Cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hơn nhờ được hỗ trợ trực tuyến

Trao đổi với phóng viên về công tác hỗ trợ của cơ quan thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc ngành Thuế tổ chức hỗ trợ trực tuyến giúp cho cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy yên tâm khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

PV: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa qua ngành Thuế cũng như nhiều cục thuế đã tổ chức hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế bằng hình thức trực tuyến. Ông đánh giá như thế nào về cách làm này của cơ quan thuế các cấp?

Ông Hoàng Quang Phòng

Ông Hoàng Quang Phòng: Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của ngành Thuế nói chung và Cục Thuế TP. Hà Nội nói riêng trong tổ chức hỗ trợ trực tuyến để hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế hiểu đúng các quy định của pháp luật về thuế, qua đó thực hiện quyết toán thuế năm 2021 một cách thuận lợi.

Tại buổi hỗ trợ trực tuyến, những vấn đề vướng mắc, kể cả những tình huống nghẽn mạng… trong quá trình làm thủ tục quyết toán thuế cũng được cơ quan thuế giải đáp, hỗ trợ một cách kịp thời. Khi cơ quan quản lý thuế và doanh nghiệp, người nộp thuế hiểu được nhau rồi, có sự hợp tác chặt chẽ với nhau, thì việc quyết toán thuế sẽ trở nên dễ dàng.

PV: Vừa qua Tổng cục Thuế cũng như Cục Thuế TP. Hà Nội đã tổ chức hỗ trợ trực tuyến về quyết toán thuế, xin ông cho biết các thông tin về chính sách thuế, cũng như các quy định liên quan đến quyết toán thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp tiếp nhận như thế nào?

Ông Hoàng Quang Phòng: Tại các buổi hỗ trợ trực tuyến, cơ quan thuế cơ bản đã thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách thuế mới, cũng như thủ tục kê khai quyết toán thuế đến cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế. Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về chính sách thuế, nhất là các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đã được ngành Thuế ghi nhận và đề xuất sửa đổi.

Ảnh minh họa

Việc ngành Thuế, cũng như Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức các buổi hỗ trợ trực tuyến đã tạo cơ hội, môi trường tương tác rất hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện thiện chí, cũng như sự tận tâm lắng nghe, tận tình hướng dẫn của cơ quan thuế các cấp. Nói cách khác, văn hóa ứng xử, văn hóa chia sẻ, văn hóa cảm thông của ngành Thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người nộp thuế nói chung trong việc thực hiện quyết toán thuế, làm cho cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy yên tâm khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, nâng cao tính tuân thủ trong việc thực hiện pháp luật thuế trong thời gian tới.

PV: Thời gian qua nền kinh tế đã chuyển sang thích ứng linh hoạt với tình hình mới của dịch bệnh. Ông đánh giá sự linh hoạt trong cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?

Ông Hoàng Quang Phòng: Có thể nói, những chính sách hỗ trợ về thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian qua rất kịp thời. Các chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống thể hiện sự linh hoạt, hiệu quả đối với mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Linh hoạt trong chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp

“Chúng tôi mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các cơ quan có liên quan theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, có ứng phó kịp thời, linh hoạt hơn. Việc hỗ trợ phải kịp thời thì doanh nghiệp mới sớm trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường; giúp người lao động tìm được việc làm trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo rằng cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người lao động đều được thụ hưởng từ những chính sách của Chính phủ” - ông Hoàng Quang Phòng đề xuất.

Mới đây, chúng ta cũng chứng kiến sự mở cửa du lịch trở lại. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay khi có nghị quyết của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn đã từng bước được triển khai, tiếp cận với các chính sách trước khi dịch bệnh xảy ra. Công tác chống dịch vẫn được các cấp, các ngành triển khai một cách nghiêm túc, vì chúng ta chưa biết khi nào dịch mới kết thúc, việc sống chung với dịch là việc chúng ta phải tính đến. Do đó, các cơ quan quản lý, cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiểu được điều đó và từng bước triển khai rất hiệu quả chính sách này.

PV: Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã được Quốc hội ban bành, trong đó có 5 nội dung hỗ trợ về thuế. Hiện có 3 nội dung đã được Chính phủ ban hành. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2021 và tới đây là chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2022 đang được trình Chính phủ, thưa ông?

Ông Hoàng Quang Phòng: Tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói chung và chính sách hỗ trợ về thuế thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời. Chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất là chính sách rất tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân rất hoan ngênh.

Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, cơ quan thuế phải thực hiện các nhiệm vụ quản lý thu, chống thất thu ngân sách. Do đó, cơ quan thuế rất cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng cần phải có các chính sách cụ thể để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động bình thường, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp nối mạch tăng trưởng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp mới có thể có điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế tốt nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-dong-doanh-nghiep-yen-tam-hon-nho-duoc-ho-tro-truc-tuyen-102480.html