Du lịch có trách nhiệm

Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, vấn đề đang và sẽ đặt ra trong sự phát triển ngành du lịch hiện nay là tính bền vững. Tính bền vững này xuất phát từ nhiều nhân tố, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan đang tham gia vào quá trình phát triển ngành du lịch.

Khách du lịch trải nghiệm chèo thuyền trên lòng hồ Cửa Đạt. Ảnh: Lê Dung

Khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” lần đầu tiên được Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra vào năm 2002, trong Tuyên bố Cape Town. “Trách nhiệm” ở đây có thể hiểu là việc hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến kinh tế, môi trường và xã hội; đồng thời, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, cũng như duy trì sự cân bằng, đa dạng sinh học. Cùng với đó, du lịch phải tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn cho dân cư địa phương và nâng cao đời sống cho cộng đồng đón khách; đồng thời, người dân địa phương phải được tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống và sẽ thay đổi cuộc sống, cách sống của họ. Ngoài ra, du lịch có trách nhiệm hướng đến cung cấp cho du khách các sản phẩm thú vị, thoải mái, bổ ích, thông qua sự trải nghiệm và hiểu biết hơn các giá trị văn hóa bản địa, các vấn đề về môi trường và xã hội. Thông qua sự trao quyền cho người dân địa phương, giúp họ vừa được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, vừa là nhân tố tích cực góp phần vào sự phát triển bền vững trong du lịch. Đồng thời, góp phần hình thành sự tôn trọng giữa khách du lịch và cư dân bản địa...

Có thể nói, du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận có tính tất yếu. Bởi, thay vì cách làm du lịch kiểu ngắn hạn, chộp giật đã diễn ra ở một số khu, điểm du lịch như nhiều năm trước đây; cách tiếp cận này nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò của du lịch đối với sự phát triển. Mùa du lịch biển 2019 của Thanh Hóa khép lại với không ít dư âm, trong đó Hải Tiến là cái tên được nhắc đến khá nhiều. Nguyên nhân là bởi chỉ trong khoảng 2 tháng 5 và 6-2019, khu du lịch này đã liên tiếp xảy ra các sự cố đáng tiếc như đuối nước, ngộ độc thực phẩm và gây rối trật tự công cộng. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của du khách và hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, văn minh mà Hải Tiến đã và đang nỗ lực gây dựng những năm qua. Những sự cố ngay sau đó đã được chính quyền huyện Hoằng Hóa giải quyết bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, dù các sự cố đã được giải quyết, nhưng không ít bài học cần được rút ra cho mùa du lịch tới. Dù các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch như cứu hộ cứu nạn, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trấn áp tội phạm... được địa phương xây dựng tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện, giám sát quá trình thực hiện và kết quả thực hiện mới là vấn đề cần quan tâm. Đồng thời, phải thẳng thắn nhìn nhận, nếu ý thức, nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương chưa được nâng cao tương ứng với nhu cầu phát triển du lịch, thì khi ấy, những sự cố kể trên vẫn sẽ có “đất” để tái diễn. Ví dụ từ Hải Tiến để thấy rằng, du lịch có trách nhiệm đang đặt ra và đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và các cá nhân liên quan phải có trách nhiệm với mỗi hành động, việc làm của họ.

Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch sinh thái trong những năm gần đây đã và đang đặt ra yêu cầu khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN). Thanh Hóa hiện có VQG Bến En và 3 KBTTN là Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên còn giữ được sự cân bằng và đa dạng sinh thái, cũng là đang nắm giữ một lợi thế lớn về du lịch. Trong đó, KBTTN Xuân Liên trải rộng trên địa giới hành chính của 5 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm và Vạn Xuân (huyện Thường Xuân). KBTTN này hiện đang bảo tồn một hệ động - thực vật rừng đa dạng, bao gồm 752 loài thực vật bậc cao có mạch (trong đó, 38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới); 55 loài thú, 136 loài chim; hệ thống thác nước và hang động đẹp. Đặc biệt, gắn với khu bảo tồn này là hồ Cửa Đạt có diện tích mặt nước lên đến 2.828,6 ha, với cảnh quan thiên nhiên hữu tình và nhiều di tích lịch sử - văn hóa giàu giá trị. Bên cạnh Xuân Liên, VQG Bến En được ví như Vịnh Hạ Long giữa đại ngàn, nhờ cảnh quan thiên nhiên hồ và các đảo trên hồ, rừng và hang động tự nhiên dày đặc, cùng hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm. Điểm nhấn của Bến En là hồ nước có diện tích gần 3.000 ha, quy tụ 21 hòn đảo và bán đảo, được bao quanh bởi ba cánh cung tự nhiên núi đá - núi đất - rừng tạo đầy ngoạn mục...

Du lịch dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững. Muốn vậy, du lịch có trách nhiệm phải hướng đến mục tiêu vừa khai thác vừa bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững - gắn với các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên - đã và đang được đặt ra như một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững phải gắn chặt và tương trợ lẫn nhau. Phát triển du lịch bảo đảm việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học. Ngược lại, bảo tồn đa dạng sinh học chính là “tiền vốn” để khai thác du lịch.

Xác định, Xuân Liên và Bến En đang nắm giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên - du lịch phong phú cần được khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Do đó, Bến En đã xây dựng quy hoạch và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 12-7-2013 về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng VQG Bến En đến năm 2020. Còn Xuân Liên cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái KBTTN Xuân Liên đến năm 2020. Việc xây dựng các quy hoạch không chỉ làm cơ sở để khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn của các KBTTN, VQG phục vụ phát triển du lịch; mà còn cho thấy trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch còn nhằm đánh giá và đưa ra được định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng lộ trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các hạng mục ưu tiên đầu tư và các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, quy hoạch còn tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch; góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm trong KBTTN và VQG.

Rõ ràng là, trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của du lịch, thì sự bền vững phải càng được xác định như một giá trị cốt lõi. Muốn vậy, các hoạt động của du lịch có trách nhiệm phải được đan xen, lồng ghép nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh. Trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, môi trường, văn hóa và con người. Đặc biệt, du lịch có trách nhiệm trước hết phải từ cộng đồng địa phương và mỗi cá nhân trong cộng đồng ấy - nhân tố có ảnh hưởng tích cực/tiêu cực đến cả sự phát triển du lịch và môi trường. Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh đến khách du lịch - những người trực tiếp tận hưởng các sản phẩm du lịch - cũng đồng thời là những người có trách nhiệm bảo vệ và tôn trọng các giá trị tự nhiên và văn hóa của điểm đến.

Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/du-lich-co-trach-nhiem/109202.htm