Du lịch 'chui', 'bịp' lộng hành trên vịnh Vân Phong: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Dù các hoạt động du lịch trên đảo Điệp Sơn, vịnh Vân Phong đã bị tỉnh Khánh Hòa nghiêm cấm. Tuy nhiên, hiện nay các loại du lịch 'chui' vẫn đang hoạt động rầm rộ mà chưa bị ai xử lý.

Lừa du khách “trắng trợn”…

Một ngày cuối tháng 6 - cao điểm mùa du lịch biển, PV báo điện tử Người Đưa Tin trong vai một du khách muốn ra cụm đảo Điệp Sơn, thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa để ghi nhận thực tế về tình trạng du lịch “chui”, “bịp” tràn lan tại Khánh Hòa. Vừa đến cầu cảng Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, PV đã chứng kiến nhiều điểm bán vé ra tham quan cụm đảo này. Trong các điểm bán vé này có cả điểm bán vé “chui”.

Thấy PV, một số nhân viên ở đây nhào đến bao vây, chèo kéo với đủ lời ngon ngọt. Một nhân viên cho hay: “Anh trai, ra đảo đi anh, chỗ chúng em có rất nhiều dịch vụ. Anh mà ra đảo Điệp Sơn chỗ chúng em là thiên đường du lịch đấy, đến là anh thích liền”.

Một điểm bán vé được dựng tạm bợ tại cầu cảng Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Duy Quan).

Một điểm bán vé được dựng tạm bợ tại cầu cảng Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Duy Quan).

“Né” được sự chèo kéo của các nhân viên, PV di chuyển đến một phòng vé tại Vạn Giã để mua vé ra đảo Điệp Sơn, khi PV hỏi: “Vé ở đây giá cả thế nào?”, “Các dịch vụ có đảm bảo như thông tin quảng cáo không?” thì được các nhân viên khẳng định: “Chỗ em làm ăn uy tín, cam kết sẽ đưa anh đến những nơi mà anh yêu cầu. Ở cụm đảo Điệp Sơn có con đường cát giữa biển, lặn biển ngắm san hô và nhiều dịch vụ khác”.

Khi đã trao đổi xong, PV đưa tiền và được giao vé. Tuy nhiên, khi nhận vé thì trên vé lại không in tên công ty, cũng như các thông tin về điểm du lịch không rõ ràng .

Cùng thời điểm, một nhóm du khách vừa đến cầu cảng Vạn Giã thì một số người từ ca nô có tên Thái Trần chạy tới chào mời, chèo kéo nhiệt tình, đồng thời hứa sẽ chở khách ra đảo Điệp Sơn theo đúng như yêu cầu.

Sau một lúc thỏa thuận, nhóm du khách này đã đồng ý mua vé rồi xuống ca nô ra đảo. Tuy nhiên, khi ca nô chạy đến nơi mới tá hỏa không phải đảo Điệp Sơn như quảng cáo mà là một đảo khác. Phát hiện sự việc thì đã muộn, nhóm du khách này đành “cắn răng” chấp nhận.

Nhiều người dân ở Vạn Giã, huyện Vạn Ninh cho biết: “Các khách du lịch từ xa đến đây đa phần đều bị lừa, khi phát hiện sự việc thì đã quá muộn”.

Chiế vé bán cho khách được in tạm bợ, không có tên công ty. (Ảnh: Duy Quan).

Một cán bộ Bộ đội biên phòng Vạn Giã đang tuần tra tại cụm đảo Điệp Sơn cho biết: “Công ty THHH Du lịch Thái Trần lâu nay luôn chở khách không thật và thường lừa khách. Khi khách đồng ý đi thì công ty này chở khách gặp chỗ nào thì thả khách chỗ đó. Hiện nay, Thái Trần có 2 điểm đón khách (trong bờ bên cạnh đồn biên phòng và ngoài đảo Hòn Bịp). Hai điểm này không có giấy phép bến bãi”.

“Công ty Thái Trần đón khách ra đảo không bài bản. Việc đón trả khách không theo quy định bến bãi, khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”, vị cán bộ cho biết thêm

Trao đổi với PV, anh Trịnh Minh Đại Anh, nhân viên quản lý của công ty Nha Trang Đông Đô (đơn vị được cho phép kinh doanh du lịch tại cụm đảo Điệp Sơn - PV) cho hay: “Nếu chúng tôi biết được các tour du lịch “chui” như thế, thì phía công ty sẽ ngưng không cho các tour đó đưa khách vào điểm du lịch của công ty đang kinh doanh”.

