Dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới

Với nội dung sửa đổi dự kiến là 108/120 điều và bổ sung tới 32 điều mới, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này có phạm vi sửa đổi rộng, bổ sung nhiều nội dung mới.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế

Kết quả thảo luận tại tổ ngày 12/11, đã có 165 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và tại Hội trường ngày 15/11 là 21 ý kiến phát biểu. Trên cơ sở các ý kiến mà đại biểu Quốc hội quan tâm, về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Tổng cục Thuế đã tổng hợp nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo đó, về tính đồng bộ pháp luật, Dự thảo Luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tiếp thu các quy định Luật hiện hành, bổ sung và cập nhật các quy định mới đảm bảo đồng bộ với các Luật liên quan như: Ngân sách Nhà nước, thanh tra, kiểm toán Nhà nước, xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các tổ chức tín dụng, kế toán… để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật. Việc rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này sẽ còn được tiếp tục để phù hợp với các luật khác liên quan.

Trong khi đó, xét về tính cụ thể, Dự thảo Luật đã quy định tối đa, chi tiết các nội dung. Trong thời gian tới, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để hoàn thiện thêm những nội dung có thể quy định chi tiết. Tuy nhiên, đối với những vấn đề không dự báo hết (do sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới có nhiều thay đổi trong thời gian tới) cần thiết được Chính phủ quy định để đảm bảo vừa phù hợp với Luật này, vừa phù hợp với thực tế.

Nâng cao tính minh bạch, tăng cường giám sát của người dân

Để đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước: Mỗi khoản thu thuộc ngân sách phải được phản ánh vào ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật lần này thiết kế mở rộng phạm vi điều chỉnh và giao Chính phủ quy định cụ thể. Theo đó, tùy theo tính chất của khoản thu, Chính phủ sẽ quy định khoản thu này được nộp theo tháng hoặc theo quý, hoặc theo năm. Trên cơ sở đó mới có cơ sở xác định người có nghĩa vụ nộp có thực hiện nộp đúng hạn, hay nộp muộn, hay không nộp để áp dụng hình thức xử phạt cho phù hợp...

Để đảm bảo thời gian hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin đối với người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn...Ban soạn thảo đề nghị cho giữ như dự thảoLuật, theo đó Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, điểm đáng chú ý là Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách và các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau theo hướng: Tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, kiểm toán hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, không chồng chéo; đảm bảo quy định đúng Hiến pháp, không mâu thuẫn với Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán; phù hợp với tổ chức bộ máy Nhà nước; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện đúng pháp luật thuế, pháp luật quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh các ý kiến về nội dung: khoanh nợ, xóa nợ và thẩm quyền; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế và tài khoản ngân hàng thì một nội dung được thảo luận góp ý sôi nổi đó là Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.

Thực tế, đại đa số các hộ kinh doanh hiện nay đều là quy mô nhỏ, hoạt động theo mô hình gia đình gắn liền với các sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Do đó, để nâng cao tính minh bạch, tăng cường khả năng giám sát của người dân thì nhiều ý kiến cho rằng: “Rất cần thiết phải có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc xác định doanh thu và mức thuế khoán của hộ kinh doanh. Vấn đề này đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006. Theo đó, mỗi địa bàn đều phải thành lập một hội đồng tư vấn thuế do chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã/phường/thị trấn làm chủ tịch. Đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này nhằm mục đích nâng cao tính pháp lý và làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế để từ đó nâng cáo hiệu quả hoạt động của hội đồng tư vấn thuế”.

Chống chuyển giá, tránh thuế và quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Rất nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung chống chuyển giá, chống thất thu đặc biệt là vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là doanh nghiệp FDI và vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới.

Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành các quy định chống chuyển giá tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó cập nhật tương đối đầy đủ thông lệ quốc tế tốt nhất về chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tài chính ngân sách, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thêm cho quy định đầy đủ, rõ ràng đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Một số nội dung về chính sách thuế sẽ được nghiên cứu, bổ sung tại Luật về chính sách thuế trong thời gian tới.

“Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu và tăng cường quản lý, giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương. Tại dự thảo Luật đã thiết kế một số điều quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ hơn. Ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội để sửa đổi, hoàn thiện đảm bảo hiệu quả hơn”, Tổng cục Thuế cho biết.

Tràng An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/du-kien-sua-doi-bo-sung-nhieu-diem-moi_t114c1160n141408