Du khách 'vỡ mộng', nhưng Việt Nam không có bổn phận phải hoàn hảo

Đừng đi khám phá một vùng đất mới với những ảo tưởng viển vông sẵn có trong đầu. Mọi điểm đến đều trở nên độc đáo bởi tất cả mặt xấu đẹp của nó.

Nhiều du khách quốc tế hay than phiền đến Việt Nam lúc này sẽ rất dễ “vỡ mộng”.

Họ "vỡ mộng" khi phát hiện Sài Gòn chỉ còn sót lại vài đường nét quá khứ với một số tòa nhà cũ kỹ. Thay vào đó là diện mạo của một thành phố sầm uất, sôi động bậc nhất và có chút hỗn loạn.

Họ "vỡ mộng" khi chứng kiến vẻ cổ kính, quyến rũ của Hội An cũng phải nhường chỗ cho hàng tá du khách nước ngoài đến tham quan. Hình ảnh khu phố cổ có nét gì đó hao hao những địa điểm du lịch nổi tiếng khác: Dòng người đứng chật kín các ngóc ngách, mặc những chiếc quần soóc ngắn thuận tiện đi chơi, chẳng thể che nổi đôi chỗ cháy nắng.

Không cần gắng gượng để hoàn hảo

Rất nhiều blogger trên khắp thế giới chia sẻ kinh nghiệm du lịch Việt Nam, đa phần dưới dạng liệt kê ưu và nhược điểm. Những phàn nàn, chê bai chủ yếu xoay quanh các mánh khóe móc tiền, lừa gạt du khách của dân bản địa, thói vô kỷ luật khi xếp hàng, người dân vô tư ngoáy mũi, ghế ngồi quá nhỏ, đường phố ngập tràn xe máy và đến ly cà phê đen cũng có vị ngọt kỳ cục.

Những điều “xấu xí” được nhắc đến đều mang tính chất ý kiến cá nhân, song vô tình trở thành “mẫu số chung” về Việt Nam trong mắt số đông.

Tất nhiên, các du khách hoàn toàn có quyền bày tỏ mức độ yêu ghét về nơi họ đặt chân đến. Những review đánh giá cá nhân thường được tin tưởng và sử dụng nhiều hơn cả các quyển sách hướng dẫn du lịch thông thường.

Song, những mặc định trong tâm thức dễ hình thành định kiến, mà định kiến thì không phản ánh đúng sự thật. Chân dung của một xã hội hay đất nước không thể khắc họa bằng một vài thiên kiến chủ quan.

Không phải người Việt nào cũng có những thói xấu như lừa gạt hay vô tư ngoáy mũi chốn đông người. Những mặt chưa tốt của Hà Nội, Sài Gòn thực chất có thể tìm thấy ở khắp các thành phố hiện đại, xa hoa hơn như Paris, New York hay London.

Lừa đảo, móc túi hay thức ăn dở tệ đâu có chọn riêng chốn nào để tồn tại. Việt Nam không phải là một điểm đến hoàn hảo và cũng không cần phải gắng gượng toàn diện về mọi mặt.

Lừa đảo, móc túi hay thức ăn dở tệ đâu có chọn riêng chốn nào để tồn tại. Như mọi địa điểm khác trên thế giới, Việt Nam không phải là một điểm đến hoàn hảo và Việt Nam cũng không cần phải gắng gượng toàn diện về mọi mặt.

Ngược lại, mọi điểm đến đều trở nên độc đáo bởi tất cả mặt xấu đẹp của nó.

Có một điểm chung là mỗi khi đi du lịch, chúng ta luôn chất đầy trong vali các món đồ cần thiết - từ bộ đồ tắm, mắt kính râm cho đến đôi giày leo núi.

Khó nhận ra, nhưng chúng ta còn mang theo cả cảm giác háo hức, sự lo lắng và niềm mong đợi bên mình - những cảm xúc vô hình luôn song hành trên hành trình.

