Du lịch bền vững: Thực trạng, khung lý thuyết và gợi ý hướng phát triển cho tỉnh Đồng Nai

TS. LÊ ĐĂNG LĂNG (Giám đốc Chiến lược (IWCC), Nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); TS. TRẦN MAI ĐÔNG (Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh).

Tóm tắt:

Dựa trên các tổng hợp, phân tích của những nghiên cứu liên quan, kết hợp với thực trạng du lịch hiện nay, bài viết đưa ra 5 đề xuất về hướng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Qua đó, tác giả cũng gợi ý về một số giải pháp phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Đồng Nai nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng.

Từ khóa: Du lịch, du lịch bền vững, tỉnh Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Những thập kỷ gần đây, du lịch luôn chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong cơ cấu kinh tế của nhiều nước. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO, 2019), ngành Du lịch năm 2018 đạt 1,401 triệu lượt khách với tổng doanh thu 1,450 tỷ USD. Trong đó, châu Âu chiếm thị phần lớn nhất, thứ hai là châu Á - Thái Bình Dương (Hình 1). Tại Việt Nam, lượng du khách quốc tế năm 2018 là 15,498 triệu lượt (tăng 19,9% so 2017), ước tính doanh thu đạt 10,080 tỷ USD và lượng khách nội địa là 80 triệu lượt với doanh thu khoảng 27 tỷ USD.

Riêng tỉnh Đồng Nai, tổng lượng khách du lịch đạt hơn 4,4 triệu lượt (2019), doanh thu đạt hơn 1,607 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (My Ny, 2020). Như vậy, với sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng du khách trong và ngoài nước, dự báo du lịch sẽ trở thành một ngành tiềm năng trong cơ cấu phát triển kinh tế của cả Việt Nam và tỉnh Đồng Nai. (Xem Hình)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, phát triển bền vững là một trong các vấn đề đang rất được quan tâm. Theo WCED (1987), phát triển bền vững là sự đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, từ đó, các mục tiêu phát triển bền vững được đặt ra nhằm giải quyết nhiều thách thức để đảm bảo an sinh, thịnh vượng kinh tế và bảo vệ môi trường. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố các mục tiêu phát triển bền vững gồm 17 mục tiêu lớn và 169 chỉ tiêu cụ thể (United Nations General Assembly, 2015).

Du lịch cộng đồng (CBT) - một hình thức để phát triển bền vững, đang ngày càng được nhắc đến nhiều trong cả học thuật và thực tiễn. Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch nhấn mạnh tính bền vững của môi trường và xã hội. Các cộng đồng đưa ra quyết định và xây dựng chương trình một cách tự chủ. Đây là hình thức du lịch có trách nhiệm, trong đó người dân địa phương tham gia vào toàn bộ quá trình xây dựng và ra quyết định.

Các gia đình ở địa phương trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi từ du lịch cộng đồng cả về mặt kinh tế và xã hội. Đối với du khách, du lịch cộng đồng đem đến những trải nghiệm chân thực và một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống ở địa phương. Ở cấp độ cộng đồng, du lịch cộng đồng đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa.

Vì vậy, mỗi địa phương cần tập trung vào những lợi thế của mình, chuyển các lợi thế đó thành những sản phẩm CBT một cách sáng tạo và truyền thông đến đối tượng du khách tiềm năng. Các địa phương cần tập trung vào 2 hướng: một là, hình thành sản phẩm CBT từ các lợi thế về tự nhiên, di tích, văn hóa,...; hai là, kết hợp một cách sáng tạo và phát huy có hiệu quả nguồn lực con người và các ngành nghề có lợi cho việc phát triển sản phẩm CBT. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức tài trợ cũng rất quan trọng.

Hiện nay, mô hình CBT, đặc biệt là du lịch sinh thái đã và đang phát triển tại một số vùng như Tràm chim Tam Nông (Đồng Tháp), Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình),… Mặc dù các mô hình này đang phát triển, nhưng còn ở giai đoạn sơ khai, tự phát nên kết quả hoạt động còn thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

2. Khung lý thuyết về du lịch bền vững

Poon (1993) cho rằng, để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững thì mô hình CBT là giải pháp phù hợp vì “mục đích của du lịch cộng đồng là tối đa hóa lợi ích cho các bên liên quan trong cộng đồng, không phải chỉ tối đa hóa lợi ích cho các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch”.

