Du khách sẽ quay lưng

Động thái mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc Ban Quản lý vịnh Hạ Long dự kiến tăng phí tham quan vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là yêu cầu tạm dừng ý định này.

Chỉ đạo này được đưa ra với lý do nhằm bảo đảm kích cầu du lịch hiệu quả, thu hút khách đến Hạ Long, Quảng Ninh, đặc biệt là vào mùa đông.

Ý định tăng phí tham quan của Ban Quản lý vịnh Hạ Long ngay khi vừa đưa ra đã bị các doanh nghiệp du lịch và du khách phản ứng gay gắt, khi dự kiến mức tăng cao nhất hơn 60%.

Dự thảo tăng phí tham quan "đến tai" các công ty du lịch vào ngày 22-10 nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp góp ý bằng văn bản gửi về ban quản lý chậm nhất là 16 giờ 30 phút ngày 25-10, tức chỉ 3 ngày sau khi phát hành văn bản. Thậm chí, nhiều công ty du lịch không nhận được văn bản này mà chỉ biết được qua đối tác là các tàu thuyền đang khai thác trên vịnh.

Nếu được thông qua, theo dự thảo của ban quản lý vịnh, mức phí tham quan qua đêm cao nhất như lên tới 1,2 triệu đồng/khách. Đây được xem là mức phí tham quan gần như… đắt nhất thế giới so với các điểm đến tương tự. Mức tăng sốc này ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp du lịch và du khách, thậm chí gần như "đóng cửa" vịnh đối với nhiều người Việt và những du khách nước ngoài ít tiền.

Đây không phải lần đầu tiên điểm đến vịnh Hạ Long tăng phí và mức tăng quá cao này thể hiện tư duy "thích thì tăng, một mình một chợ". Thông thường, khi một điểm đến muốn tăng phí tham quan thì cần có sự cải thiện, như cầu cảng đẹp hơn, hang động được mở nhiều hơn, có thêm bãi tắm, không còn rác… Như vậy, du khách trả tiền mới không cảm thấy ấm ức. Còn hiện tại, chất lượng du lịch vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long vẫn không thay đổi, nhiều bất cập vẫn chưa được xử lý, rác vẫn vương vãi khắp nơi, bãi tắm cho khách thì ít hơn. Dù tuyến 4 có nhiều bãi tắm đẹp nhưng khách lại không được tắm.

Nếu phí tăng quá cao, du khách sẽ quay lưng để chuyển sang điểm đến khác cũng đẹp mà giá hợp lý hơn. Không cần đâu xa, sát bên vịnh Hạ Long là Cát Bà, cảnh đẹp không thua và mức phí hợp lý.

Du lịch Campuchia có nguồn thu chủ yếu từ điểm đến nổi tiếng thế giới là Angkor nhưng không có chuyện thích thì tăng phí, mà theo lộ trình 5-10 năm mới điều chỉnh một lần và báo trước từ 1-2 năm để doanh nghiệp du lịch có sự chuẩn bị.

Trở lại câu chuyện của vịnh Hạ Long, trong lần tăng phí trước đây, địa phương cũng giải thích là sẽ dùng nguồn thu này để cải thiện môi trường nhưng đến nay tình hình vẫn không thay đổi nhiều. Vậy những khoản thu của các đợt tăng phí trước dùng để làm gì, bao nhiêu phần trăm được trích lại cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tái đầu tư, cải thiện chất lượng điểm đến?

Nếu tăng phí là yêu cầu bắt buộc thì phải có lộ trình, đưa ra dự thảo sớm trước nhiều tháng để doanh nghiệp góp ý. Còn nếu tùy tiện tăng như hiện nay thể hiện cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng doanh nghiệp và du khách, thì không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế cũng sẽ quay lưng, tìm đến những địa danh ở các nước khác. Phải ứng xử với vịnh Hạ Long như hình ảnh quốc gia, nếu nó là tài sản quốc gia thì việc tăng giá cần được xem xét ở cấp bộ ngành, thậm chí là Chính phủ.

Muốn du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có Bộ Du lịch, quản lý ngành dọc từ trung ương đến địa phương, không tùy tiện và phụ thuộc vào cấp địa phương như hiện nay. Nếu không, chúng ta sẽ còn thua các nước láng giềng về du lịch.

PHẠM HÀ (CEO Luxury Travel)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/du-khach-se-quay-lung-2019102522423625.htm