Du lịch Bạc Liêu: Đi lên từ Dạ cổ hoài lang

Không ít người từng nói rằng, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khó phát triển vì na ná nhau, thì với Dạ cổ hoài lang cùng Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Bạc Liêu đã chứng minh cho người ta thấy được những nét riêng, độc đáo, có một không hai của mình.

Đêm Bạc Liêu nghe chuyện Cao Văn Lầu

Miền Tây mùa nước nổi

Miền Tây mùa nước nổi

Chúng tôi về Bạc Liêu vào một chiều mưa, đây cũng là thời điểm mà vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam (Đồng bằng sông Cửu Long) bước vào mùa nước nổi (nước lũ). Có một thời kỳ mà khi nói về nước lũ tại khu vực này, người ta hay nói tới những tang thương, mất mát, giống như trong ca khúc Quê em mùa nước lũ của nhạc sĩ Tiến Luân "Ôi nước tràn bờ đê, tang thương khắp một miền quê". Vậy nhưng, trên thực tế, đối với những người dân miệt vườn sông nước, thì mùa nước nổi lại chính là mùa của sự sinh sôi, bồi tụ, mùa của phù sa, tôm cá. Năm nay lũ về muộn, mực nước thấp, tôm cá vẫn còn, nhưng không dồi dào, hào sảng như xưa. Đã từ vài năm nay, người miền Tây (Tây Nam Bộ) có thói quen mong, đợi lũ về, lũ không về hay về muộn như năm nay, đều khiến người dân không khỏi lo lắng cho cuộc mưu sinh của mình.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Bạc Liêu chào đón chúng tôi bằng hình ảnh những cánh đồng ngập nước, tuy không sâu, nhưng cũng đủ để người dân giăng câu, cất lưới. Khung cảnh cuộc sống của người dân miền tây xuất hiện bình dị, với những nếp nhà nhỏ bé, ẩn mình bên những hàng dừa xanh, những dòng kênh đỏ phù sa và thấp thoáng đâu đó là màu vàng mơ của những bông điên điển, màu tím của những đám lục bình trôi sông…

Màn đêm buông xuống, thành phố Bạc Liêu cũng lung linh, huyền ảo trong ánh sáng của phố thị, nhưng vẫn giữ được cho mình sự bình dị, nét an yên của vùng miệt vườn mênh mang sông nước.

Trình diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Đã không ít lần được nghe trình diễn về Nghệ thuật Đờn ca tài tử, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất mà các thành viên trong đoàn có may mắn, cùng vinh dự khi được đích thân bà Cao Xuân Thu Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, ca tặng trọn vẹn bản Dạ cổ hoài lang.

Sẽ là không quá khi nói Dạ cổ hoài lang đã trở thành tiếng lòng của người Nam Bộ, bởi gần như bất cứ ai cũng có thể ca và ca rất hay bản cổ nhạc này. Nói đến cải lương, người ta nhớ đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử cùng bản cổ nhạc Dạ cổ hoài lang. Từ bản Dạ cổ hoài lang, mà sau này các nhạc sĩ phát triển thành vọng cổ, thành sân khấu ca cải lương…. Ngoài việc ca tặng đoàn bản cổ nhạc này, bà Cao Xuân Thu Vân còn kể thêm cho mọi người nghe những mẩu chuyện về cuộc đời của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, về nguồn gốc ra đời của bản Dạ cổ hoài lang…

Phát triển du lịch văn hóa gắn với những giá trị nghệ thuật truyền thống

Đoàn chúng tôi được tham quan các địa danh du lịch hấp dẫn như nhà công tử Bạc Liêu, Chùa Xiêm Cán, khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, công trình điện gió Bạc Liêu và thưởng thức nghệ thuật cải lương tại nhà hát Cao Văn Lầu. Các thành viên trong đoàn, có những người đã từng đến vùng đất này nhiều lần, nhưng lần trở lại này, đều không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên, thích thú với những sự "mới mẻ" của Bạc Liêu.

Nhà công tử Bạc Liêu

Thưởng thức múa truyền thống của người Khmer tại chùa Xiêm Cán

Theo đánh giá của lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành trong đoàn (các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội), Bạc Liêu có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa gắn liền với các giá trị nghệ thuật truyền thống. Chuyến tham quan, trải nghiệm Bạc Liêu lần này, sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mới, nhằm mục tiêu đưa khách nhiều hơn tới Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Nói về du lịch Bạc Liêu, ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: Trước đây, Bạc Liêu là địa phương gần như không có tên trên bản đồ du lịch của khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay, Bạc Liêu đã vươn lên, mặc dù chưa phải đứng đầu khu vực, nhưng là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch rất lớn và có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp lớn cho sự phát triển du lịch của ĐBSCL.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật Cải Lương, ca vọng cổ của Nhà hát Cao Văn Lầu

"Du lịch đó là sự nghiệp của toàn dân, nó có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của các địa phương, vì vậy đòi hỏi sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Sự phát triển của du lịch Bạc Liêu hiện nay đã thể hiện rõ quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu. Trong khó khăn, nhưng Bạc Liêu đã âm thầm xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, dựa trên những tài nguyên du lịch của mình", Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng ĐBSCL đánh giá.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng ĐBSCL Lê Thanh Phong, cách đây 10 năm Bạc Liêu đã nói là sẽ đi lên từ văn hóa và điều này hoàn toàn có cơ sở. Bởi Bạc Liêu tuy nghèo nàn về vật chất nhưng lại dồi dào về văn hóa mà tiêu biểu là Nghệ thuật Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. "Tôi cho rằng Bạc Liêu đang đi trúng hướng và cần tiếp tục phát huy, giữ gìn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của mình, đặc biệt là đờn ca tài tử trong phát triển du lịch thì chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước".

Thỏa sức sống ảo tại điểm du lịch mới - Công trình điện gió Bạc Liêu

Bà Cao Xuân Thu Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, với phương châm mang lại cơ hội cho đối tác, Bạc Liêu nói luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Bạc Liêu luôn mong muốn được kết nối, chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua và thời gian tới, Bạc Liêu luôn chú trọng nâng cao chất lượng, tập trung xây dựng, đa đạng hóa sản phẩm du lịch thông qua việc xác định lợi thế đặc trưng của địa phương; thường xuyên đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng văn hóa - thể thao và du lịch - giải trí./.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã và đang trở thành điểm đến được đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm về khi tới với Bạc Liêu. Tại đây, du khách được tham quan khu trưng bày giới thiệu về cuộc đời của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hoàn cảnh ra đời của bản Dạ cổ Hoài Lang. Sau khi thắp hương mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, du khách sẽ được phục vụ miễn phí một chương trình biểu diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Tại nhà hát Cao Văn Lầu, duy trì đêm biểu diễn nghệ thuật phục vụ miễn phí cho người dân và du khách vào tối thứ 7 hàng tuần. Ở đây, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục đặc sắc về vọng cổ, ca cải lương.

Bài, ảnh: Vi Phong

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich-bac-lieu-di-len-tu-da-co-hoai-lang-20190921171812.htm