Theo người dân địa phương, ngoài các điểm du lịch tự phát, thì hiện nay tại Vạn Giã còn xuất hiện tình trạng tàu cá chở khách ra đảo chơi rất phổ biến. Nhiều người lo ngại về độ an toàn cũng như nguy hiểm đến tính mạng.

“Lý do việc thuê tàu cá chở khách đi ra đảo phổ biến là giá rẻ và bớt được chi phí. Theo đó, nếu thuê một chiếc tàu cá chở 15 - 20 người ra đảo chơi chỉ mất 400.000 đến 500.000 đồng/ngày, trong khi đi ca nô mất 3 đến 4 triệu. Do giá rẻ nên nhiều người lợi dụng tàu cá để hoạt động du lịch trái phép”, một người dân lý giải.

"Hồi chuông" cảnh báo

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh khẳng định: “Hiện nay, trên khu vực đảo Điệp Sơn, UBND huyện Vạn Ninh chỉ cho phép 2 công ty kinh doanh du lịch là: Công ty TNHH Du Lịch Nha Trang Đông Đô (Nha Trang Đông Đô), được kinh doanh du lịch tại Hòn Ó, Hòn Quạ (thôn Điệp Sơn, Xã Vạn Thạnh, Huyện Vạn Ninh); công ty CP Sơn Nam thuê đất và mặt nước kinh doanh du lịch tại Hòn Bịp (thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, Huyện Vạn Ninh)”.

“Ngoài 2 đơn vị trên, UBND huyện Vạn Ninh không cho đơn vị nào khác kinh doanh doanh du lịch trên cụm đảo Điệp Sơn. Công ty Nha Trang Đông Đô và công ty Sơn Nam đã hoạt động và có điểm bán vé tham quan cụm đảo Điệp Sơn theo quy định”, ông Bảo cho biết thêm.

Một chiếc tàu gỗ chỡ khách ra cụm đảo Điệp Sơn không trang bị áo phao cho khách. (Ảnh: Duy Quan).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Việc quản lý hoạt động du lịch tại cụm đảo Điệp Sơn, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND huyện Vạn Ninh trực tiếp quản lý”.

Cũng theo bà Thanh, trước đây, tình trạng chặt chém, chèo kéo làm du lịch trái phép trên cụm đảo Điệp Sơn đã diễn ra. Sở Du lịch đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, chấn chỉnh xử lý.

“Hiện nay, một số thông tin cho rằng, tình trạng hoạt động du lịch "bịp", "chui" tại cụm đảo này lại tiếp diễn. Trước mắt, UBND huyện Vạn Ninh, đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh. Sở Du lịch cũng sẽ báo cáo sự việc du lịch chui ở Điệp Sơn đến UBND tỉnh Khánh Hòa, để có kế hoạch kiểm tra xử lý theo quy định”, bà Thanh nhấn mạnh.

Mặc dù, các hoạt động du lịch chui ở xã đảo Điệp Sơn, vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh được UBND tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm cấm. Tuy nhiên, hiện nay, các loại hình du lịch chui như: đưa khách ra đảo bằng tàu cá không mặc áo phao, lập điểm du lịch chui đón khách, chèo kéo du khách bán vé lừa đảo…đang diễn ra hằng ngày, là mối nguy hiểm đối với nhiều du khách.

Những chiếc tàu chờ đón khách ra đảo. (Ảnh: Duy Quan).

Điển hình như mới đây vào ngày 15/6, một nhóm khách 15 người đi du lịch chui trên một tàu cá ra cụm đảo Điệp Sơn tham quan thì gặp nạn. Vụ tai nạn đã làm 3 người chết.

Liên quan đến vụ tai nạn nêu trên, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Vụ việc tàu cá chở khách du lịch tham quan rồi xảy ra tai nạn trên cụm đảo này là trái với quy định. Sự việc trên diễn ra trên địa bàn huyện Vạn Ninh thì phía địa phương phải chịu trách nhiệm”.

Còn ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho hay: “Hiện nay, nguyên nhân vụ lật tàu cá chở khách du lịch đang được cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra làm rõ”.

Vụ tai nạn nêu trên là một “hồi chuông” cảnh báo, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấn chỉnh ngay các hoạt động nói trên. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-lich-chui-bip-long-hanh-tren-vinh-van-phong-dung-de-mat-bo-roi-moi-lo-lam-chuong-a438410.html