Và theo sở thích, mỗi người sẽ chọn một hình thức du lịch khác nhau. Có người ưa nằm sưởi nắng giữa cát vàng biển xanh; có người chuộng tham gia các buổi tiệc sôi động với bạn bè; người khác lại lặn lội đường xa đến một miền đất xa lạ để tìm hiểu văn hóa địa phương.

Chính sự hứng thú cùng những mong đợi của bản thân là lý do đầu tiên khiến chúng ta đặt vé máy bay lên đường.

Song, ngay tại thời điểm máy bay hạ cánh đến vùng đất mới, khi cơ trưởng cất tiếng thông báo về thời tiết bên ngoài, cũng là lúc những vị khách đối mặt với một sự thật: Chẳng có nơi nào đáp ứng mọi viễn cảnh chúng ta tự vẽ lên trong đầu.

Không, mọi thứ sẽ không thể đẹp mộng mơ như trong những thước phim hoành tráng quay toàn cảnh từ trên cao.

Lẽ thường tình, những trải nghiệm không phải lúc nào cũng tốt đẹp và du khách ít nhiều cảm thấy thất vọng. Thế nhưng, thực tế khó bao giờ đáp ứng được hết các kỳ vọng.

Du khách chắc chắn sẽ thất vọng theo cách này hay cách khác và phần lớn kỳ vọng sẽ nhanh chóng tan biến như đá viên tan chảy trong ly nước.

“Ảo tưởng viển vông” sẵn có trong đầu

Gần đây, tôi có đọc cuốn sách Phong cách Đông Dương trong văn học Pháp từ năm 1860, xuất bản lần đầu năm 1934. Tác giả là Louis Malleret - một trí thức người Pháp đặt chân đến Việt Nam vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước.

Trước trở thành người đứng đầu Viện Viễn Đông Bác Cổ, ông từng có quãng thời gian làm thủ thư tại trung tâm chuyên nghiên cứu về Đông Phương Học này. Bắt tay với các nhà nghiên cứu trong nước, Malleret từng thực hiện nhiều cuộc khai quật, tìm kiếm khảo cổ tại miền nam Việt Nam.

Là người bỏ nhiều công sức nghiên cứu các tác phẩm của Pháp viết về chủ đề Đông Dương trong thời kỳ thuộc địa, ông đi đến một kết luận: Người Pháp khó có khả năng thấu hiểu tường tận nền văn hóa bản địa. Lý do cốt lõi: Họ thường có một “dán nhãn” mặc định sẵn về các quốc gia khác với một vài đặc điểm tiêu biểu, dễ nhận dạng.

Trong mắt độc giả quốc tế, hình ảnh Việt Nam đa phần hiện lên với công thức: Một đất nước sở hữu nhiều cảnh quan tươi đẹp cùng những bóng người bước đi thấp thoáng với chiếc nón lá trên đầu.

Trong phần lớn các cuốn sách, các nhà văn chỉ tập trung miêu tả vài tính cách, mẫu người điển hình của người dân địa phương. Tâm lý con người chỉ được xây dựng bằng vài đường phác họa hời hợt, đôi khi còn sai sự thực.

Trong mắt độc giả quốc tế, hình ảnh Việt Nam đa phần hiện lên với công thức rập khuôn: Một đất nước sở hữu nhiều cảnh quan tươi đẹp cùng những bóng người bước đi thấp thoáng với chiếc nón lá trên đầu. Hoặc không cũng sẽ là một vùng đất đầy mê hoặc với những bầy voi, đàn hổ, nằm đâu đó ở châu Á xa xôi - nơi những con người phương Tây chẳng cần bận tâm đến những mối lo trong cuộc sống nữa.

Trên thực tế, hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hay những người phụ nữ đội nón lá tần tảo bước đi trên những cánh đồng đã xuất hiện hàng thế kỷ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khi mỗi người “đóng khung” suy nghĩ của mình bằng vài chi tiết thường thấy, chính chúng ta vô tình tự bó hẹp khả năng tìm hiểu hết sự đa dạng và phong phú của một nền văn hóa.

