Du khách ngoại 'thổi ngạt' bất động sản nghỉ dưỡng

Du khách quốc tế có thể sẽ trở lại mạnh mẽ thời gian tới mang đến nhiều hơn cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam nói chung, mảng bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Có thể vượt chỉ tiêu

Mở đầu câu chuyện về ngành du lịch Việt Nam, TS. Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một minh chứng cho thành công trong phát triển du lịch khi đang là điểm đến ưa chuộng trong khu vực, dù đi sau Thái Lan nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Nuno F. Ribeiro cũng cho hay, Việt Nam chưa đa dạng hóa các điểm đến, du khách chủ yếu tập trung tại một vài địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An… Đặc biệt, một thực trạng khá buồn đang diễn ra với ngành du lịch là không ít du khách quốc tế vẫn chỉ xem Việt Nam là nơi “đến một lần trong đời” mà chưa có kế hoạch quay lại.

Theo ông Nuno F. Ribeiro, để thu hút tốt hơn du khách quốc tế, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp trong cả ngắn, trung và dài hạn, trong đó tập trung vào các nội dung như rút gọn thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước, tăng thời hạn lưu trú, đầu tư nhiều hơn cho các điểm đến...

Từ góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, bà Nguyễn Thị Lê Hương, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Vietravel cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu đạt 8 triệu du khách quốc tế trong năm 2023 là một thách thức không nhỏ. Do đó, thay vì nghĩ đến hoàn thành con số mục tiêu, các thành viên thị trường nên tập trung vào việc làm thế nào để đưa khách du lịch trở lại.

Trong các lĩnh vực, du lịch nghỉ dưỡng là điều các doanh nghiệp du lịch có thể hướng tới thể thu hút nhiều hơn du khách chất lượng cao, tăng thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu từ du khách.

Theo bà Hương, Việt Nam cần phấn đấu trở thành một điểm đến ưa thích về du lịch nghỉ dưỡng từ lợi thế bờ biển dài, có nhiều danh lam, thắng cảnh. Việt Nam có thể tạo ra các điểm giải trí, nghỉ dưỡng lành mạnh, thu hút chi tiêu cho tất cả đối tượng du khách. Nhiều nước không có biển đang muốn tìm đến Việt Nam, nên cần xây dựng các chiến dịch truyền thông gắn với mục tiêu “mỏ neo” này và du lịch nghỉ dưỡng có thể sẽ là giải pháp giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn du khách quốc tế cũng như kéo dài mùa du lịch, thay vì chỉ từ tháng 4 đến tháng 9 như hiện nay.

Còn ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho rằng, với những diễn biến tích cực thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu 8 triệu du khách năm 2023, thậm chí có thể cao hơn với đích đến từ 10-12 triệu khách trong năm nay.

Theo ông Chính, có một vài xu hướng mới hình thành trên thị trường, chẳng hạn du khách ít đi theo đoàn mà đi theo nhóm nhỏ, khách lẻ ngày càng nhiều hơn, hay việc trước đây du khách hay chọn du lịch nhiều quốc gia thì nay chọn ở một quốc gia lâu hơn. Cùng với đó, xu hướng phục hồi của du lịch xanh, nghỉ dưỡng biển cũng ngày càng rõ nét hơn. Các doanh nghiệp du lịch có thể dựa vào sự thay đổi này để điều chỉnh và xây dựng các tour tuyến hợp lý, đáp ứng nhu cầu mới của du khách.

Cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng

Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua và hiện là lúc tích lũy để đón đầu sự phục hồi. Khi đó, một trong những phân khúc được hướng đến là bất động sản nghỉ dưỡng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lương Thị Ánh Sen, Phó giám đốc Công ty TNHH Nano Travel (Đà Nẵng) cho hay, tính đến hiện tại, thực trạng rao bán khách sạn tại Đà Nẵng đã giảm nhiều, thị trường lưu trú có sự phục hồi tốt, nhiều chủ khách sạn đang tập trung chuẩn bị đón khách quốc tế, nhất là dòng khách chủ lực từ Trung Quốc, cũng như các nhóm khách nội địa đến với lễ hội pháo hoa thời gian tới.