Quan điểm này tiếp tục được giải thích rõ hơn bởi định nghĩa phát triển du lịch bền vững của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO, 1998, p.21), đó là "đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và tổ chức điểm đến du lịch hiện tại, đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho các hoạt động trong tương lai bởi việc quản lý tất cả các nguồn lực theo cách có thể đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn văn hóa, các đặc tính sinh thái thiết yếu, đa dạng sinh học và các hệ thống hỗ trợ sự sống".

Theo VIRI và Quỹ Châu Á (2012), CBT là một loại hình du lịch do người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ nhằm tìm kiếm lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương, hình thức này thường liên kết người dân thành thị đến các vùng nông thôn để thưởng thức cuộc sống tại đây. Các loại hình được sở hữu và quản lý bởi cộng đồng thường bao gồm: Du lịch sinh thái; Du lịch nông nghiệp, nông thôn; Du lịch dân tộc và văn hóa.

Để làm du lịch cộng đồng, địa phương cần có hai nguồn tài nguyên chính là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên; ngoài ra, cần có các nguồn lực hỗ trợ như: chỗ ở, phương tiện giao thông, y tế,… CBT có thể trở thành một cơ chế xóa đói giảm nghèo và là giải pháp tốt để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mang lại sự trao quyền và lợi ích kinh tế lớn hơn cho cộng đồng địa phương.

Cụ thể, Yoon và cộng sự (2001) đã nghiên cứu phát triển du lịch tại một số vùng ở Mỹ và kết quả cho thấy sự tham gia của người dân có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Tương tự, theo nghiên cứu của Shikida và cộng sự (2009) tại Hokkaido (Nhật Bản), cần có nguồn lực bên ngoài kết nối với các nguồn lực tại địa phương để khai thác, mở rộng đối tượng phục vụ thông qua đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và cân bằng lợi ích giữa các bên để hướng đến phát triển lâu dài. Và để hoạt động CBT thành công, cần có kỹ năng quản lý, sự hợp tác giữa các bên liên quan và sự hỗ trợ từ chính phủ (Dodds và cộng sự, 2016). Lee và Jan (2019) cũng đã nghiên cứu phát triển CBT bằng cách kiểm tra nhận thức của 6 cộng đồng cư dân ở Đài Loan.

Kết quả cho thấy, CBT là một phương pháp giảm nghèo hiệu quả vì cung cấp thêm việc làm và giúp cải thiện kinh tế địa phương bằng việc bán sản phẩm. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ thêm tính bền vững của du lịch dựa vào tự nhiên và cho rằng sự bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường đã thay đổi đáng kể nhờ vào nhận thức của người dân. Du lịch CBT là một loại hình du lịch bền vững quan trọng và nó có ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành ý định sau khi “mua” của du khách (sau khi đi du lịch).

Sự thành công của các đơn vị du lịch cũng như của toàn bộ chuỗi giá trị du lịch phụ thuộc vào công tác quản lý và việc thiếu nguồn cung sản phẩm sẽ làm suy yếu chuỗi liên kết giá trị du lịch cộng đồng (Adiyia và Vanneste, 2018). Vì vậy, nông dân địa phương có thể kết hợp với nhau thông qua các hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiếp thị, bán hàng và dịch vụ. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái - một hình thức du lịch bền vững, cũng bắt đầu được quan tâm. Nhưng sự phát triển của du lịch sinh thái không tự động dẫn đến các vấn đề về bảo tồn tài nguyên của cộng đồng – điều mà trên thực tế có thể tạo gánh nặng về môi trường nếu không được quản lý đúng cách.

Cụ thể, Buathong và Lai (2017) đã tiến hành nghiên cứu về các đặc điểm của sự phát triển bền vững du lịch MICE (Meeting, Incentive, Confrrence, Exhibition) tại Thái Lan và kết quả cho thấy có 5 nhóm yếu tố đặc trưng cho sự phát triển bền vững du lịch MICE, bao gồm: điều kiện ban đầu liên quan đến phát triển bền vững; tiêu thụ điện năng; xử lý rác thải; nguồn cung cấp thức ăn và gia tăng sự bền vững.

Nghiên cứu này cũng phát hiện rằng tất cả các hoạt động du lịch bên cạnh mặt tích cực đều có những mặt tiêu cực như suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, rác thải,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, văn hóa và xã hội. Mặt khác, du lịch cũng là một loại sản phẩm – sản phẩm vô hình, cần phải được xây dựng thương hiệu để du khách biết đến, hiểu và chấp nhận các giá trị (lợi ích) mà mô hình du lịch sẽ mang lại.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hiện nay chưa đề cập hay làm rõ vấn đề này trong khi theo Lê Đăng Lăng (2010) thì thương hiệu là “chìa khóa” để phát triển tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu cần phải am hiểu môi trường pháp lý và phải theo một quy trình hợp lý, đảm bảo tính khoa học và kết hợp với các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay (Lê Đăng Lăng và Lê Tấn Bửu, 2017).

