Du ký nữ – bước chuyển mình trong hành trình khám phá thế giới

Chinh phục những vùng đất mới là một trong những khát vọng con người hướng đến từ lâu, tùy vào thời điểm và điều kiện mà cách thức thực hiện sẽ khác nhau. Trong kỷ nguyên hội nhập, giấc mơ chinh phục không đóng khung trong việc đặt chân đến một vùng đất mà nó đòi hỏi những chiêm nghiệm sâu sắc hơn trong quá trình khám phá. Du ký nữ (sách du ký của các nữ tác giả) tuy đã có mặt từ khá sớm nhưng đến giai đoạn này mới bước vào giây phút 'thăng hoa' với những đóng góp cụ thể và đầy giá trị.

Những hành trình đầu tiên

Từ sau chế độ công xã nguyên thủy sụp đổ chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ rồi đến chế độ phong kiến thì vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội không được công nhận. Những công việc mang tính xã hội đặc thù gần như nằm trong tay của đàn ông và sứ mệnh đi tìm những vùng đất mới cũng không ngoại lệ. Trong tiến trình phát triển của lịch sử thế giới, những cuộc phát kiến địa lý đầu tiên đều là thành tựu của những đàn ông. Như B.Dias đã tìm ra mũi Hảo Vọng, cực Nam châu Phi (1487), C. Colomb tìm thấy châu Mỹ (1492), Vasco de Gama đã vượt qua Ấn Độ dương để cập bờ Tây Nam Ấn Độ (1498) và chuyến hành trình vòng quanh thế giới của Magellan (1519 -1522).

Trong những cuộc phát kiến đầu tiên này, mục đích chính của con người không phải để khám phá hay tìm hiểu những vùng đất mới mà họ muốn tìm ra những con đường thương mại mới để trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường và phát triển kinh tế.

Du ký tại Việt Nam

Trong bước chuyển tiếp theo của quá trình chinh phục các vùng đất, con người đã ghi chép lại về cảnh vật, đời sống, phong tục tập quán của cư dân nơi đó. Họ cũng đưa thêm vào những cảm nhận cá nhân và tạo thành những tác phẩm du ký.

Trong bối cảnh của Việt Nam đầu thế kỷ XX, dưới tác động của văn hóa phương Tây, du ký trở thành một trong những thể loại mới gây được sự chú ý và quan tâm rất nhiều từ những người sáng tác đến độc giả. Tờ “Nam Phong tạp chí” đã từng đăng tải nhiều các bài du ký của các tác giả khi họ đi qua các vùng đất từ Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới như: bài ký “Phong thổ tình Tuyên Quang” của Nguyễn Văn Bân, Hạn Mạn du ký của Nguyễn Bá Trác (viết về Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc)…

“Du ký Việt Nam” tập hợp các bài du ký trên “Nam Phong tạp chí”

Ví dụ trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã miêu tả sự khắc nghiệt của con sông Đà và khắc họa lên hình tượng đầy kiêu hãnh về người lái đò. Sự vận dụng một cách tài tình các giác quan để quan sát và ghi nhận được xem là một cách thức điển hình cho thể loại du ký thời đó.

Có thể nói từ trước đến nay, mảng du ký tại Việt Nam được thực hiện bởi đa số các tác giả nam và việc điểm lại những cuộc phát kiến địa lý trong lịch sử thế giới để thấy rõ vai trò của đàn ông trong những công cuộc chinh phục và khám phá thế giới.

Bước chuyển mình tinh tế

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi các phương tiện di chuyển, truyền thông phát triển mạnh thì nhu cầu khám phá của con người càng được nâng cao. Cùng với tản văn, du ký trở thành thể loại nhận được rất nhiều sự yêu mến từ độc giả.

Đã có hàng loạt những cuốn du ký được ra đời và khoảng 90% trong số đó là của tác giả nữ. Nhắc đến du ký, người ta nghĩ ngay đến “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip, “Tôi là một con lừa”, “Con đường Hồi giáo” của Nguyễn Phương Mai, “Một mình ở châu Âu” của Phan Việt, “Bình minh ở Sahara” của Di Li…, và gần đây nhất có thể kể đến là “Á – Âu cách một cây cầu” của Diễm Trang.

“Con đường Hồi giáo” câu chuyện của các nước Trung Đông

Cũng giống như những tác phẩm du ký trước đây, các tác giả nữ dùng chính trải nghiệm của bản thân để làm nên tác phẩm. Dường như sự tinh tế, nhẹ nhàng và tâm hồn mơ mộng vốn dĩ được xem là bản chất dành riêng cho phụ nữ đã khiến ngòi bút của họ trở nên quyến rũ, tâm tình, làm cho những nơi họ đi qua trở nên cuốn hút với người đọc. Trường hợp “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip là một minh chứng cho tầm ảnh hưởng của du ký nữ đối với độc giả. Quyển sách này đã thôi thúc rất nhiều người trẻ bước ra thế giới bên ngoài để khám phá, và tựa sách đã trở thành câu nói cửa miệng của rất nhiều người.

“Á – Âu cách một cây cầu” là cuộc hành trình qua 20 quốc gia của tác giả Diễm Trang - một giảng viên đại học. Những câu chuyện được kể không mang nặng tính lý thuyết mà được diễn giải bằng một giọng văn vui tươi, hào hứng, đầy sức trẻ và rất khoa học của một người nghiên cứu. Điều thú vị nhất là tác giả không viết thuần về kiến thức văn hóa, mà khơi gợi cho người đọc sự thích thú và kích thích nhu cầu tìm hiểu văn hóa.

“Á – Âu cách một cây cầu” chuyến hành trinh qua 20 quốc gia

Những tác phẩm du ký của tác giả nữ đã mở ra một thời kỳ mới về nữ quyền trong lĩnh vực văn hóa. Họ hiên ngang bước đi và chinh phục các vùng đất, các nền văn hóa bằng chiều sâu và sự tinh tế vốn có. Sự góp mặt của các tác giả nữ song hành những đóng góp của tác giả nam tạo ra một bước chuyển mới với góc nhìn đa diện hơn, mới mẻ hơn trong hành trình khám phá thế giới.

Đức Tiến, Ảnh: Tổng hợp

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/du-ky-nu-buoc-chuyen-minh-trong-hanh-trinh-kham-pha-the-gioi-d72221.html