Dư Hồng Quảng: Chuyện học ở xứ Hàn

Một lần, trên chuyến bay từ Đà Nẵng về, tôi ngồi cạnh một du khách Hàn Quốc, mắt anh không rời khỏi cuốn sách tự học tiếng Việt. Đến thành phố Seongnam, tôi gặp một bác lái xe buýt tươi cười nói 'xin chào Việt Nam'. Tôi hỏi sao bác nói tiếng Việt tốt thế, bác ấy bảo tự học trong một tuần du lịch tại Việt Nam. Còn tôi thì vừa có 3 tuần đáng nhớ ở Hàn Quốc để cảm nhận tinh thần học tập của người dân xứ sở Kim Chi này.

Văn hóa đọc trong thế giới công nghệ

Ai đã đến Bảo tàng đổi mới công nghệ Samsung và các tập đoàn giải trí công nghệ cao MBC World, SM Town đều trầm trồ thán phục trình độ công nghệ nghe nhìn đỉnh cao của Hàn Quốc. Nhưng giới trẻ ở đây không chỉ cắm mặt vào màn hình điện thoại hoặc nhún nhảy theo các ngôi sao K-pop. Hàn Quốc còn là đất nước của những người say mê đọc sách. Tôi đã chứng kiến điều này trên máy bay, tàu điện và nhất là khi đến thăm Thư viện Quốc gia Sejong. Mái nhà của công trình tuyệt đẹp này được thiết kế tượng trưng cho một trang sách đang mở ra. Thư viện mang tên vua Sejong (Thế Tông), vị minh quân đã đưa văn hóa Hàn Quốc đến một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử và cũng là người phát minh ra chữ cái tượng thanh, giúp người Hàn có chữ viết riêng ngày nay. Đây cũng là câu chuyện đầu tiên mà cha mẹ và thày cô giáo thường kể cho con trẻ khi chúng đặt chân đến Thư viện Quốc gia Sejong.

Gs. Park Tae Gyun giảng bài cho Lớp bồi dưỡng cán bộ Ngoại giao các nước đối tác tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng dành cho cán bộ Ngoại giao các nước đối tác do Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KNDA) tổ chức tháng 7/2018, đoàn học viên chúng tôi đã tham quan Thư viện Quốc gia Sejong. Chị Kim Hyosun, nhân viên của thư viện cho biết, mỗi năm Thư viện Quốc gia Sejong chi gần 2 triệu USD để mua thêm các đầu sách mới. Anh Said Dahabi, Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển kinh tế, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Vương quốc Morocco chỉ cho tôi xem cuốn sách bằng tiếng Anh về kinh tế Việt Nam. Hàng năm tại Thư viện diễn ra các hội thảo quốc tế và tổ chức các sự kiện văn hóa lớn. Riêng sân khấu trong nhà của Thư viện có sức chứa 400 người. Có những khu chức năng và thiết bị độc đáo tôi chưa từng nghe trước khi đến đây như phòng đọc truyện thực tế ảo và tủ quét bàn tay chống virus trước khi đọc sách.

Không chỉ gây ấn tượng bởi quy mô lớn và hiện đại, người Hàn Quốc còn rất chu đáo, tỉ mỉ khi không để những người yếu thế bị bỏ lại bên lề của sự phát triển. Khoảng cách giữa các kệ sách được bố trí đủ rộng để người khuyết tật tự mình điều khiển xe lăn đi tìm tài liệu. Thư viện thông minh, thư viện năng động, thư viện hy vọng, tất cả đều có ở Sejong. Đó là lý do tại sao trong một đất nước công nghệ cao hàng đầu thế giới, trung bình mỗi ngày vẫn có 2.000 người đến đọc sách tại Thư viện Quốc gia Sejong, ngày cuối tuần bình quân lên tới 4.000 người.

Chị Byun Eunyung (trái) cùng các cán bộ Học viện Ngoại giao Hàn Quốc chụp ảnh với tác giả.

SKY khát vọng bầu trời

Tại KNDA, giảng viên cao cấp người Mỹ Danton Ford đã giúp học viên có một góc nhìn thấu đáo về Hàn Quốc bằng con mắt của người nước ngoài. Cũng như 21 học viên chúng tôi đến từ 19 nước, trước đây, Danton Ford từng tự hỏi vì sao Hàn Quốc, từ một nước nghèo nhất thế giới những năm 1960, nay vươn lên tốp 11 nước có GDP cao nhất thế giới. Sau khi dành nửa cuộc đời ở xứ sở Kim Chi, Danton Ford tìm ra câu trả lời: hướng đi đúng đắn cộng với chất lượng nguồn nhân lực đã làm nên kỳ tích sông Hàn.

Theo Danton Ford, Hàn Quốc có nguồn nhân lực chất lượng cao vì quyết liệt tập trung cho giáo dục. Trọng danh dự và giữ gìn thể diện, tính cách này khiến người Hàn Quốc cảm thấy xấu hổ khi học hành chẳng đâu vào đâu. Phải khổ học để quyết liệt vươn lên, đó không chỉ là quyết tâm của một người, một nhà, một dòng họ mà còn là của cả quốc gia, dân tộc. Khi giành được độc lập năm 1945, phần đông người dân mù chữ. Nhưng mấy chục năm sau, người dân Hàn Quốc có trình độ đào tạo thuộc hàng cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD.