Tóm lại, các nghiên cứu đều cho thấy, xu hướng phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CBT và nhấn mạnh đến việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa dân tộc. Mặc dù được thực hiện tại nhiều quốc gia khác nhau, nhưng những nghiên cứu này sẽ là tiền đề để bổ sung cơ sở lý thuyết về phát triển du lịch bền vững và CBT tại Việt Nam.

3. Thực trạng nghiên cứu và gợi ý hướng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Theo quy hoạch của Chính phủ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 với định hướng “phát triển bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khi hậu, bảo đảm quốc phòng và an ninh” (Quyết định số 147/QĐ-TTg; Thủ tướng Chính phủ, 2010). Như vậy, phát triển du lịch cộng đồng nói chung và du lịch sinh thái nói riêng để tiến đến phát triển du lịch bền vững là chủ trương chung của quốc gia.

Từ thực tế đó, có rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên quan tâm đến lĩnh vực này. Những nghiên cứu này có thể chia thành 2 nhóm, gồm nghiên cứu cơ bản để bổ sung cơ sở lý luận và nghiên cứu ứng dụng để đưa ra giải pháp.

Cụ thể, với nghiên cứu cơ bản, có một số nghiên cứu như: Hà Nam Khánh Giao và Lê Thái Sơn (2012) nghiên cứu về các nhân tố tác động đến sự hài lòng của du khách trong Festival Hoa 2012 (Lâm Đồng) và phát hiện có 5 thành phần tác động, đó là: phương tiện hữu hình, sự đồng cảm, sự đáp ứng, độ tin cậy và sự bảo đảm; Đinh Kiệm và Nguyễn Tiến Dũng (2019) nghiên cứu sự hài lòng của du khách nội địa tại điểm đến du lịch sinh thái nông nghiệp huyện Di Linh (Lâm Đồng);...

Mặc dù những nghiên cứu này tập trung vào các khía cạnh khác nhau về du lịch bền vững, nhưng đều có những đóng góp ý nghĩa trong việc bổ sung cơ sở lý luận cũng như gợi ra một số hướng phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, với lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, Phan Thị Hồng Cúc và Ngô Thanh Loan (2016) nghiên cứu sử dụng du lịch cộng đồng để giảm nghèo. Kết quả đúc kết có 3 loại hình du lịch cộng đồng đang hoạt động, bao gồm: cả cộng đồng cùng tham gia chính trong du lịch, một bộ phận cộng đồng hoặc hộ gia đình tham gia và mô hình liên doanh giữa cộng đồng hoặc một số thành viên cộng đồng và đối tác kinh doanh. Nguyễn Công Hoan và Hà Thị Vân Khanh (2019) nghiên cứu mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp tại làng bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai);…

Nhiều nghiên cứu dạng này thường có cùng cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, cụ thể là tiến hành đánh giá thực trạng, tiềm năng, sau đó sử dụng ma trận SWOT đề xuất các giải pháp. Về tổng thể, cách tiếp cận nghiên cứu này là phù hợp vì dựa vào thực trạng và lý thuyết để xây dựng giải pháp, nhưng nếu chỉ dựa vào ma trận SWOT thì chưa đảm bảo tính khả thi vì ma trận này chỉ trình bày kết quả đánh giá của người nghiên cứu, việc xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức thường khá chủ quan (thay vì dùng phương pháp chuyên gia và các ma trận định lượng để lượng hóa).

Chưa kể việc lựa chọn phương án kết hợp giữa các yếu tố của ma trận này cũng như xây dựng giải pháp phát triển đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn của người xây dựng, đặc biệt là kinh nghiệm về mặt quản trị. Du lịch cộng đồng gắn liền với một chuỗi các hoạt động liên kết tương tác với nhau nhưng nhiều nghiên cứu hiện nay chưa xây dựng giải pháp đặt trong bối cảnh chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được xây dựng không dựa vào phân tích nhu cầu và kỳ vọng của du khách. Một số nhà nghiên cứu cũng đã có cách tiếp cận theo hướng chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng. Các nghiên cứu này mặc dù vẫn còn hạn chế, đặc biệt là về tính khả thi để vận dụng, nhưng là tài liệu tham khảo hữu ích cho nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.

