Dự kiến sự kiện nổi bật trong nước và thế giới tuần từ 1/3 đến 7/3

Tuần đầu tiên của tháng 3, nhiều sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế sẽ diễn ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. (Ảnh: VGP)

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021

Trong tuần này, Thủ tướng sẽ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 bàn về vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19. Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sẽ diễn ra họp báo Chính phủ.

Hải Dương kết thúc cách ly xã hội

Dự kiến 0h ngày 3/3, Hải Dương sẽ kết thúc 15 ngày cách ly xã hội toàn tỉnh để phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Sáng nay (1/3), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sẽ họp đánh giá kết quả công tác phòng chống COVID-19 tại tỉnh từ đầu dịch, đặc biệt từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đồng thời thống nhất, quyết định các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Tính tới thời điểm hiện tại, Hải Dương ghi nhận 666 ca mắc trong đợt dịch này, có 6 ổ dịch ở TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành.

Hải Dương thực hiện phong tỏa TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Trong đó, TP Chí Linh chính thức phong tỏa, giãn cách xã hội từ 12h ngày 28/1, từ khi Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc tại Công ty POYUN.

Dự kiến ngày 3/3, Hải Dương sẽ kết thúc 15 ngày cách ly xã hội toàn tỉnh để phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Tổng điều tra kinh tế cả nước

Từ 1/3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ tổng điều tra kinh tế trên phạm vi cả nước.

Tổng điều tra kinh tế lần này chia làm 2 giai đoạn: Từ 1/3-30/5, Tổng cục Thống kê sẽ thu thập thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên.

Từ 1/7 đến 30/7, sẽ thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Dự kiến, kết quả sơ bộ của tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 12/2021 và công bố kết quả chính thức vào quý II năm 2022.

Học sinh đi học trở lại

Ngày 1/3, học sinh cấp mầm non, phổ thông nhiều địa phương sẽ đi học lại. Bên cạnh đó sinh viên nhiều trường đại học đi học bình thường sau hơn một tuần tạm nghỉ do COVID-19. Học sinh Hà Nội cũng trở lại trường học từ ngày 2/3.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trước khi cho học sinh đi học trở lại, các trường phải thực hiện việc phun khử khuẩn trường học, sát khuẩn bàn ghế, dụng cụ dạy học, sát khuẩn ô tô đưa đón học sinh, bố trí chậu rửa, xà phòng, nước sát khuẩn.

Học sinh Hà Nội sẽ trở lại trường từ thứ Ba tuần này.

Các trường phải phổ biến cho cha mẹ học sinh để hợp tác trong việc khai báo y tế, sàng lọc những trường hợp có liên quan tới vùng dịch hoặc người bị nhiễm dịch, kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi đến trường, chuẩn bị bình uống nước cá nhân để học sinh không dùng chung.

Khi tổ chức dạy học tại trường trở lại, Bộ yêu cầu các trường phải hạn chế tập trung đông người, tổ chức các hoạt động ngoài trời, khuyến cáo cán bộ, giáo viên, học sinh đeo khẩu trang khi đến trường.

Tiêm thử nghiệm vaccine Covivac trên người

Covivac được phát triển bởi Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế (Ivac). Đây là vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển trên người. Qua nghiên cứu cho thấy vaccine Covivac có thể chống được biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi.

Ngày 3/3, Bộ Y tế sẽ tiêm thử nghiệm vaccine Covivac trên người. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội với khoảng 120 người tham gia. Họ có độ tuổi từ 18-59 tuổi, cả nam và nữ, được tiêm 2 mũi/0,5 ml (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

Công bố kết quả kiểm định lô 117.000 liều vaccine AstraZeneca

Ngày 4/3, Bộ Y tế sẽ công bố kết quả kiểm định lô 117.000 liều vaccine AstraZeneca.

Vaccine lần này được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam với số lượng hơn 117.000 liều. Số vaccine trên dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những người nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.

Sau khi lô vaccine AstraZeneca về Việt Nam, Viện kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đã lấy mẫu để kiểm định, đánh giá lại chất lượng vaccine trước khi tiêm cho người.

AstraZeneca là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Vaccine sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường tinh tinh được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.

Xét xử Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi

Vụ việc quân đội Myanmar bắt giữ bà Suu Kyi trở thành nguồn cơn giận dữ trong dân chúng nước này. Đã 3 tuần kể từ khi vụ việc xảy ra, người dân Myanmar liên tục xuống đường biểu tình chống lại nhà nước quân đội, đồng thời yêu cầu thả bà Suu Kyi.

Đến tối 28/2, ít nhất 7 người chết trong cuộc biểu tình khi cảnh sát nổ súng và sử dụng các biện pháp khác như lựu đạn choáng, hơi cay để giải tán đám đông.

Ngày 1/3, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ bị đưa ra xét xử.

Ngày 1/3, bà Suu Kyi sẽ ra tòa vì các cáo buộc liên quan đến việc nhập khẩu trái phép máy bộ đàm và vi phạm luật phòng chống thảm họa do vi phạm các hạn chế về COVID-19. Nếu bị kết tội, bà có thể bị ngăn cản tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai.

Phúc Khánh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/du-kien-su-kien-noi-bat-trong-nuoc-va-the-gioi-tuan-tu-1-3-den-7-3-ar598566.html