“Theo quan sát của tôi, giờ là lúc các chủ khách sạn chuẩn bị cho sự trở lại và kể cả khi dịch bệnh có tái diễn, với kinh nghiệm phòng chống dịch vốn có, mức độ ảnh hưởng tới các cơ sở lưu trú sẽ không quá lớn như trước đây”, bà Sen nói.

Còn theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, bất động sản vẫn luôn được xem là “ga cuối” của dòng tiền đầu tư. Với bối cảnh hiện tại, có thể nói giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua và hiện là lúc tích lũy để đón đầu sự phục hồi. Khi đó, một trong những phân khúc được hướng đến là bất động sản nghỉ dưỡng.

“Khi thị trường địa ốc cũng như du lịch phục hồi, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ nằm trong nhóm phân khúc được săn đón nhất”, ông Nga nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn, ông Phạm Văn Nam, chuyên gia đào tạo kinh doanh bất động sản cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc lên ngôi trong khủng hoảng. Ông Nam giải thích, trong giai đoạn thị trường trầm lắng, nhiều người có xu hướng đầu tư vào phân khúc này để có nơi thư giãn, giải trí sau những ngày làm việc căng thẳng, cùng với đó là tiềm năng tăng giá hoặc khai thác cho thuê khi thị trường phục hồi. Do đó, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn thời gian tới.

Trên thực tế, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, các thành viên thị trường đều đang mong chờ nhiều từ sự phục hồi của ngành du lịch, trong đó, khách quốc tế được xem là lực lượng quan trọng, dẫn dắt và mang đến sinh khí cho các khu du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú bởi mức chi tiêu cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn còn những tồn tại nhất định từ nhiều phía cản trở thu hút nguồn khách này, chẳng hạn như visa du lịch, năng lực của các chủ đầu tư, quản lý vận hành dự án du lịch, nghỉ dưỡng…

Ông Đặng Mạnh Phước, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn và Quản lý điểm đến (The Outbox Company) cho biết, có không ít rào cản gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các quốc gia khác cùng khu vực trong việc đón khách quốc tế, đó là năng lực phát triển sản phẩm, hiệu quả công tác truyền thông điểm đến hay khả năng thấu hiểu thị trường, cũng như các vấn đề liên quan đến nền tảng phát triển của ngành.

Còn theo ông Martin Koerner, Trưởng Tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Khách sạn, Eurocham, một kinh nghiệm quý báu mà ngành du lịch nói chung, các doanh nghiệp làm du lịch, khách sạn ở Việt Nam nói riêng có thể học hỏi, đó là nếu muốn mở rộng tệp khách hàng ở thị trường nào thì hãy bố trí ngân sách và tìm kiếm những tên tuổi lớn về truyền thông ở thị trường đó để “mở đường”.

“Truyền thông giữ một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút du khách. Nếu cần khách Nhật, châu Âu hay Mỹ, chúng tôi sẽ lựa chọn các đơn vị PR tên tuổi ở chính các thị trường đó để marketing, tiếp thị. Chẳng hạn, mới đây, chúng tôi mở một khách sạn mới tại Mũi Né và dùng đội ngũ PR chuyên nghiệp ở Chicago (Mỹ) để quảng bá khách sạn này tới truyền thông quốc tế, kết quả đem lại rất khả quan”, ông Martin Koerner thông tin.

“Bình thường mới” hoàn toàn trở lại đang khiến thị trường du lịch Việt Nam được quan tâm nhiều hơn. NusaTrip, công ty du lịch trực tuyến đầu tiên của Indonesia đã chính thức mở văn phòng tại TP.HCM. Bà Ngô Thị Châm, Tổng giám đốc Society Pass Việt Nam (chủ sở hữu NusaTrip) cho biết, có nhiều du khách quốc tế mong muốn khám phá hơn 3.000 hòn đảo tuyệt đẹp tại Việt Nam.

“Khu vực Đông Nam Á năng động và đa dạng là động lực cho sự phát triển của NusaTrip. Trong bối cảnh nền kinh tế duy trì sự ổn định, chúng tôi rất lạc quan về thị trường du lịch Việt Nam”, bà Châm nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/du-khach-ngoai-thoi-ngat-bat-dong-san-nghi-duong-318283.html