Du hành trong dòng chảy thời gian bất tận

Từ trước đến nay, từ phương đông hay phương tây, con người đều tin là cuộc sống chúng ta tồn tại quan niệm về một thế giới của những linh hồn. Đó là một không gian, một thế giới sau khi chết chúng ta sẽ về nơi đó. Vậy sau khi chết, chúng ta đi đâu...?

Mỗi sát-na là một khoảnh khắc quý giá khi ta còn sống

Mỗi sát-na là một khoảnh khắc quý giá khi ta còn sống

Thời gian thật vô tận

Tín ngưỡng dân gian của người Việt muôn hình, muôn vẻ. Nhiều câu chuyện, ghi chép linh dị về cái chết, sự tồn tại của thần linh, ma quỷ hay những chuyện kỳ ảo. Nhiều tục lệ người xưa để lại họ cho rằng có thể kết nối với những người cõi thần linh, ma mãnh… để hiểu hơn về một thế giới vẫn chưa có lời giải đáp với khoa học hiện đại.

Nhiều năm về trước, tôi có nghe cụ cố kể lại về chuyện đánh đồng thiếp của người xưa. Vào những năm đầu và giữa thế kỷ XX, người ta vẫn ghi lại nhiều câu chuyện về các vị thầy pháp, dùng nghi lễ đánh đồng thiếp để đưa linh hồn người sống xuống thăm người thân quá cố dưới âm phủ. Là một người từng chứng kiến tục đánh đồng thiếp, cụ tôi nhớ như in những sự linh diệu từ nghi lễ này, cũng như cây cầu kết nối người trần thế với cõi vô hình.

Pháp sư sẽ dùng tấm vải tơ điều, phủ kín mặt mày trước bàn thờ. Họ dùng trì chú, thuật pháp dẫn hồn để giúp người đó xuống âm phủ tìm người thân. Mục đích là để xem ông bà, tiên tổ có chịu cảnh ngục tù đọa đày hay còn dặn dò, yêu cầu gì với con cháu nơi dương thế không.

Trong 1 tiếng đồng hồ, người ngồi đồng thiếp trải qua nhiều sắc thái khác nhau. Có lúc người họ run lên, có lúc họ khóc thét, có lúc nghẹn ngào. Họ giao tiếp với những người đã khuất như mình trò chuyện lúc còn sống. Cụ tôi cũng kể, hành trình về thế giới vô hình cũng giống như cuộc sống của chính chúng ta.

Họ cũng có nhà cửa, cũng đi chùa, cũng thăm hỏi lẫn nhau, cũng nhớ nhung về con cháu nơi trần thế. Vậy nên, từ xa xưa người Việt mới hình thành tục thờ tổ tiên, tục đốt quần áo, đồ dùng tiền vàng cho người đã khuất. Bởi vậy, dân gian có câu “trần sao, âm vậy”. Đó là sự miêu tả biểu tượng tái hiện lại một thế sau khi chết của con người. Khi chúng ta chết đi, thân thể trở về với đất mẹ, linh hồn sẽ tùy duyên mà đi về một cõi nào đó dành cho mình.

Hãy tử tế với mình với đời khi chúng ta còn đang sống

Trong giáo lý nhà Phật con người sau khi chết, tùy theo Nhân đã tạo trong đời hiện tại mà tái sanh vào sáu cõi. Nếu con người sống ở cõi đời này tạo nhiều Nhân thiện lành, biết mở lòng bố thí giúp đỡ người khác, giữ đúng giới đức, thì sau khi chết sẽ được sanh về cõi Trời hưởng phước. Cõi Người là cõi có khổ có vui.

Sanh về cõi Người là để vay trả, trả vay những điều mình đã làm trong đời này hay nhiều đời trước. Cõi A-Tu-La là cõi của những vị thần khi sống ở đời này họ tạo nhiều Nhân tốt nhưng tánh tình nóng nảy nên khi chết thì sanh về cõi A-Tu-La. Còn ba cõi kia là cõi Súc Sanh, Ngạ Quỹ, Địa Ngục, trong kinh gọi là ba đường ác, ba đường xấu.

Con người sẽ sanh về những cõi ác nếu trong đời sống hiện tại họ gây ra quá nhiều tội lỗi làm tổn hại những người xung quanh, hoặc có hành động tàn ác giết người giết vật v.v...

Lộ trình của cuộc sống này bắt đầu vào lúc thụ thai và kết thúc với “bệnh tật chết người”, hay do bất cứ những gì gây ra cái chết. Mỗi khoảnh khắc của hiện hữu cũng được xem là một “lộ trình của cuộc sống” xuất hiện và sau đó tan biến trong một chuỗi vô tận của những sự kiện biến đổi, chuyển động giữa sinh và tử, thức và ngủ, hạnh phúc và đau khổ.

