Dự kiến chi 18,7 tỷ đồng để bảo vệ khẩn cấp đàn voi Nghệ An

Đó là con số đã được đưa ra tại Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn đàn voi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025 được tổ chức chiều 22/7, tại TP Vinh.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện Quỹ Bảo tồn Thiên niên WWF - Việt Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT; đại diện các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn Thiên nhiên và UBND các huyện liên quan.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội thảo nhằm bảo tồn khẩn cấp đàn voi tại Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội thảo nhằm bảo tồn khẩn cấp đàn voi tại Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Quần thể voi ở Việt Nam thuộc loài voi châu Á hiện chỉ còn ở 13 quốc gia và đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong số 13 nước châu Á, Việt Nam còn số lượng voi ít nhất và đang bị đe dọa tuyệt chủng rất cao.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp năm 2018, nước ta có khoảng 100 đến 130 cá thể voi và loài vật này được Chính phủ xếp vào Sách đỏ, ưu tiên bảo vệ cao nhất.

Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có “Đề án bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2020”, trong đó quy hoạch hoạch ít nhất 3 vùng ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã bao gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát (Nghệ An), VQG Yok Đôn (Đắk Lắk) và VQG Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai).

Đại biểu đại diện Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã Việt Nam, VQG Pù Mát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên và UBND các huyện dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Nghệ An, quần thể voi hoang dã còn khoảng 13 - 14 cá thể chia thành 4 đàn nhỏ, phân bố tại 2 khu vực là VQG Pù Mát và phụ cận; vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

Để bảo tồn đàn voi, năm 2013, Nghệ An đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, trên cơ sở xây dựng được gần 29 km đường tuần tra rừng, 3 trạm dừng chân, 2 chòi canh lửa, 4,43 km hào ngăn voi bằng đá hộc đã có tác dụng ngăn chặn voi ra phá hoại hoa màu nhà của nhân dân. Từ năm 2013 đến nay không xảy ra hiện tượng voi bị săn bắn và đàn voi ở Pù Mát đã sinh thêm 2 cá thể nhỏ.

Những năm trước, đàn voi thường về phá hoại hoa màu, cây cối của người dân ở vùng đệm VQG Pù Mát, thuộc địa bàn huyện Anh Sơn, Thanh Chương. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông) giới thiệu một số thông tin, hình ảnh mới được phát hiện về đàn voi hoang dã trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội thảo, các đại biểu cung cấp thêm một số thông tin mới về đàn voi trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định dù kết quả bảo tồn đã đạt kết quả bước đầu đáng phấn khởi nhưng đàn voi Nghệ An vẫn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Trên cơ sở thảo luận, hội thảo xác định 12 hành động khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2025 và dành khoản kinh phí khoảng 18,7 tỷ đồng để các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh, là 1 trong 3 tỉnh của cả nước còn số lượng đàn voi trên 10 cá thể, tỉnh Nghệ An giao Vườn Quốc gia Pù Mát bổ sung, hoàn thiện Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt; các sở, ngành liên quan tham mưu cơ chế bố trí kinh phí để giữ và tạo vùng đệm, sinh cảnh cho voi sinh tồn; hỗ trợ lực lượng phản ứng nhanh và người dân bị thiệt hại mùa màng do voi phá hoại. Cùng đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân phòng tránh, giảm thiểu xung đột với đàn voi dẫn đến nguy cơ voi bị giết hại.

Nguyễn Hải

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/du-kien-chi-187-ty-dong-de-bao-ve-khan-cap-dan-voi-nghe-an-249324.html