Thanh thiếu niên Hàn Quốc có khát vọng vươn tới SKY. Từ này tiếng Anh nghĩa là bầu trời, nhưng cũng là 3 chữ cái S, K, Y đầu tiên trong tên 3 trường đại học danh tiếng nhất: Seoul National University, Korea University, Yonsei University. Vì giáo dục có ý nghĩa quyết định cho sự nghiệp của mỗi cá nhân và tương lai của cả dân tộc nên hệ thống thi cử Hàn Quốc được Danton Ford đánh giá là rất nghiêm túc. Vào được các trường đại học danh tiếng là cực kỳ ngặt nghèo, học thật, thi thật, chọn người tài thật.

Kết thúc bài giảng, Danton Ford chia sẻ: Hàn Quốc là một nước “work hard-play hard”, bạn hãy sẵn sàng cho cả hai. “Làm ra làm - chơi ra chơi”, chứ đừng “làm lời phời - chơi nhợt nhạt”. Điều này khiến tôi nhớ lời một đồng nghiệp trước đây ở Phòng Kinh tế, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam. Phương châm của phòng đó là “Làm chuyên nghiệp, chơi như làm”. Để làm được và chơi được như vậy, chắc chắn sẽ phải rèn luyện không ngừng.

Học hành trong thế giới hội nhập

Trước khi giúp học viên lý giải về bí quyết tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, Giáo sư Park Tae Gyun của Đại học quốc gia Seoul nhẹ nhàng kể, ngày ông còn nhỏ, đất nước Hàn Quốc kiệt quệ do hậu họa của nước ngoài đô hộ, rồi nội chiến Bắc-Nam. Nhưng ông có một người mẹ tuyệt vời. Bà luôn nhắc nhở con trai phải học thật chăm để vươn lên. Bây giờ đến lượt mình, ông luôn nhắc nhở con gái phải thật chăm chỉ học hành để vươn ra thế giới. Câu chuyện như của gia đình ông là rất phổ biến ở Hàn Quốc.

Giáo sư Park khẳng định, viện trợ của nước ngoài rất quan trọng nhưng chính nội lực mới là nhân tố quyết định làm thành kỳ tích phát triển của Hàn Quốc. Nội lực của Hàn Quốc là phát huy được giá trị truyền thống và tính cách dân tộc trong thế giới hội nhập. Người Hàn Quốc có một khả năng học hỏi đặc biệt mà Giáo sư Park gọi là “absorptive capability”. Đó là sức sáng tạo trong quá trình tiếp thu trí tuệ của nước ngoài và tinh hoa của nhân loại. Tôi đã đến Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, thấy một cuốn sách giáo khoa đầu tiên in năm 1948. Ấn phẩm trưng bày nhắc lại việc người Hàn Quốc tiếp thu tinh hoa của sách giáo khoa Nhật Bản để sáng tạo ra cuốn sách phù hợp với dân mình.

Với tinh thần đó, hàng năm, rất nhiều sinh viên Hàn Quốc ra nước ngoài học tập. Trong nước, một trong những trọng tâm được ưu tiên là học bằng tiếng Anh. Các nhà hoạch định chính sách kiên trì quan điểm dạy ngoại ngữ là vấn đề sống còn vì người dân Hàn Quốc đang sống trong thời đại mà kỹ năng tiếng Anh là yếu tố then chốt quyết định tính cạnh tranh của một quốc gia. Ejun Jang là nữ sinh trung học phổ thông thuộc Trường Chadwick International School. Em là tình nguyện viên tham gia hướng dẫn đoàn học viên ngoại giao quốc tế thăm Cung điện Gyeongbokgung và Bảo tàng Chiến tranh The War Memorial of Korea. Đoàn chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ khả năng nói tiếng Anh trôi chảy mà còn bị thuyết phục bởi “phông” kiến thức rộng về văn hóa, lịch sử của Ejun Jang. Em cho biết muốn vào đại học, học sinh Hàn Quốc phải thi môn tiếng Anh (có cả phần nghe) và Lịch sử là môn thi bắt buộc của tất cả các trường.

Cải cách giáo dục của Hàn Quốc đã và đang chuyển dịch mạnh từ đào tạo hàn lâm sang kỹ nghệ thực hành. Học theo mô hình của Đức và Thụy Sỹ, các trường chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng hành nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa và quốc tế. Giữ gìn giá trị truyền thống, giữ bản sắc riêng khi hội nhập quốc tế cũng là ưu tiên trong chính sách giáo dục của Hàn Quốc. Trong các quầy sách, bạn bè các nước dễ gặp cuốn Chung.Hyo.Ye là tập hợp những câu chuyện lịch sử được dịch ra tiếng Anh nói về lòng trung thành, sự tôn trọng, sự cống hiến của người Hàn Quốc. Ở Làng Văn hóa dân gian Joseon, bức tượng dạy trẻ học luôn nổi bật trong những ngôi nhà cổ. Trên đất nước Hàn Quốc hối hả nhịp sống công nghiệp hóa, những đầm sen vẫn dịu dàng tỏa hương níu chân du khách.

Theo Byun Eunyung, người phụ trách Chương trình, khẩu hiệu quốc gia chính thức của Hàn Quốc Hongik Ingan (Hoằng ích Nhân gian) có nghĩa là “Cống hiến cho hạnh phúc của nhân loại”. Sứ mệnh to lớn đó bắt đầu từ những việc nhỏ như sự chu đáo, tỉ mỉ của nhân viên thư viện Kim, như lời nhắc con siêng năng học tập hàng ngày của Giáo sư Park, như ý thức học giỏi tiếng Anh và Lịch sử để góp phần đưa hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới của nữ sinh trung học Jang… Họ là những người Hàn Quốc, đã gặp khó quên.

Dư Hồng Quảng

Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/du-hong-quang-chuyen-hoc-o-xu-han-76285.html