Du khách khoe thân, chụp ảnh phản cảm ở 'vùng đất chết' gây bức xúc

'Thành phố ma' Pripyat (Ukraine) thu hút du khách sau khi series Chernobyl phát trên kênh truyền hình HBO. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một số hiệu ứng trái ngược, gây phản cảm.

Với hashtag #Chernobyl, bạn có thể tìm thấy rất nhiều bức hình check-in tại Pripyat, nơi được coi là "vùng đất chết" sau thảm họa hạt nhân năm 1986. Không ít người trong số này chụp ảnh bằng những kiểu dáng phản cảm và phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Nz.nik, một người dùng nữ thu hút hơn 800 lượt thả tim và gần 1.000 bình luận trong bài đăng mới nhất của mình ở Pripyat. Trong ảnh, cô bán khỏa thân với đôi tay che ngực. Dù Nz.nik không chia sẻ gì trong phần chú thích, bức hình cũng nhận về rất nhiều ý kiến chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Những bức ảnh phản cảm có gắn thẻ vị trí tại nơi xảy ra thảm họa Chernobyl được tìm thấy rất nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Independent.

Những bức ảnh phản cảm có gắn thẻ vị trí tại nơi xảy ra thảm họa Chernobyl được tìm thấy rất nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Independent.

"Những người đã chết xứng đáng nhận được sự tôn trọng", Anna Taylor bức xúc. Thành viên Norang chỉ nói ngắn gọn: "Xấu hổ thay cho người như cô".

Bên cạnh đó, một số tài khoản cũng khẳng định bức hình này không được chụp ở thành phố Pripyat mà đây chỉ là chiêu trò để nổi tiếng của Nz.nik.

"Bạn thèm danh tiếng đến mức phải check-in địa điểm giả sao? Thứ danh vọng ảo trên mạng xã hội có đáng để làm thế không", Kaity Nicole chia sẻ.

Bất chấp những ý kiến trái chiều từ cộng đồng người dùng, Nz.nik tiếp tục đăng tải bức ảnh sexy khác kèm câu hỏi: "Mọi người có muốn tôi chụp thêm nhiều ảnh ở Pripyat nữa không?".

Ngay cả khi điểm chụp hình của cô gái này không phải nơi xảy ra thảm họa Chernobyl, người ta vẫn tìm được rất nhiều bức ảnh khác được ghi lại ở đây với vô số cách tạo dáng phản cảm.

Cư dân mạng bức xúc với những bức ảnh phản cảm của khách đến Pripyat. Ảnh: Stuff.

"Tôi không biết các bạn là ai nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh như vậy, tôi đã khóc rất nhiều. Tại sao các bạn có thể chụp những bức ảnh kinh khủng như vậy chứ?", Lettipop, người dùng đã tập hợp nhiều tấm hình phản cảm ở Pripyat trên trang cá nhân, bày tỏ quan điểm. Bài đăng của tài khoản này thu hút gần 6.000 lượt thích và khoảng hơn 2.000 chia sẻ từ cộng đồng mạng.

Justin Francis, CEO của Responsible Travel, cho biết mức độ phóng xạ không phải vấn đề duy nhất du khách cần lưu tâm khi tới Pripyat. "Kết cấu các tòa nhà không còn vững chắc và rất dễ sụp đổ. Mọi người khi đến đây cần nghe theo sự chỉ đạo của người hướng dẫn để tránh những sự cố đáng tiếc", anh nói.

Những dấu tích còn sót lại sau thảm họa Cherbonyl. Ảnh: Daily Mail.

Theo Independent, những người làm nhiệm vụ hướng dẫn tham quan "thành phố chết" đều được phát bộ đo phóng xạ. Tuy nhiên, mức độ phóng xạ ở các khu vực lại không giống nhau. Trả lời Reuters, một công ty chuyên khai thác các tour du lịch thảm họa tiết lộ số khách đến Pripyat đã tăng khoảng 40% kể từ khi series Chernobyl được chiếu trên HBO vào tháng 5.

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Pripyat phát nổ, gây ra một trong những thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất lịch sử. Sau 33 năm, nồng độ phóng xạ ở đây vẫn ở mức rất cao.

Vì sao bức họa Mona Lisa hút hàng triệu du khách đến chiêm ngưỡng? Trước khi trở thành bức họa đắt giá bậc nhất hành tinh, Mona Lisa từng là tác phẩm hội họa thời Phục Hưng chẳng ai đoái hoài đến.

Anh Tú
Theo Independent

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/du-khach-khoe-than-chup-anh-phan-cam-o-vung-dat-chet-gay-buc-xuc-post955924.html