Du học sinh cần lưu ý những gì để việc học tập không bị gián đoạn khi về nước?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, đã có những du học sinh Việt Nam đã về nước, số khác đang cân nhắc việc trở về hay chờ đợi dịch bệnh qua đi rồi tiếp tục học... Do nhiều nước trên thế giới chưa kiểm soát tốt dịch bệnh nên du học sinh cũng khó có khả năng quay trở lại nước sở tại học tập trong thời gian tới.

Với những du học sinh cũng như sinh viên quốc tế mong muốn được học tập tại các trường đại học Việt Nam, thông tin về việc tiếp nhận du học sinh cũng như các chương trình học tập, đào tạo của các trường đại học là sự quan tâm hàng đầu lúc này.

Các quy định về việc tiếp nhận du học sinh ở nước ngoài

Trao đổi về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế học tập tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT đã khẩn trương đưa ra những chính sách, văn bản kịp thời đến các cơ sở giáo dục đại học.

Ngày 15/7, Bộ GDĐT đã có công văn 2582/BGDĐT-GDĐH gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.

Tinh thần là, các cơ sở giáo dục đại học sẽ tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam và cả sinh viên quốc tế có nhu cầu được giảng dạy bằng tiếng Anh cũng như các chương trình đạo tạo liên kết với nước ngoài; trường phải có đủ năng lực đào tạo tức là vẫn còn chỉ tiêu và phù hợp để tuyển sinh; đầu vào của sinh viên cũng không được thấp hơn với điều kiện nhập học thông thường của chương trình tương ứng.

Căn cứ vào nội dung, cấu trúc, yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, căn cứ vào các tín chỉ, kết quả học tập của sinh viên để nhà trường có thể xem xét chấp nhận 1 phần các tín chỉ hay học phần phù hợp... để tiết kiệm được thời gian học tập cho sinh viên trong giai đoạn tới nhưng phải tuân thủ theo đúng quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo tín chỉ và quy định nội bộ của nhà trường.

Bà Thủy cho biết, công văn 2582 cũng nhấn mạnh và khuyến khích các trường rà soát mạng lưới hợp tác quốc tế, tìm kiếm các đối tác nước ngoài tốt để tiếp tục các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Hiện nay Bộ GDĐT cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các trường đại học.

Bên cạnh đó, Vụ Giáo dục đại học sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học, sinh viên như, hỗ trợ kiểm tra thông tin về các trường nước ngoài, danh sách các trường được công nhận, hệ thống tín chỉ tương đồng. Thông tin về chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục Việt Nam cũng được đăng tải công khai, minh bạch.

Ngoài ra, về thủ tục khi các em quay trở lại nước học tập cũng đã đề cập trong Thông tư số 10/2014 của Bộ GDĐT. Trong Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, có hướng dẫn thủ tục khi các em học sinh muốn quay trở lại nhập học tại Việt Nam.

Cụ thể, tại Điều 10, khoản 3 quy định về việc tiếp nhận du học sinh ở nước ngoài nêu rõ các em phải chuẩn bị hồ sơ, đơn chuyển trường, chuyển kết quả học tập, ý kiến các cơ quan chủ quản đối với người được cử đi học. Với những quy định cụ thể như vậy, các em sinh viên có thể yên tâm về thủ tục nhanh gọn, các trường và các thầy cô ở Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hết sức.

Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập (ảnh: VGP)

Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập (ảnh: VGP)

352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động là các chương trình hợp pháp

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết, đến nay Việt Nam có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, bậc đại học có 195 chương trình, bậc thạc sĩ có 150 chương trình, bậc tiến sĩ có 7 chương trình. Từ khi Nghị định 73 (năm 2012) có hiệu lực, mỗi năm phê duyệt thêm khoảng 40 chương trình đào tạo quốc tế mới, trong quá trình đó cũng xem xét ra hạn, điều chỉnh 10-20 chương trình và có khoảng gần 30 chương trình dừng tuyển sinh.

Hiện nay có 192 chương trình dừng hoạt động do một số chương trình đã hết thời hạn cấp phép hoặc đã hết hạn mà trường đối tác không ra hạn. Nhưng lý do phổ biến hơn là do chuyên ngành của các trường đối tác thay đổi để ngày càng phù hợp và nâng cao chất lượng hơn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, từ Nghị định 73 (năm 2012) đến Nghị định 86 (năm 2018), khi nâng cao về điều kiện đảm bảo chất lượng của đối tác liên kết đạo tạo với nước ngoài cũng như đối tác ở phía Việt Nam cũng phải đảm bảo chất lượng thì các trường luôn thay đổi, cập nhật với thị trường, nhu cầu kinh tế xã hội và tốc độ phát triển khoa học công nghệ... Do đó, việc thay đổi chương trình đào tạo là hết sức bình thường.

Sự cạnh tranh hết sức lành mạnh giữa các chương trình liên kết đạo tạo nước ngoài, các chương trình quốc tế của các trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, rồi các chương trình tiên tiến, các chương trình chất lượng cao... cho nên cũng có những chương trình phải dừng tuyển sinh. Các chương trình hiện nay là chương trình hợp pháp, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng rất phù hợp với người học cả với sinh viên quốc tế và Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Trong trường hợp du học sinh đã theo học gần hết khóa học tại nước ngoài, giờ học tiếp tại các trường đại học tại Việt Nam, việc cấp bằng tốt nghiệp sẽ tùy thuộc vào chương trình du học sinh, sinh viên quốc tế lựa chọn để vào học. Sau đó phía nhà trường xem xét mức độ tiếp nhận như thế nào và tùy vào chương trình liên kết các em đang muốn lựa chọn. Có trường hợp chương trình do trường đối tác cấp bằng, có trường hợp trường Việt Nam cấp bằng, có trường hợp cả hai trường cùng cấp song bằng. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên thông qua hợp đồng cũng như thỏa thuận hợp tác, bà Thủy nói rõ.

Trong trường hợp sinh viên nhất định vẫn muốn được cấp bằng của trường nước ngoài mà sinh viên đã học gần hết, sinh viên đó phải làm thủ tục bảo lưu đối với trường nước ngoài trong trường hợp hai trường chưa có thỏa thuận. Thời gian ở Việt Nam có thể tích lũy thêm tín chỉ để sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát có thể quay trở lại nước sở tại để hoàn thiện nốt chương trình đó, Q. Vụ trưởng nhấn mạnh. Khi đó sinh viên phải chủ động để liên hệ với trường nước ngoài qua email hoặc các phương tiện truyền thông khác để có tư vấn. Sinh viên cần liên hệ với trường, liên hệ với Bộ Giáo dục, liên hệ với cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước sở tại để có đầy đủ thông tin và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Phương Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-hoc-sinh-can-luu-y-nhung-gi-de-viec-hoc-tap-khong-bi-gian-doan-khi-ve-nuoc-20200724150245468.htm