Chẳng hạn, Bùi Thị Tám và cộng sự (2011) đã xem xét mức độ quan tâm của du khách đến sự hấp dẫn của Đầm phá về các di sản văn hóa, phong cảnh, hệ động - thực vật và các tài nguyên thiên nhiên khác tại đây. Nghiên cứu của Bùi Thị Lan Hương (2012) xem xét lợi ích thu được từ các bên trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch cộng đồng và tính bền vững của nó.

Tóm lại, mặc dù có khá nhiều nghiên cứu liên quan nhưng phần lớn là nghiên cứu sơ khởi, đề xuất ý tưởng về mô hình CBT còn tính khả thi để vận dụng các mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời cách thức tiếp cận nghiên cứu vẫn chung chung, chưa đi vào khám phá cụ thể các bên liên quan và vai trò của họ trong chuỗi giá trị hình thành du lịch cộng đồng.

Tuy vậy, với những nghiên cứu đã phân tích có thể đúc kết một số vấn đề quan trọng, đó là: một, có thể phát triển du lịch bền vững thông qua các mô hình du lịch cộng đồng; hai, cần quan tâm các đối tượng có liên quan nhất đến phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm lãnh đạo địa phương, du khách, các đơn vị tổ chức, hộ gia đình cũng như sự liên kết giữa các đối tượng này; ba, khi chọn lựa đưa các yếu tố vào ma trận SWOT cần chọn đúng phương pháp và nên sử dụng các ma trận lượng hóa tính chất các yếu tố; bốn, mô hình du lịch cộng đồng được đề xuất nên cụ thể dựa trên quan điểm liên kết chuỗi giá trị và chỉ rõ vai trò các bên trong chuỗi giá trị và cách thức quản trị vận hành mô hình; năm, giải pháp phát triển du lịch bền vững phải có kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu và truyền thông thu hút du khách.

4. Gợi ý hướng phát triển du lịch bền vững cho tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Thêm vào đó, với một số chủ trương thuận lợi để phát triển du lịch từ Trung ương, như Hồ Trị An - Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đã được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia (Quyết định số 201/QĐ-TTg), tỉnh Đồng Nai đã có cơ chế thuận lợi để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Các đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã có những đề án, kế hoạch để thúc đẩy phát triển du lịch, điển hình như UBND huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Cửu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (2016) và Kế hoạch số 297/KH-UBND (2019) nhằm đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch tại huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng thực tế du lịch tỉnh Đồng Nai vẫn chưa tương xứng với nguồn tài nguyên và tiềm năng sẵn có. Cụ thể, du lịch vẫn chưa phải là ngành kinh tế mũi nhọn, vẫn còn ở quy mô nhỏ và chưa bền vững; cơ sở lưu trú còn ít và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; có nhiều địa điểm di tích chưa được khai thác (UBND tỉnh Đồng Nai, 2015). Với riêng huyện Vĩnh Cửu, mặc dù du lịch có phát triển nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, thị trường khách du lịch chưa ổn định; thị trường khách quốc tế chưa được định hình rõ nét; thị trường khách du lịch nội địa còn bị động; chất lượng sản phẩm du lịch còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguyên nhân và hạn chế trên là do định hướng về thị trường và sản phẩm du lịch chưa rõ rệt, công tác quản lý nhà nước và năng lực của doanh nghiệp du lịch chưa cao (UBND huyện Vĩnh Cửu, 2016).

Trong bối cảnh đó, để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch theo hướng bền vững tại tỉnh Đồng Nai nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng, tác giả đưa ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần đánh giá khách quan về thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng bền vững, từ đó xác định loại mô hình du lịch và nhóm đối tượng du khách cụ thể mà tỉnh Đồng Nai muốn nhắm tới;

Thứ hai, cần xem xét phát triển du lịch bền vững theo hướng chuỗi giá trị, từ tổ chức hạ tầng đến việc tổ chức các điểm đến, tiếp đến cần chú trọng công tác xây dựng thương hiệu tỉnh, thương hiệu mô hình - điểm đến du lịch và truyền thông thu hút du khách;

Thứ ba, kết nối với các tổ chức du lịch trong và ngoài nước để quảng bá và thu hút du khách;

Thứ tư, tạo cơ chế thuận lợi thúc đẩy các tổ chức và cá nhân trong tỉnh cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích mô hình hợp tác xã và hộ gia đình làm du lịch cộng đồng;

Thứ năm, xây dựng bộ tiêu chuẩn về phát triển du lịch bền vững - du lịch cộng đồng, đồng thời ban hành bộ quy tắc “Văn hóa du lịch tỉnh Đồng Nai” để hướng dẫn và quản lý các đơn vị làm du lịch trên địa bàn;

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch.

