Du khách Ấn Độ lấy cắp gạch ở Đấu trường Colosseum

Một người Ấn Độ tới Ý du lịch đã bị phát hiện lấy cắp một cục gạch từ Đấu trường Colosseum.

Giới hữu trách Ý nói rằng người đàn ông này 47 tuổi, là công dân Ấn Độ, đang đi theo đoàn du lịch có hướng dẫn ở Đấu trường Colosseum ngày 10/12, thì lén cậy cục gạch khỏi bức tường, theo bản tin của tờ Il Mesaggero.

Ông này sau đó giấu cục gạch vào túi. Tuy nhiên, có mấy người khác nhìn thấy hành động này và báo với cảnh sát viên đứng gần đó. Cảnh sát lấy lại cục gạch và trao trả cho ban quản lý Đấu trường.

Đấu trường Colosseum

Luật pháp Ý nghiêm cấm hành vi như vậy ở Đấu trường Colosseum. Du khách Ấn Độ bị tội “lấy cắp đồ cổ và gây thiệt hại cho di tích lịch sử”, theo tờ Carriere della Serra ở Ý. Tuy nhiên, người đàn ông này không bị cảnh sát bắt giam.

Đây không phải là lần đầu tiên du khách đến Ý bị bắt gặp phá hoại hay lấy cắp các món đồ ở di tích lịch sử Đấu trường Colosseum.

Năm ngoái, một du khách Pháp bị truy tố tội “gây hư hại trầm trọng cho di tích lịch sử” sau khi khắc hàng chữ “Sabrina 2017” vào Đấu trường Colosseum, theo bản tin của tờ Telegraph.

Năm 2015, hai nữ du khách Mỹ bị bắt gặp dùng đồng xu khắc tên tắt của họ vào tường Đấu trường Colosseum. Một du khách Nga cũng bị án treo và bị phạt vạ số tiền 20.000 euro do khắc vào tường Đấu trường Colosseum năm 2015.

Đấu trường Colosseum (hay Đại hý trường La Mã) được biết đến đầu tiên dưới cái tên Amphitheatrum Flavium theo tiếng Latinh hoặc Anfitea tro Flavio tiếng Ý, sau này gọi là Colosseum hay Colosseo, là một đấu trường lớn ở thành phố Roma. Công suất chứa lúc mới xây xong là 50.000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu và trình diễn công chúng. Đấu trường được xây dựng khoảng năm 70-80 sau Công Nguyên dưới thời Hoàng đế Vespasian. Đây là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã được hoàn thành năm 80 sau Công Nguyên dưới thời Titus, với nhiều chỉnh sửa dưới thời hoàng đế Domitian.

Đấu trường Colosseum được sử dụng gần 500 năm, rất lâu sau khi Đế chế La Mã sụp đổ năm 476. Ngoài sử dụng làm nơi đấu của võ sỹ, nơi đây còn được dùng làm biểu diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển. Công trình này dần dần không được sử dụng làm nơi giải trí nữa thời Trung Cổ. Sau này, đấu trường được sử dụng làm nhà ở, cửa hàng, nhà thờ, pháp trường...

Dù hiện nay bị hoang phế nhiều do động đất và nạn cướp đá, Colosseum vẫn từ lâu được xem là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của Roma và vẫn còn nhiều liên hệ với Giáo hội Công giáo.

Kích thước của Colosseum: cao 48 m, dài 189 m, rộng 156 m. Không giống như các đấu trường trước đó, công trình này là một cấu trúc đứng tự do, được xây trên một mặt đất bằng phẳng chứ không phải dựa vào đồi hay chỗ lõm tự nhiên. Tường bên ngoài thoạt đầu có chu vi 545 m và cần phải dùng 100.000 m3 đá travertine được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Nó có thể chứa tới 50.000 đến 80.000 người.

Bí mật nằm trong việc sử dụng tài tình các mái vòm cuốn, các hành lang và các bậc lên xuống dẫn tới chỗ ngồi. Các mái vòm bên trên tầng trệt tạo ra 80 lối vào chỗ đông người, mỗi lối vào có đánh số giúp khách tìm thấy chỗ ngồi của họ. Một tấm vải bạt khổng lồ che nắng che mưa thường được căng ra bên trên và trong các buổi trình diễn đêm, một đèn chùm bằng sắt khổng lồ treo lơ lửng bên trên đấu trường. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, nó đã bị hư hỏng do thiên nhiên tác động (động đất). Phần còn lại của Colosseum ngày ngày nay là bức tường gốc như lúc đang xây.

Th.Long

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/du-khach-an-do-lay-cap-gach-o-dau-truong-colosseum-524077.html