chưa tới ba tháng đã nhảy sang nơi khác, tỷ lệ nghỉ việc tại các cơ sở dịch vụ ngày càng cao. Với sự bất ổn định như vậy, doanh nghiệp rất khó lòng tính toán kế hoạch nâng cao năng lực chuyên môn cho nguồn nhân lực của mình.

Về trình độ tiếng Anh của nhân viên ngành du lịch, theo ông Quý, “tiếng Anh học ở trường là chưa đủ, sinh viên muốn tìm được việc làm thì phải tự trau dồi thêm kỹ năng tiếng Anh thực tế”. Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc nhân sự Khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng, tiếng Anh chuyên ngành gần như là điều xa lạ đối với phần lớn sinh viên mới ra trường.

Nhưng mặt khác, bà Tâm cũng thừa nhận nguồn cung nhân lực cho du lịch Đà Nẵng đã có những bước chuyển biến tích cực. Ngoài các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, ngày càng có thêm nhiều trường đào tạo nghề, các chương trình đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn. Tuy nhiên, các trường thường tập trung đào tạo về ngành mà thiếu định hướng phát triển nghề. Ví dụ sinh viên học ngành du lịch - khách sạn thì sẽ phải học rất nhiều mảng mà không có sự định hướng phát triển chuyên sâu mảng nào theo đúng sở thích, năng lực của người học, khiến họ rất lúng túng khi ra trường và đi xin việc làm.

Nhà trường và doanh nghiệp: nâng lên một bậc

Theo bà Tâm, để giải quyết khó khăn này, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp để định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu, rút ngắn và dần xóa đi những khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Bà cho rằng “phía doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ nội bộ để giữ người; chủ động đặt hàng lao động đối với các đơn vị đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Ông Quý và ông Luận đều cho biết hiện các khoa du lịch ở nhiều cơ sở đào tạo hợp tác với các khách sạn, nhà hàng trong thành phố để gửi sinh viên đến thực tập từ năm học thứ hai. Khoa du lịch của trường Duy Tân và cả trường Kinh tế Đà Nẵng đều đưa điểm thực tập vào tiêu chí xét tốt nghiệp... Thế nhưng, việc hợp tác giữa hai bên cần phải được nâng cao lên một bậc chứ không chỉ dừng lại ở “kiếm địa điểm thực tập”. Một số gợi ý như: doanh nghiệp phối hợp cùng nhà trường và các tổ chức hiệp hội nghề đưa ra những chương trình đào tạo thực tế và nâng cao về nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý... Ông Luận cũng cho rằng việc quốc tế hóa các khoa du lịch dần dà sẽ giúp giải quyết được “nhược điểm ngoại ngữ” của sinh viên chúng ta.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Luận cho biết trước việc các nước trong khối ASEAN được phép luân chuyển lao động, được thừa nhận lao động của nhau thì sự cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ càng gay gắt hơn mà trước mắt là phân khúc ứng viên vào các vị trí quản lý đến từ Thái Lan, Philippines, Singapore... Đây cũng là một loại áp lực đối với cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường, vì nếu sự thiếu thốn nguồn lực trong nước kéo dài, doanh nghiệp dù muốn hay không cũng buộc phải sử dụng lao động người nước ngoài.

Ở góc độ quản lý ngành, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết thành phố sẽ cùng các cơ quan quản lý về du lịch rà soát, điều chỉnh quy hoạch, mạng lưới cơ sở đào tạo ngành nghề, hoàn thiện chương trình, quy mô, trình độ đào tạo để đáp ứng cung - cầu của thị trường lao động, trong đó, khuyến khích các hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo và công ty du lịch. Ông cũng cho rằng tăng cường liên kết, hợp tác giữa các trung tâm đào tạo nghề du lịch trong nước và quốc tế để đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực là việc cần được nhân rộng.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273794/du-lich-da-nang-gap-kho-khan-ve-nguon-nhan-luc-.html