'Du khách không tin Covid-19 tồn tại ở Bali'

Mặc cho dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các influencer và du khách nước ngoài trên đảo Bali vẫn tụ tập tiệc tùng, không đeo khẩu trang, thách thức cảnh sát.

Zing trích dịch bài đăng trên VICE, đề cập đến tình trạng du khách nước ngoài thản nhiên vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh của chính phủ Indonesia và chính quyền đảo Bali.

“Nói thật, người dân bản địa cũng có quan tâm đến đại dịch đâu. Họ vẫn bình tĩnh, thoải mái sinh hoạt như mọi ngày mà”, một du khách vừa trở về từ một bữa tiệc trên đảo Bali (Indonesia) nói với VICE.

Khi mặt trời tắt bóng, các influencer và khách du lịch nước ngoài đang sinh sống tại Bali lại đổ về các quán bar, club để tiệc tùng thâu đêm suốt sáng.

Trong bầu không khí náo nhiệt và tiếng nhạc ồn ã, hàng chục người thản nhiên tụ tập nhảy múa, mặc kệ quy định phòng chống dịch bệnh do chính phủ Indonesia đề ra.

“Dường như du khách trên đảo không tin Covid-19 tồn tại. Họ thách thức cảnh sát khi được nhắc nhở đeo khẩu trang, tránh tập trung đông người. Chúng tôi mệt mỏi và khó chịu vì chẳng thể làm gì họ”, Suryanegara - cảnh sát địa phương - trả lời VICE.

 Mặc cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nước ngoài lưu trú tại đảo Bali vẫn tiệc tùng đông người, không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách với nhau theo quy định. Ảnh: VICE.

Mặc cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nước ngoài lưu trú tại đảo Bali vẫn tiệc tùng đông người, không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách với nhau theo quy định. Ảnh: VICE.

Thản nhiên vi phạm quy định

Thời gian vừa qua, khách du lịch lưu trú tại “thiên đường nhiệt đới” Bali khiến dư luận quốc tế phẫn nộ vì hàng loạt hành vi coi thường dịch bệnh.

Mới đây, Kristen Gray - du khách 28 tuổi người Mỹ - ra mắt cẩm nang du lịch tại Bali chứa thông tin sai lệch, khuyến khích người nước ngoài tới đảo trong bối cảnh chính quyền Indonesia đóng cửa biên giới vì đại dịch.

Ngày 21/1, cô và bạn đồng hành buộc phải về nước và bị cấm trở lại trong 6 tháng tới. Phát biểu tại cuộc họp báo sau vụ việc, Jamaruli Manihuruk - người đứng đầu Văn phòng Luật và Nhân quyền Indonesia tại Bali - trả lời về quyết định trục xuất Kristen Gray.

“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của du khách, nhưng sẽ hành động theo quy định hiện hành nếu họ phạm sai lầm. Mọi người đều được đối xử công bằng và không có chuyện pháp luật thiên vị ai”, ông khẳng định.

Kristen Gray (trái) và bạn đồng hành buộc phải trở về Mỹ vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh ở đảo Bali, Indonesia. Ảnh: AP.

Đây không phải lần đầu nước này xảy ra trường hợp du khách quốc tế coi thường quy định phòng chống dịch bệnh. Vào tháng 6/2020, một công dân Syria buộc phải về nước vì tổ chức buổi tập yoga quy mô lớn giữa mùa dịch. Thậm chí, nhiều người còn không tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người…

Dẫu vậy, tình trạng tụ tập đông đúc, tiệc tùng không khẩu trang vẫn tiếp diễn ở Bali. Một influencer tiết lộ với VICE rằng cô thường xuyên tham dự những bữa tiệc kể từ khi tới Bali vào tháng 10/2020.

Theo cô, việc đảm bảo khách mời đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là “điều không thể”. “Không ai thực sự đeo khẩu trang trong bữa tiệc vì họ sẽ hút thuốc, uống rượu và hò hét. Thế nhưng, bạn phải tự bảo vệ sức khỏe của mình, thực hiện yêu cầu rửa tay và đo thân nhiệt do đơn vị tổ chức yêu cầu”, cô nói.

Con sâu làm rầu nồi canh

Trước tình cảnh người nước ngoài tụ tập đông người giữa mùa dịch, nữ influencer trên khẳng định cộng đồng cư dân trên đảo Bali vẫn an toàn, không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

“Thật không công bằng nếu chúng tôi bị đổ lỗi vì đăng tải hình ảnh nghỉ dưỡng, tiệc tùng. Chúng tôi không liều lĩnh hay vô trách nhiệm, cuộc sống ở Bali vào thời điểm này vẫn an toàn, bình thản như vậy mà!”.

Một du khách người Úc cũng cho biết dư luận không nên nhìn vào những tấm gương xấu như Kristen Gray để đánh giá sự việc.

“Người nước ngoài đóng góp rất nhiều cho hòn đảo này. Chúng tôi không nên chịu chỉ trích chỉ vì những ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Mọi thứ vẫn ổn định nên chúng tôi được phép thư giãn một chút”.

Nhiều du khách lưu trú tại Bali khẳng định không nên nhìn vào những ví dụ xấu để đánh giá sự việc.

Ida Angung Partha - Giám đốc Du lịch Bali - xác nhận áp dụng lệnh phong tỏa một phần đối với cư dân trên đảo tới ngày 8/2. Ngoài ra, ông cho biết những tranh cãi liên quan tới du khách quốc tế không ảnh hưởng tới chiến dịch phát triển du lịch của địa phương.

“Đó chỉ là hành vi không đẹp của một vài vị khách, không liên quan gì tới chiến lược khôi phục và phát triển du lịch của địa phương”.

Sau thành công của cuốn tiểu thuyết Eat, Pray, Love năm 2010, Bali nổi lên như một địa điểm du lịch lý tưởng. Nơi đây được miêu tả là “đem đến cho du khách trải nghiệm sang trọng, thanh bình với chi phí thấp”. Theo SCMP, nơi đây thu hút 16 triệu lượt tham quan vào năm 2019, trong đó 6,3 triệu lượt là du khách nước ngoài.

Đảo Bali được giới thiệu như "địa điểm du lịch sang trọng, thanh bình với chi phí thấp". Ảnh: Nothing Familiar.

Song, đối với nhiều cư dân bản địa, xu hướng du lịch đại trà được chính quyền đảo Bali thúc đẩy lại đem đến nhiều mối lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Các influencer và du khách quốc tế đóng vai trò quan trọng để nền du lịch địa phương khôi phục và phát triển. Tuy nhiên, họ cần hiểu rõ hoàn cảnh hiện tại, tôn trọng các chuẩn mực địa phương khi sáng tạo và chia sẻ nội dung lên mạng xã hội”, Luh Micke Anggraini - giảng viên tại ĐH Bali Dwipa - nói.

Nhà văn người Bali Eve Tedja hoàn toàn đồng tình. “Người dân Bali chào đón du khách thuộc mọi quốc tịch, màu da, địa vị xã hội và xu hướng tính dục. Nhưng mỗi địa điểm đều có quy định riêng cần phải tuân thủ”.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-khach-khong-tin-covid-19-ton-tai-o-bali-post1178092.html