Nước nào dẫn đầu cuộc đua về tốc độ tàu hỏa?

Tàu hỏa không thể bay qua đại dương như máy bay, nhưng điều đó không có nghĩa là tàu hỏa không thể di chuyển nhanh như máy bay. Tàu hỏa L0 Series Maglev của Nhật Bản hiện giữ kỷ lục thế giới, với tốc độ 602 km/h, có thể vượt quãng đường New York - Montreal trong chưa đầy một giờ.

Cuộc đua tốc độ tàu hỏa

Kể từ khi phát minh ra đầu máy hơi nước vào năm 1802, tàu hỏa đã trở thành một động lực phát triển xã hội và kinh tế. Được phát minh ở Anh vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp, tàu chạy bằng hơi nước đã mang lại cho đế chế Anh lợi thế trong việc vận chuyển hàng hóa và con người. Sau đó, nó lan rộng khắp thế giới khi các quốc gia khác đua nhau xây dựng mạng lưới đường sắt để phục vụ mục đích vận chuyển và thương mại.

Tàu L0 Series Maglev, Nhật Bản. Nguồn: japantimes.co.jp

Tàu L0 Series Maglev, Nhật Bản. Nguồn: japantimes.co.jp

Người ta cũng cố gắng chế tạo các đoàn tàu có tốc độ nhanh hơn. Nhật Bản bắt đầu cuộc cách mạng tàu cao tốc và hiện nước này vẫn đứng đầu bảng xếp hạng. Tōkaidō Shinkansen của Nhật Bản là hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên đạt tốc độ trên 200 km/h vào năm 1964. Mặc dù tàu cao tốc nhanh nhất (tàu N700A Shinkansen) có thể đạt tốc độ tối đa 300 km/h, sự phát triển công nghệ mới (maglev - bay bằng từ trường) đang phá vỡ kỷ lục tốc độ. Tàu L0 Series Maglev của Nhật Bản vẫn đang được sản xuất, nhưng với kỷ lục tốc độ trên đất liền 602 km/h, đây là tàu nhanh nhất thế giới.

Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, quốc gia đã có mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới và đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đã có một tàu maglev đang hoạt động - Shanghai Maglev, kết nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế. Chuyến tàu mới nhất được công bố vào tháng 7/2021 của Trung Quốc đã đạt được tốc độ trên đất liền 600 km/h.

Những tàu hỏa nhanh nhất trên thế giới

AGV Italo, Italy - 260 km/h

Chuyến tàu đầu tiên trong Dòng AGV, Italo AGV đi vào hoạt động vào tháng 4/2012. Đoàn tàu này hoạt động với tốc độ cao nhất là 300 km/h trên các tuyến cao tốc khác nhau của Italy. Tuy nhiên, trên thực tế, AGV có thể chạy tới 360 km/h. Hành khách của các chuyến tàu AVG Italo có thể đi giữa Rome và Naples chỉ trong một giờ.

Siemens Velaro, Spain - 400 km/h

Công ty Siemens có trụ sở tại Đức đã phát triển tàu cao tốc thông thường nhanh nhất thế giới, đưa vào vận hành năm 2006. Năm biến thể của đoàn tàu này bao gồm Velaro E, Velaro RUS, Velaro e320, Velaro D và Velaro CRH3. Velaro CRH3 và Velaro E đang hoạt động tại Trung Quốc và Tây Ban Nha. Velaro RUS, Velaro D và Eurostar sẽ hoạt động tại Nga, Đức, Anh và trong tương lai, có thể hoạt động trong thời tiết băng tuyết.

Frecciarosa 1000, Italy - 400 km/h

Italy đã thiết kế Frecciarosa 1000 với tốc độ tối đa 400 km/h và tốc độ thương mại cao là 350 km/h. Tàu cao tốc mới nhất bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên từ Milan đến Rome ngày 25/4/2015. Đây cũng là tàu ít tạo ra tiếng ồn hơn. Frecciarossa 1000 là tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới đạt được Tuyên bố Sản phẩm Môi trường (EPD) vì nó có thể hạn chế phát thải CO2. Nó cũng sử dụng các hệ thống điện tử ERTMS/ETCS để điều khiển tàu nhằm loại bỏ lỗi do con người gây ra.

Fuxing Hao CR 400AF/BF, Trung Quốc - 420 km/h

Tàu CR400AF có thân được sắp xếp hợp lý để có lực kéo thấp và tốc độ cao. Năm 2015, Trung Quốc chính thức đưa tàu cao tốc Fuxing Hao CR 400AF/BF vào hoạt động trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải. Tàu chỉ cần 4 giờ để chạy từ Bắc Kinh đến Hồng Kiều, Thượng Hải. Người ta gọi CR 400 AF là ‘Cá heo xanh’ và CR 400 BF là ‘Phượng vàng’.

