Du lịch Ba Vì: Điểm sáng trong hành trình sáp nhập Thủ đô

Sau 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ban hành ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, tuy là huyện xa trung tâm nhưng với sự quan tâm đầu tư của TP. Hà Nội cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện đặc biệt là ngành du lịch.

Ảnh minh họa

Đa dạng nhiều hình thức

Là một trong 6 cụm du lịch của Hà Nội, với lợi thế là vùng đồi núi cao có khí hậu trong lành và mát mẻ, Ba Vì nổi bật với các địa điểm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng nhóm khách hàng. Những sản phẩm chính gồm du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội họp, triển lãm…); du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch nông nghiệp và trang trại... Việc mở rộng địa giới hành chính đã góp phần tạo cho Ba Vì có nguồn khách du lịch lớn hơn, sản phẩm tour, tuyến nhiều hơn và nguồn lực tham gia vào du lịch mạnh mẽ hơn nhằm phục vụ cho thị trường khách du lịch của TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Cùng với các điểm đến quen thuộc như Vườn quốc gia Ba Vì, Khu di tích lịch sử K9, Thác Đa… với cảnh sắc tươi đẹp và hùng vĩ. Sau khi sáp nhập Thủ đô, huyện Ba Vì đã hình thành 3 vùng du lịch chính là vùng chân núi Ba Vì, khu vực hồ Suối Hai và vùng phụ cận, khu vực nước khoáng nóng Thuần Mỹ và rừng nguyên sinh Bằng Tạ. Đến với Ba Vì, du khách sẽ được khám phá các danh lam, thắng cảnh như: Tản Đà Spa Resort, khu du lịch sinh thái Ao Vua, Đầm Long- Bằng Tạ, Khoang Xanh- Suối Tiền, hồ Suối Hai, Thiên Sơn- Suối Ngà. Những địa điểm này cũng không ngừng được nâng cao chất lượng và được đa dạng hóa các hình thức, sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 15 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, cộng đồng, hội thảo… trong đó hai loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hoạt động có hiệu quả nhất, thu hút nhiều du khách tham gia.

Những năm qua, huyện Ba Vì đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hiệu quả. Năm 2014, tổng giá trị nhóm ngành dịch vụ- du lịch của huyện đạt 6.560 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của huyện và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Phát triển bền vững trong tương lai

Cùng với việc hình thành các tour, tuyến du lịch, bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tính chuyên nghiệp đã dần hình thành. Huyện Ba Vì cũng đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành xây dựng tư liệu tuyên truyền quảng bá về các điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện, in tờ rơi tuyên truyền về du lịch nhằm giới thiệu về các điểm du lịch trên địa bàn huyện tới du khách.

Để du lịch phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, huyện Ba Vì luôn xác định phải gắn du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa- lịch sử - cách mạng truyền thống, giữ gìn môi trường sinh thái bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhằm mang lại các dịch vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị chức năng và các doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng tuyến đường 415 đi đền Hạ, đền Trung; hoàn thiện thủ tục nâng cấp tuyến đường từ đường 87 đi khu du lịch Ao Vua và tuyến đường từ Vườn quốc gia Ba Vì đến Khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà, Long Việt; tôn tạo các công trình tôn giáo, tín ngưỡng; nâng cấp nhà ăn, phòng nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí... Việc quản lý các hoạt động doanh nghiệp và kinh doanh các khu, điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến và đi vào nề nếp. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở các điểm du lịch được quan tâm chỉ đạo và thực hiện hiệu quả. Nhờ có nhiều đổi mới đã thu hút đông đảo du khách đến với Ba Vì, trong năm 2014 tổng lượt khách đạt 2,38 triệu người, đạt 101% kế hoạch năm, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 270 tỷ đồng, đạt 100%, tăng 12,5% so với cùng kỳ, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động tại chỗ, nhiều lao động của các vùng lân cận đến kinh doanh trong mùa du lịch; góp phần giảm đáng kể các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, các tuyến xe bus cũng góp phần đáng kể trong việc thu hút khách du lịch nhằm phát triển du lịch Thủ đô với cụm du lịch văn hóa nổi bật khu vực phía Tây Thành phố với nhiều địa danh tiêu biểu như Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và các khu du lịch quanh khu vực vùng núi Ba Vì.

Cụ thể, tuyến buýt số 107 là tuyến kết nối khu vực trung tâm thành phố từ Kim Mã theo trục Đại lộ Thăng Long hướng qua Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc kết nối điểm cuối tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, có tần suất 15-20 phút/lượt xe, thời gian hoạt động từ 5 giờ-20 giờ 50 phút, giá vé 9.000 đồng/lượt, phương tiện 17 xe sức chứa 60 chỗ.

Có thể nói, Sau 10 năm sáp nhập với Thủ đô Hà Nội, diện mạo huyện Ba Vì có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều dự án được đầu tư xây dựng cả về hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội khác đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế văn hóa xã hội của huyện Ba Vì nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/du-lich-ba-vi-diem-sang-trong-hanh-trinh-sap-nhap-thu-do-108191.html