Du học không phải là 'chiếc đũa thần'

Những năm qua, du học đã được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm, coi đây là cơ hội thực hiện ước mơ học tập, trải nghiệm ở các môi trường giáo dục được coi là ưu việt. Du học dần trở nên phổ biến với điều kiện ngày càng dễ dàng, thuận lợi hơn so với trước đây. Tuy nhiên, thị trường du học đã và đang có những biểu hiện lộn xộn, phức tạp, ẩn chứa nhiều bất cập, thậm chí, xuất hiện cả hiện tượng lừa đảo…

Du học là hình thức người từ quốc gia này đến quốc gia khác học tập, nghiên cứu. Nếu giai đoạn trước đây, du học được coi là hình thức đào tạo của Nhà nước dành cho người có năng lực học tập, nghiên cứu nổi trội với các tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe thì theo thời gian, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, ngày càng nhiều người có nhu cầu được thực hiện ước mơ học tập ở những nền giáo dục tiên tiến, và những tiêu chuẩn lựa chọn cũng khác trước. Tại một số quốc gia, chính sách giáo dục mở rộng hơn với sinh viên nước ngoài góp phần làm cho du học dần trở nên phổ biến với hai hình thức phổ biến là du học tự túc, du học có học bổng. Theo thống kê của Cục Ðào tạo với nước ngoài (nay là Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo), năm 2016 có khoảng 130.000 công dân Việt Nam học tập tại nước ngoài, tăng khoảng 10 nghìn người so với năm 2015. Quốc gia có nhiều du học sinh Việt Nam nhất là Nhật Bản với hơn 38 nghìn người, tiếp theo là Australia (Ô-xtrây-li-a), Mỹ, Trung Quốc và Anh. Con số này được dự báo sẽ còn tăng trong những năm tới bởi số lượng học bổng các nước dành cho Việt Nam ngày càng tăng. Chẳng hạn, số lượng học bổng của Chính phủ Hungary (Hung-ga-ri) tăng từ năm suất/năm lên 100 suất/năm từ năm 2016; Liên bang Nga từ 400 suất/năm lên 800 suất/năm vào năm 2016, và tiến tới 1.000 suất vào năm 2018.

Trước hết, phải khẳng định, du học dù theo hình thức tự nguyện hay học bổng đều là cánh cửa, cơ hội mới mở ra với nhiều học sinh. Chất lượng của du học sinh Việt Nam cũng được đánh giá khá tốt so với du học sinh của các nước khác. Không ít du học sinh sau khi hoàn thành quá trình học tập đã trở về, có những đóng góp tích cực tại nơi mình làm việc. Có du học sinh lựa chọn ở lại nước sở tại, và có người tìm được công việc tốt, đúng chuyên ngành được đào tạo, tạo dựng được cuộc sống tốt và tương lai rộng mở. Tuy nhiên, khi du học ngày càng trở nên phổ biến thì trào lưu "nhà nhà làm tư vấn du học, người người du học" có phần dễ dãi như hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Không ít bậc cha mẹ tìm mọi cách cho con du học mà không quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng cũng như năng lực thực tế của các em. Nhiều người coi du học như "chiếc đũa thần" giúp con mình có tương lai tốt. Tâm lý và sự kỳ vọng thái quá này của cha mẹ đã ảnh hưởng không ít đến con cái, trở thành áp lực nặng nề với các em. Nhiều em không đủ năng lực nhưng cũng "nhắm mắt" du học theo mong muốn của cha mẹ. Trong khi đó, lại có học sinh dù sức học kém và gia đình không dư dả về kinh tế, vẫn coi du học như một cách thể hiện đẳng cấp, thoát khỏi sự quản lý của bố mẹ; hoặc chạy theo bạn bè, từ đó tìm mọi cách gây sức ép để được bố mẹ cho du học.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Smartcom (Công ty CP chuyên về e-learning - giáo dục trực tuyến) Nguyễn Anh Ðức cho biết: những "thiên đường du học" Anh, Mỹ có hẳn một nền "công nghiệp giáo dục", tức là một lĩnh vực kinh tế mang lại nguồn thu rất lớn. Các nước này đều có những trường học được gọi là "diploma mill" (tạm dịch là "nhà máy sản xuất bằng cấp"), sinh viên chỉ cần ghi danh học, nộp đủ tiền, sẽ có bằng mang về, còn việc dạy và học hoàn toàn mang tính hình thức, bị coi nhẹ. Vì thế có thể thấy trên thực tế, một bộ phận du học sinh có khả năng học tập, tiếp thu được tinh hoa của những nền giáo dục tiên tiến, lại có bộ phận du học sinh học theo phong trào, tương lai xán lạn chưa thấy nhưng các hệ lụy đã rõ mồn một. Cụ thể là một số du học sinh do không đủ tiền đóng học phí cho nên không được gia hạn visa (thị thực), bị đuổi về nước; có em vì không đủ trình độ tiếp nhận kiến thức ở trường mà bỏ học đi làm, sống chui lủi nơi đất khách; hoặc phải trở về nước và mang theo tâm lý mặc cảm, tự ti vì "tiền mất tật mang". Và vì muốn du học bằng mọi cách, một phần không nhỏ du học sinh mặc dù tốn rất nhiều tiền nhưng học xong về kiến thức vẫn không thu nhận được gì đáng kể và... thất nghiệp. Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, lợi thế lớn nhất của du học sinh là khả năng ngoại ngữ, còn kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc không có sự khác biệt lớn so với các đối tượng tuyển dụng học trong nước. Ðồng thời tâm lý đi du học về phải lựa chọn một công việc phù hợp ngành nghề đào tạo, lương cao, vị trí tốt khiến không ít người... vỡ mộng!

