Du học nhưng không phải để học

Những năm gần đây, du học theo diện vừa học vừa làm nổi lên như một xu hướng mới của người trẻ. Rất nhiều gia đình bằng mọi cách lo cho con một suất du học. Các nước và vùng lãnh thổ được ưa chuộng là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Trước đây, du học là điều gì đó rất khó đạt được, phải học thật giỏi để kiếm học bổng du học, hoặc gia đình khá giả, lo cho con đi du học để tiếp cận kiến thức mới từ các nước tiên tiến. Còn hiện nay, với xu hướng du học dạng vừa học vừa làm, ai cũng có thể đi du học. Cũng vì tương đối dễ dàng nên nhiều gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, đã coi đây là dịp đổi đời. Họ vay mượn tiền cho con đi du học, nhưng mục đích chính là sang đó để đi làm.

Khi những đứa trẻ mới lớn, gánh trên vai một khoản nợ phải trả thì dĩ nhiên đi làm vẫn là ưu tiên số một. Bởi thực tế, rất khó để một người trẻ vừa học, vừa “cày” trả nợ nếu như không phải là một người ham học. Điều đáng nói là hệ lụy của du học dạng vừa học vừa làm đang tạo ra một lớp người trẻ không bằng cấp, không nghề nghiệp.

Từng làm việc tại một công ty tư vấn du học tại TPHCM, anh Phạm Tuấn Hùng cho biết, chỉ khoảng 120-200 triệu đồng và vốn ngoại ngữ cơ bản là người trẻ có thể có một suất du học diện vừa học vừa làm ở một số nước châu Á. Các công ty tư vấn du học thường vẽ ra viễn cảnh sang đó vừa học, vừa làm, kiếm khoảng 20-40 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, học phí, du học sinh vẫn dư một khoản gửi về trả nợ, sau 3 năm sẽ vừa có vốn, vừa có tấm bằng.

Nhưng thực tế, với visa sinh viên, du học sinh bị khống chế thời gian làm việc, thu nhập chỉ đủ để trả chi phí sinh hoạt. Để có thêm tiền trả nợ, du học sinh buộc phải làm thêm bất hợp pháp, đồng nghĩa với con đường đến trường ngày càng thu hẹp.

Chị Trần Thị Bích Phương (ngụ quận 4, TPHCM) cho biết, quê chị ở một tỉnh miền Bắc, những năm gần đây, cả xã đua nhau cho con du học. Những đứa trẻ học hết lớp 12, thậm chí là đang học năm nhất, năm hai đại học vẫn bỏ ngang đi học ngoại ngữ để du học, hy vọng đổi đời. Song, sau 2-3 năm đi làm trả nợ, nhiều em trở về với một ít vốn và vốn ngoại ngữ cũng rất khiêm tốn, để rồi rơi vào cảnh không nghề nghiệp. Phần lớn số ấy buộc phải đầu quân cho các khu công nghiệp, làm công nhân. Một số ít tiếp tục tìm suất du học khác để cứu vãn tình trạng… du học nước ngoài về vẫn phải làm công nhân.

Du học chỉ thực sự có ý nghĩa khi người trẻ ưu tiên cho việc học, tập trung xây dựng tương lai của mình bằng kiến thức tiếp thu từ một nền giáo dục phát triể.

YÊN HÀ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//du-hoc-nhung-khong-phai-de-hoc-816859.html