Du lịch Cái Răng nỗ lực biến tài nguyên thành sản phẩm

Quận Cái Răng đang tận dụng những tiềm năng sinh thái của địa phương để phát triển ngành du lịch.

Quận Cái Răng nằm trong khu tứ giác xanh “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền”, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện. Du lịch được xem như một ngành công nghiệp không khói mang ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Lễ hội Tống Phong vừa diễn ra tại Miếu Bà Xóm Chài, quận Cái Răng cũng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch và người dân địa phương tham gia. Ảnh: Trung Phạm

Lễ hội Tống Phong vừa diễn ra tại Miếu Bà Xóm Chài, quận Cái Răng cũng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch và người dân địa phương tham gia. Ảnh: Trung Phạm

Có thể nói, Cái Răng là một trong số ít địa phương sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái với hệ thống sông rạch chằng chịt, cây trái quanh năm, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể lẫn phi vật thể được cư dân bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” đã thu hút rất nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Chợ nổi Cái Răng là một địa điểm du lịch thu hút rất nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu. Ảnh: Quang Vinh

Chợ nổi Cái Răng được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Lúc mới hình thành vị trí khu chợ ở nơi giao nhau của 4 dòng sông: Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé. Qua thời gian, hiện tại chợ nổi Cái Răng nằm phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách chân cầu Cái Răng khoảng 600m.

Khách du lịch thích thú với những món ăn dân dã ở khu du lịch Út Hiên. Ảnh: Thụy Vũ

Đến chợ nổi Cái Răng du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên sông nước. Hàng hóa mua bán, trao đổi giữa các ghe thương hồ trên chợ nổi rất đa dạng, phong phú như: nông sản, hàng gia dụng, hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn… Hình thức chào hàng khá độc đáo là sử dụng cây “bẹo”. Người bán sẽ treo mặt hàng mình đang bán lên một cây sào cắm trước mũi ghe, người cần mua cứ thế mà tìm đến. Cách thức giao hàng của dân thương hồ cũng khá độc đáo: người mua kẻ bán chuyển hàng cho nhau bằng cách chuyền tay tung hứng trông như các nghệ sĩ xiếc.

Dãy phòng lưu trú ở Hưng Homestay. Ảnh: Thụy Vũ

Được biết, từ sau khi có “Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” chính quyền quận đã thực hiện hoàn thành một số hạng mục như: hệ thống phao tiêu phân luồng, bến trung chuyển hàng hóa, tổ chức các đội công tác chuyên vớt rác trên sông. Ngoài ra, quận còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội phát vay cho 222 hộ với tổng số tiền trên 13,6 tỷ đồng để thúc đẩy kinh doanh, phát triển du lịch.

Không chỉ có chợ nổi, đến với quận Cái Răng du khách còn được tham quan các khu di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như: Đình Thường Thạnh, Hiệp Thiên Cung, thành ông Cả Đạt, bia tưởng niệm Lê Bình… Ngoài ra, việc trải nghiệm các làng nghề thủ công mỹ nghệ, lò rèn, làm bánh tráng, bánh phồng cũng giúp du khách phần nào mường tượng được cách sinh hoạt, làm ăn, mua bán của người Nam bộ xưa. Các vườn du lịch sinh thái, điểm Homestay nổi tiếng ở Cái Răng hiện nay như: Sen Ba Láng, Út Hiên, Hưng Homestay… với cảnh quan đẹp đặc trưng của vùng sông nước, phong cách phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, giá cả phải chăng sẽ gieo vào lòng du khách những ấn tượng đẹp khó quên.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Giám đốc Trung tâm Du lịch Cái Răng - cho biết: Quan điểm của chính quyền địa phương về việc phát triển du lịch quận Cái Răng trong thời gian tới là cần chú trọng đến loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước. Việc phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh du lịch bằng cơ chế chính sách ưu đãi nhất.

Video: Cần Thơ - Đô thị sông nước đáng sống

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/du-lich-cai-rang-no-luc-bien-tai-nguyen-thanh-san-pham-d140284.html