Dự kiến cắt giảm thêm 101 dòng hàng nông nghiệp phải kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tiếp tục cắt giảm thêm 101/1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu trước thông quan (đạt tỷ lệ là 5%).

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2018 đến nay Bộ đã cắt giảm 5.054/7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, đạt 65%.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện việc sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT về bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng như đảm bảo phù hợp, thống nhất với các văn bản mới.

Hiện dự thảo Thông tư đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ ban hành trong quý I/2021. Theo đó, Bộ dự kiến tiếp tục cắt giảm thêm 101/1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu trước thông quan (đạt tỷ lệ là 5%).

Như vậy, tổng cộng số lượng dòng hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông qua thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giảm 70% so với năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát có 11 nhóm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Nhóm sản phẩm là giống cây trồng đã đủ tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn (QCVN) để quản lý chất lượng.

Hiện nay, Bộ vẫn đang tiếp tục rà soát sửa đổi các QCVN, TCVN hiện có, bổ sung xây dựng mới để quản lý nhóm cây trồng chủ lực theo quy định của Luật Trồng trọt.

Nhóm sản phẩm hàng hóa là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hàng hóa phải kiểm dịch thực vật đã có đủ QCVN, TCVN cho các chỉ tiêu, hoạt chất/vi sinh vật chính, phổ biến.

Bộ tiếp tục hoàn thành QCVN về kiểm dịch thực vật và xây dựng các tiêu chuẩn khung để quản lý theo nhóm đối tượng và nhóm hoạt chất; sửa đổi quy định để kiểm tra theo hoạt tính của vi sinh vật thay cho việc tính đến loài/chi/giống cụ thể như hiện nay.

Nhóm sản phẩm hàng hóa là thuốc thú y đã có QCVN, TCVN để quản lý; xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn về phương pháp kiểm nghiệm vắc xin.

Nhóm sản phẩm hàng hóa là sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã có QCVN, TCVN để quản lý thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn về phương pháp thử.

Nhóm động vật, sản phẩm động vật phải kiểm dịch và kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đã có nhiều TCVN được công bố, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện thêm, đặc biệt đối với nhóm các tiêu chuẩn về phương pháp 2 thử cho bệnh động vật, nhóm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Đối với danh mục sản phẩm hàng hóa là động vật thủy sản, mặc dù đã ban hành một số QCVN, nhưng số lượng giống thủy sản chưa được quản lý bằng quy chuẩn vẫn còn nhiều. Ngoài ra, để có kế hoạch tổng thể và lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý nhà nước của ngành, việc xây dựng danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ được Bộ ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Nhằm phục vụ kiểm tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 611 TCVN và 83 QCVN.

Bên cạnh đó, với phương châm áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, trong lĩnh vực kiểm dịch, Bộ đã cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu để kiểm tra và giảm 80% chi phí kiểm tra.

Với động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thay vì 100% lô hàng sản phẩm động vật chế biến phải lấy mẫu, nay đã thực hiện giảm tần suất từ 5 lô lấy mẫu 1 lô, đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm 80% chi phí. Bên cạnh đó, cho phép chủ hàng được đưa hàng về kho bảo quản để tránh lưu kho bãi tại cảng.

Bộ cũng đã cắt giảm rất nhiều chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản. Chẳng hạn nhóm sản phẩm động vật thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh đã cắt giảm 33,33% chỉ tiêu kiểm tra; sản phẩm động vật thủy sản chế biến cắt giảm 50% chỉ tiêu kiểm tra.

Với hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ đã thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra lô hàng khi nhập khẩu, đó là giảm tối đa số lô sản phẩm phải kiểm nghiệm. Theo đó, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ, trừ trường hợp có cảnh báo và trường hợp sản phẩm ra thị trường mà phát hiện sai phạm thì sẽ áp dụng phương thức kiểm soát chặt./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-kien-cat-giam-them-101-dong-hang-nong-nghiep-phai-kiem-tra-chuyen-nganh-nhap-khau/184460.html