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt

Bùi Thị Lan Hương (2012),

So sánh thu nhập của các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch vùng nông thôn tại Cù lao Thới Sơn, Tiền Giang

, Tạp chí Khoa học - Đại học Cần Thơ, 24b:182-189.

Bùi Thị Tám và Cộng sự (2011),

Nhu cầu tiềm năng đối với du lịch dựa vào cộng đồng ở vùng Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 84: 89-94.

Đinh Kiệm và Nguyễn Tiến Dũng (2019),

Đánh giá sự hài lòng của du khách nội địa tại điểm đến du lịch sinh thái nông nghiệp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

, Kinh tế và Dự báo, 94-98.

Hà Nam Khánh Giao và Lê Thái Sơn (2012),

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách tham dự Festivak Hoa Đà Lạt,

Tạp chí Phát triển Kinh tế, 40-47.

Lê Đăng Lăng & Lê Tấn Bửu (2017),

Đánh giá quan hệ giữa truyền thông tiếp thị và giá trị thương hiệu trong ngành nước giải khát,

Tạp chí Phát triển kinh tế, 28(7): 56-80.

Lê Đăng Lăng (2010),

Quản trị thương hiệu,

NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

My Ny (2020),

Du lịch Đồng Nai sẽ bứt phá,

Báo Đồng Nai, ngày 12/02/2020.

Nguyễn Công Hoan và Hà Thị Vân Khanh (2019),

Nghiên cứu mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp tại làng bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

, Tạp chí Công Thương.

Phan Thị Hồng Cúc và Ngô Thanh Loan (2016),

Du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam,

Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, số 19: 5-12.

UBND huyện Vĩnh Cửu (2016),

Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Cửu đến 2020, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh Đồng Nai (2015),

Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 2364/QĐ-UBND.

VIRI (Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam) và Quỹ Châu Á (2012),

Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng,

Dự án “Du lịch cộng đồng cho các làng nghề thủ công truyền thống ở Bắc Ninh”, Hà Nội.

Tiếng Anh

Adiyia, B. & Vanneste, D. (2018),

Local tourism value chain linkages as pro poor tools for regional development in western Uganda,

Development Southern Africa, 35: 210-224.

Buathong, K. & Lai, P.C. (2017),

Perceived Attributes of Event Sustainability in the MICE Industry in Thailand: A Viewpoint from Governmental

, Academic, Venue and Practitioner, Sustainability, 9: 1-20.

Dodds, Ali & Glasky (2016),

Mobilizing knowledge: Determining key elements for success and pitfalls in developing community-based tourism

, Current Issues in Tourism, 21(13): 1547-1568.

Lee, T.H., Jan, F.H. (2019),

Can community-based tourism contribute to sustainable development?

Evidence from residents’ perceptions of the sustainability Tourism Management, 70: 368-380.

Poon, A. (1993),

Tourism, Technology and Competitive Strategies

, London: CABI.

Shikida, A., Yoda, M., Kino, A., Morishige, M. (2009),

Tourism relationship model and intermediary for sustainable tourism management: Case study of the Kiritappu Wetland Trust in Hamanaka

, Hokkaido, Tourism and Hospitality Research,10(2):105-115.

UNWTO - World Tourism Organization, (2019),

International Tourism Highlights

.

WCED - World Commission on Environment and Development (1987),

Our Common Future.

Oxford Univ. Press, London.

WTO - World Tourism Organization (1998),

Guide for local authorities on developing sustainable tourism

,

Madrid.

Yoon, Y., Gursoy, D. & Chen, J.S. (2001),

Validating a tourism development theory with structural equation modeling,

Tourism Management, 22: 363-372.

Sustainable tourism: Current situation, theoretical framework and development implications for Dong Nai province

Dr. LE ĐANG LANG

Strategy Director (IWCC), Former Lecture in Economics and Law university, Vietnam National Univeristy (HCMC)

Dr. TRAN MAI DONG

Department of Research Administration – International Relations, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

By literary reviewing and analyzing previous studies and current tourism situation, this study presents 05 orientations for sustainable tourism development in Vietnam. The study also suggestes some solutions for sustainable tourism development in Dong Nai province in general and Vinh Cuu district, Dong Nai province in particular.

Key words: Traveling, sustainable tourism, Dong Nai province.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/du-lich-ben-vung-thuc-trang-khung-ly-thuyet-va-goi-y-huong-phat-trien-cho-tinh-dong-nai-71027.htm