Khi du học ngày càng trở nên phổ biến thì thị trường tư vấn du học cũng nở rộ. Theo số liệu của Cục Hợp tác quốc tế, tính đến tháng 9-2017, cả nước có gần 700 tổ chức dịch vụ tư vấn du học được cấp phép hoạt động. Mặc dù pháp luật có quy định rất rõ về điều kiện đăng ký, chức năng, hoạt động,... của các cơ sở tư vấn du học nhưng không ít công ty, đơn vị tư vấn tuy thiếu các tiêu chuẩn cần thiết vẫn ngang nhiên tồn tại. Có công ty, đơn vị chưa được cấp phép nhưng hoạt động "chui" trong nhiều năm. Một số công ty tư vấn có cơ sở vật chất không bảo đảm, có chưa đầy 10 nhân viên không được đào tạo cơ bản, thiếu trình độ chuyên môn nhưng vẫn hoạt động; thậm chí, có công ty du lịch cũng "nhảy" vào làm tư vấn du học! Chính tình trạng các cơ sở tư vấn tồn tại nhập nhèm, lộn xộn đã làm nảy sinh hiện tượng lừa đảo dưới các hình thức như quảng cáo không đúng sự thật, thu các loại phí cao hơn quy định, du học trá hình... Chẳng hạn miễn phí dịch vụ là chiêu thức tuy không mới nhưng khá nhiều phụ huynh vẫn mắc phải. Có công ty tổ chức du học quảng cáo miễn phí dịch vụ, nhưng thực chất đã đẩy học phí lên gấp hai đến ba lần. Phụ huynh ham rẻ, đến khi cho con tới trường nhập học rồi mới biết học phí thực tế của trường thấp hơn rất nhiều so với mức công ty tư vấn đã thu. Có trường hợp người du học bị lừa, đến nhập học ở các trường "ma" (không tồn tại hoặc có thì là trường nhỏ, không như quảng cáo, ngành đăng ký đào tạo được vài tháng thì đóng cửa)… Ngoài ra, một số trung tâm tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn giữa mục đích (lao động) và tư cách (lưu học). Có thể thấy trên trang web, trang facebook của một số trung tâm tư vấn du học Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a,... có những quảng cáo mang nội dung: "bảo đảm visa 100%; vừa học vừa làm thêm nhận lương ít nhất hơn 30 triệu đồng/tháng". Ðây thực chất là một chiêu quảng cáo không đúng sự thật bởi không thể có chuyện bảo đảm visa hoàn toàn do việc xét duyệt visa không hề dễ dàng. Còn chuyện vừa đi học vừa đi làm không đơn giản như các trung tâm khẳng định. Không ít du học sinh vỡ mộng khi sang đến nơi đăng ký theo học mới ngã ngửa vì thực tế họ vừa phải vất vả lo trả nợ tiền vay ở nhà, lại vừa lo chi phí sinh hoạt cao, chưa kể tiền đóng học phí. Vì thế, nhiều người phải bỏ học đi làm thêm, thậm chí túng quẫn làm liều dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật. Ðó là chưa kể việc một số công ty, đơn vị tư vấn du học đang lợi dụng hoạt động tư vấn du học để đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc trái quy định, thực tế là xuất khẩu lao động trá hình, khi bị phát hiện, người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là các du học sinh.

Du học là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, diễn biến ngày càng phức tạp của hoạt động này đang đòi hỏi việc quản lý đối với du học cần được siết chặt. Ðáng chú ý, cần phải xử lý nghiêm các cơ sở tư vấn du học không phép, kém chất lượng hay mạo danh tư vấn du học để tuyển người lao động ra nước ngoài trái phép. Ðồng thời, mỗi gia đình cần có kỹ năng lựa chọn một cơ sở tư vấn du học có uy tín để bảo đảm hiệu quả cho việc du học của con em. Nên chọn các cơ sở có nhiều năm tham gia lĩnh vực tư vấn du học, có mối liên hệ với các cơ sở đào tạo có thương hiệu ở nước ngoài, có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, kinh nghiệm... Các bậc cha mẹ cũng không nên tạo áp lực cho con mình, bởi du học không phải là "chìa khóa vạn năng" để vào đời, để lập nghiệp. Họ có thể lựa chọn việc học tập trong nước với các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế, chứng chỉ quốc tế có uy tín, đó cũng là môi trường tốt để con em mình phát triển. Hiện nay, nhiều trường đại học trong nước đều đa dạng hóa giáo trình đào tạo, hấp dẫn và thực tế hơn, phát huy được khả năng người học. Quan trọng nhất, dù học trong nước hay du học thì bản thân mỗi người vẫn giữ vai trò quyết định. Khi người học xác định đúng năng lực bản thân, lựa chọn ngành nghề đúng với sở trường, học tập nghiêm túc, không ngừng mở mang kiến thức và học hỏi từ thực tiễn,... họ sẽ tạo dựng được cơ sở mang tính nền tảng để giúp gặt hái được thành công, dù học tập ở môi trường nào.

KHÁNH MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34383802-du-hoc-khong-phai-la-chiec-dua-than.html