HEMU-430X, Hàn Quốc - 430 km/h

Đây là tàu cao tốc thử nghiệm của Hàn Quốc được thiết kế cho tốc độ lên đến 430 km/h. Tuy nhiên, nó đã đạt được tốc độ 420 km/h trong một lần chạy thử nghiệm vào ngày 31/3/2013. Điểm mới nhất của đoàn tàu này so với các đoàn tàu cao tốc cũ chủ yếu là phân bổ lực kéo.

Tốc độ cao này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới, sau Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc phát triển tàu hỏa nhanh nhất chạy trên 420 km/h. Các phiên bản thương mại của tàu hỏa bao gồm EMU-260 và EMU-320. Hàn Quốc sẽ bàn giao các phiên bản này cho Korail vào năm 2020-2021. Ngoài ra, ngày 17/5/2012, Hà Quốc đã cho ra mắt HEMU-430X, đạt tốc độ 430 km/h.

Shanghai Maglev, Trung Quốc - 432 km/h

Tàu Shanghai Maglev, Trung Quốc. Nguồn: themysteriousworld.com

Đây là đầu tàu từ trường giúp hành khách đi từ Sân bay Quốc tế Phố Đông đến trung tâm thành phố. Tốc độ 432 km/h của tàu này sẽ khiến hành khách cảm thấy ấn tượng và có một trải nghiệm thú vị. Năm 2003, sách Kỷ lục Guinness đã ghi danh nó là đoàn tàu nhanh nhất thế giới được sử dụng cho mục đích thương mại. Mức tiêu thụ năng lượng của nó chỉ bằng một nửa so với xe buýt và một phần tư so với máy bay. Các đoàn tàu không chạm vào đường ray nên âm thanh êm hơn các đoàn tàu khác. Giống như một chiếc máy bay, nó có nội thất rất hiện đại, sạch sẽ và thoải mái.

Harmony CRH 380A, Trung Quốc – 486 km/h

Tàu Harmony CRH 380A, Trung Quốc. Nguồn: themysteriousworld.com

Trung Quốc đã thiết kế CRH380A để hoạt động với tốc độ hành trình 350 km/h và tốc độ tối đa 380 km/h, phục vụ trên tuyến đường giữa Thượng Hải và Nam Kinh. Tàu chế tạo từ hợp kim nhôm trọng lượng thấp với đầu cá phía trước làm giảm áp suất khí động học, thân tàu không rung giúp hành khách thoải mái hơn. Trung Quốc cũng kết hợp các đoàn tàu này với công nghệ kiểm soát tiếng ồn tiên tiến như vật liệu cách nhiệt và hấp thụ âm thanh mới trong chế tạo nó. Tàu CRH 380A có thể chở khoảng 494 hành khách.

TGV POS, Pháp – 575 km/h

Tàu TGV POS, Pháp. Nguồn: themysteriousworld.com

Alstom đã chế tạo tàu TGV này cho công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) phục vụ trên các tuyến đường sắt cao tốc của Pháp. Bên cạnh đó, TGV POS kết nối Pháp với miền Nam nước Đức và Thụy Sĩ. Ở Thụy Sĩ, nó chạy từ Basel đến Zurich và Vallorbe đến tuyến Lausanne xuất phát từ Paris. Tàu POS 4402 đã lập kỷ lục tốc độ thế giới mới vào ngày 3/4/2007.

CRRC Qingdao Sifang Trung Quốc, chưa có tên chính thức - 600 km/h

Tàu Qingdao Sifang, Trung Quốc. Nguồn: asia.nikkei.com

Đoàn tàu cao tốc “lơ lửng” trên đường ray bằng cách sử dụng lực bay từ trường có thể nhanh chóng đạt vận tốc 600 km/h, khiến nó nhanh hơn so với di chuyển bằng máy bay... Từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, thời gian chuẩn bị cho chuyến hành trình mất khoảng 4,5 giờ bằng máy bay, khoảng 5,5 giờ bằng đường sắt cao tốc và chỉ khoảng 3,5 giờ với tàu cao tốc maglev này. Tổng công ty Cổ phần Đường sắt Trung Quốc (CRRC) của Trung Quốc thiết kế, dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm 2021.

L0 Series Maglev, Nhật Bản - 602 km/h

Có thể dễ dàng phân biệt nó bởi mũi tàu dài tới 15 m. Tính năng này giúp L0 Series Maglev giảm lực cản, tăng tốc độ và giảm tiêu thụ năng lượng. L0 Series Maglev giữ kỷ lục tốc độ trên mặt đất với tốc độ 602 km/h ngày 21/4/2015.

Đoàn tàu này đã phá kỷ lục tốc độ 580 km/h mà một tàu đệm khí khác của Nhật Bản là MLX01 thiết lập tháng 12/2003. Một trong những chuyến tàu nhanh nhất này sẽ bắt đầu hoạt động thương mại ở Tokyo và Osaka. Chuyến tàu này cũng chỉ mất 40 phút để chạy từ Tokyo đến Nagoya với quãng đường dài 290 km./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/nuoc-nao-dan-dau-cuoc-dua-ve-toc-do-tau-hoa-899528.vov