Khi sinh ra trong cõi đời cũng đều có một lộ trình đó, dù quãng thời gian của họ khác nhau. Nhưng sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đều là câu hỏi mà ai cũng sẽ hỏi, sẽ trải qua! Quá trình sau khi chết là một chu trình mới!

Sau khi chết - chúng ta về đâu?

Câu hỏi: “Con người từ đâu đến, chết đi về đâu?” có nhiều cách trả lời, nhưng hợp lý hay không hợp lý là tùy theo quan niệm và đức tin của mỗi người, chúng ta không bài bác.

Chúng ta sẽ làm gì khi còn đang sống?

Sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người không phải duy nhất Phật giáo đề cập trong câu vô thường với sự dẫn giải “đời người trong hơi thở”. Dân gian vẫn nói đời người như giấc mộng, có nghĩa chỉ sau một giấc mơ có đủ sinh ly tử biệt, hỉ nộ ái ố là hết một đời. Hay chúng ta vẫn hát “60 năm cuộc đời”, mới ngẫm ra cuộc đời thật ngắn.

“Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc.

Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na, giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đó là một chia sẻ của vị sư khuyết danh mà tôi từng đọc được khi tìm hiểu về Phật pháp.

Từ sát-na được hiểu như là một khoảng thời gian rất ngắn, nếu chúng ta so sánh với thời gian của ngày, đêm, hoặc giờ. Vì thế, để có được khoảng thời gian chính xác của một sát-na, chúng ta cần so sánh khoảng thời gian của nó với khoảng thời gian của một giây.

Cuộc sống mỗi người khác nhau, có người phước dày thì sống đến trọn tuổi già rồi cũng về bên kia thế giới. Còn có người không may hoạn nạn, chớp mắt thôi đã đau đớn lìa đời như chúng ta tính nó như 1 sát-na đầy chia ly. Quá khứ là những tháng ngày đã qua khi chúng ta sống vất vả với biết bao trầm luân ở đời.

Tranh diễn tả cảnh địa ngục - nơi con người đến sau khi chết

Tương lai là những điều chưa có ai đoán định chính xác về cuộc đời mình. Chỉ có sát-na hiện tại là có thực, cho nên chúng ta không nên lo lắng về quá khứ hay tương lai, hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại với tâm chánh niệm. Làm được như thế thì trong tương lai, nhiều điều tuyệt vời, đầy hứa hẹn sẽ đến với chúng ta...

Cụ tôi khi còn sinh thời hay nhắc nhở con cháu, cái tâm hiện tại sẽ tái hiện cuộc sống của mình. Có những người khi thác đi, vẫn còn vương vấn thân xác cuộc sống trần tục mà đau khổ. Có người chết bất đắc kỳ tử, khi về cõi vô hình cũng luyến tiếc mà có thể tìm về với con cháu.

Có những người lại thấu chuyện sinh tử, coi cái chết như giải thoát, bình an về cõi lành. Khi cụ tôi chuẩn bị về với cửu huyền thất tổ, cụ chỉ bình thản ra ngồi sân hông nắng, mắt nhắm nhẹ, miệng mỉm cười rồi “đi”. Thế là hết một đời người thật dài hóa ra thật ngắn! Mỗi chúng ta có thể định đoạt cho từng sát-na hiện tại và cả khi chết đi của mình.

Sát-na là đơn vị thời gian rất ngắn, đời người lắm khi khoảng thời gian còn được sống không tính bằng năm, tháng hay ngày, những thai nhi tính bằng sát-na. Bạn hãy thăm các phòng cấp cứu ở bệnh viện, hãy nhìn những thiết bị hỗ trợ sự sống để hiểu độ dài sát-na. Có những người chưa kịp trọn vẹn 1 sát-na họ đã phải vào chữ “tử”.

Sự sống là đáng quý! Vậy nên, hãy trân quý thời gian để chúng ta được sống trọn vẹn. Từ thân – tâm – ý đều phát ra sự tử tế, khi đó mỗi sát-na sẽ là một phút giây quý giá. Từ đó càng trân quý những gì mình có, sự sống mình còn, cùng hạn mức chúng ta có mặt trên đời, để thiện ngay từ ý nghĩ.

Đức Phật khuyên cõi tịnh độ là thiên đường cực lạc và an bình không thể tả, giáo chủ Kito dạy nơi thiên đường là cõi lành, ông bà ta cũng về với cửa huyền để phù hộ con cháu. Nhưng, đó là cõi vô hình, đôi khi sẽ có một cực lạc, một thiên đường ngay cõi ta bà, nếu tâm ta bình yên, nghĩ về những điều thiện lành, sống tích cực và tử tế.

Minh Hải

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/du-hanh-trong-dong-chay-thoi-gian-bat-tan-487430.html