'Du học Nhật Bản' ở... quê nhà

Chị Dương Hồng Loan (tỉnh Long An) không có điều kiện đi du học Nhật Bản, vừa lớn lên đã đi làm công nhân (CN) để phụ giúp gia đình.

Chị Loan hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân. Ảnh: P.V

Nhưng nhờ ham học hỏi, hết lòng với công việc, chị đã có được tất cả những thứ của một người đi “du học Nhật Bản” - cách làm việc, tác phong công nghiệp của người Nhật, biết tiếng Nhật, công việc ổn định. Hơn thế nữa, chị còn đóng góp vào sự phát triển của Cty nơi mình làm việc với những sáng kiến giá trị tiền tỉ.

Từ một lớp “khuyến mãi”

Không may mắn như nhiều bạn bè được học lên cao, năm 1994 vừa rời ghế nhà trường, chị Dương Hồng Loan bước vào cuộc mưu sinh để phụ giúp gia đình với công việc CN may tại Cty may xuất khẩu Long An (TP.Tân An, tỉnh Long An). Cô gái vùng nông thôn miền Tây phải trải qua nhiều bỡ ngỡ, khó khăn để thích nghi với nhịp sống công nghiệp. Một vài lớp đào tạo kỹ thuật tại chỗ và ở TPHCM tạo thêm sức bật để chị trở thành CN sản xuất giỏi, rồi làm tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng Công đoàn.

Năm 2002, chị thôi làm tổ trưởng sản xuất, mà chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật của phân xưởng. Năm 2006, Cty mở rộng sản xuất, lắp đặt thêm nhiều máy móc của một nhà cung cấp từ Nhật Bản. Để “khuyến mãi”, Cty Nhật Bản giúp doanh nghiệp VN mở lớp đào tạo tại chỗ (kéo dài 1 tháng) với mục đích “cải tiến chuyền may”. Chị Loan được tham dự lớp tập huấn ấy. Lần đầu tiên tiếp cận với những khái niệm, triết lý, tác phong, kiến thức của các chuyên gia Nhật về quản lý chuyền may, chị Loan như nhìn thấy công việc qua ô cửa mới, gợi lên trong chị nhiều cảm hứng
sáng tạo.

“Cái đó tui làm”

Nhìn dây đeo chiếc máy ảnh của một hãng nổi tiếng của Nhật Bản mà người viết đang để trên bàn, chị Loan bẽn lẽn nói: “Cái đó tui làm”. Có mặt tại cuộc gặp, chị Phan Thị Thu Hiền - Chủ tịch CĐCS Cty - giải thích: “Cty của tụi em chuyên sản xuất bao bì, dây đeo hàng điện tử các loại cho các hãng điện tử nổi tiếng ở Nhật. Dây đeo chiếc máy ảnh của anh đẹp được như vậy là có công của chị Loan”. Đó là đề tài sáng kiến của chị Loan có tên “Cải tiến về phương pháp gấp dây của các mã hàng” đạt sáng kiến cấp cơ sở tại Quyết định số 02/QĐ-Cty ngày 16.1.2016.

Sau thời gian trăn trở, mày mò thử nghiệm, chị Loan đã đăng ký với Ban Giám đốc và CĐCS Cty sáng kiến cải tiến kỹ thuật gấp dây các mã hàng dựa trên ý tưởng: Dùng thanh inox mài giũa tạo thành “cử” đúng theo thông số của từng sợi quai đeo mà khách hàng yêu cầu và đặt “cử” lên máy lăn, người CN chỉ việc đưa sản phẩm vào “cử” lăn qua máy là cho ra thành phẩm đúng kích thước đã định. Vậy là chỉ với vài miếng inox kích thước cỡ bàn tay, chị Loan chế thành các “cử” lắp thêm vào máy, để cho ra sản phẩm có độ chính xác 100%, các mép hàng thẳng đều, năng suất tăng từ 400 lên 800 sản phẩm/ngày/CN. Các sản phẩm “làm thử” theo sáng kiến của chị Loan được gửi máy bay đi Nhật để khách hàng thẩm định. Chị Loan và các đồng nghiệp đã vui mừng vỡ òa khi từ phía Nhật Bản có ngay phản hồi: “Very good!”. Ước tính sáng kiến “nhỏ” này của chị Loan làm lợi cho Cty khoảng 1,7 tỉ đồng mỗi năm.

KỲ QUAN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/du-hoc-nhat-ban-o-que-nha-614438.ldo