Mặt khác, Malleret cũng nhận ra những định kiến cá nhân có thể khiến người khác tự phép cho mình quyền đánh giá thấp những con người có nguồn gốc khác biệt với họ. Lối nghĩ ấy có thể xảy ra với bất kỳ miền đất nào khác, không riêng gì Việt Nam.

Bằng cách chỉ ra thực tế ấy, Malleret đã đi trước thế hệ đương thời. Điều ông đúc kết có nhiều nét tương đồng với những gì được đề cập đến trong cuốn Đông Phương Học của học giả người Mỹ gốc Palestine Edward Said, phát hành năm 1978 - tác phẩm văn học mang tính học thuật quan trọng hàng đầu vào thế kỷ 20.

Đã 85 năm trôi qua từ khi cuốn sách của Louis Malleret ra đời. Ngành du lịch của Việt Nam cũng khoác lên mình diện mạo mới, đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018.

Ngày nay, những hiểu biết về các nền văn hóa và các quốc gia khác không chỉ đến từ nguồn tư liệu sách vở, báo chí như thời của Louis Malleret. Nhiều phương tiện khác như tivi, phim ảnh, quảng cáo và cả mạng xã hội cùng nhiều blog du lịch đem lại khả năng tiếp cận thông tin nhiều chiều cho bất cứ ai. Cũng chính nhờ vậy, chúng ta có quyền tự do thể hiện ý kiến từ những trải nghiệm bản thân.

Du lịch nên là hình thức trải nghiệm, khám phá thay vì trông mong mọi kỳ vọng được thỏa mãn. Đó chẳng phải là lý do đầu tiên khiến chúng ta xách hành lý lên đường đó sao?

Nhưng dường như, khi thoải mái nói lên quan điểm, cũng là lúc ta vô tình lan rộng những “sự thật phiến diện”. Và thế là những người lên đường sau đó, họ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Điều tôi học được từ cuốn sách của Louis Malleret là chúng ta không phải lúc nào cũng phân biệt được những giá trị của một nền văn hóa với những “ảo tưởng viển vông” sẵn có trong đầu mỗi người.

Nhưng rồi ai cũng sẽ nhận được nhiều bất ngờ thú vị, nếu họ chịu mở lòng đón nhận.

Tâm trí để "rỗng" và trái tim rộng mở

Thích nghi, phá lên cười với những điều lạ lẫm. Hiểu lầm khi tiếp xúc, trò chuyện với người dân địa phương. Hạ thấp mong đợi, tận hưởng tối đa từng vẻ đẹp nhỏ bé trên mỗi cung đường.

Đó mới là cách chúng ta nên làm để rũ bỏ những mộng tưởng trước đó và chắc chắn, mỗi người sẽ càng ngạc nhiên trước “phiên bản thực tế” được tận mắt chứng kiến.

Du lịch nên là hình thức trải nghiệm, khám phá thay vì trông mong mọi kỳ vọng được thỏa mãn. Đó chẳng phải là lý do đầu tiên khiến chúng ta xách hành lý lên đường đó sao?

Ở Pháp, tôi từng có dịp nói chuyện với một cô gái từng đến thăm Việt Nam. Cô chê bai người Việt chẳng mấy tốt bụng, cũng chẳng thân thiện bằng những người Lào, người Campuchia cô từng tiếp xúc trước đó.

Không đồng tình, tôi bèn đáp lại: “Người Pháp cũng đâu có thích khách du lịch. Vậy người Việt Nam đâu có nghĩa vụ phải nồng hậu với bạn?”.

Có lẽ, gói ghém trong “chiếc va li” của chúng ta mỗi lần lên đường nên là một tâm trí để “rỗng” cùng trái tim rộng mở và niềm háo hức trước những điều sẽ gặt hái sau mỗi chuyến đi.

Louis Raymond
Illustration: Hà My Biên dịch: Trà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/du-khach-vo-mong-nhung-viet-nam-khong-co-bon-phan-phai-hoan-hao-post958868.html