Dù Hàn Quốc có tàu ngầm hạt nhân cũng vẫn kém Triều Tiên

Hàn Quốc hiện có 18 tàu ngầm đang hoạt động trong khi Triều Tiên có khoảng 70 chiếc, chính vì vậy nước này đang có kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để cân bằng sức mạnh với Triều Tiên.

 Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố Chương trình Quốc phòng trung hạn 2021-2025, vạch ra các kế hoạch nâng cấp quân đội thêm hiện đại và chuẩn bị cho kỷ nguyên chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến sau chiến tranh từ quân đội Mỹ.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố Chương trình Quốc phòng trung hạn 2021-2025, vạch ra các kế hoạch nâng cấp quân đội thêm hiện đại và chuẩn bị cho kỷ nguyên chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến sau chiến tranh từ quân đội Mỹ.

Nhiều sáng kiến đã được đưa ra để cải thiện sức mạnh quân đội Hàn Quốc với công nghệ tiên tiến nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên, nhưng kế hoạch gây tranh cãi nhất là việc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN).

Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố rõ ràng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình vào năm 2017 rằng Hàn Quốc cần SSN trong thời đại này. Theo lời của tổng thống, phó cố vấn an ninh quốc gia Kim Hyun-jong nói với báo chí rằng các tàu ngầm tương lai của nước này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Thông báo này được đưa ra sau khi có tuyên bố sửa đổi các quy định về tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc. Giả sử Hàn Quốc theo đuổi chính thức chương trình tàu ngầm hạt nhân, sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời tăng thêm giá trị răn đe đối với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Nhiều chuyên gia đã tranh luận về việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhấn mạnh sự mất cân bằng về số lượng so với Triều Tiên. Hàn Quốc hiện có 18 tàu ngầm đang hoạt động trong khi Triều Tiên có khoảng 70 chiếc.

Kế hoạch chế tạo SSN ở Hàn Quốc được củng cố sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) lần đầu tiên vào năm 2015 và khi phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về việc ông Kim Jong-un thị sát một tàu ngầm mới đóng.

Giới quan sát phân tích rằng khả năng hoạt động dưới nước của Triều Tiên đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Do đó, Hàn Quốc cần phải có một chiến lược thích hợp để đối phó với các mối đe dọa trên biển từ Triều Tiên. Tuy nhiên ý tưởng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được cho là không thể giải quyết triệt để vấn đề.

Thứ nhất, vùng biển phía Tây quá nông chỉ sâu 50m để tàu ngầm 4.000 tấn có thể hoạt động an toàn, nhưng vùng biển phía Đông có độ sâu trung bình 1.500 mét. Hơn nữa, Hải quân Hàn Quốc đã thừa nhận vào năm 2009 rằng vùng biển phía Tây không thích hợp cho các hoạt động của tàu ngầm.

Mục đích chính của việc sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là để truy đuổi tàu ngầm của Triều Tiên trong thời gian dài hơn mà không cần sạc lại pin diesel-điện. Tuy nhiên, các tàu ngầm cỡ lớn của Hàn Quốc sẽ rất khó để theo dõi hiệu quả các tàu ngầm hạng trung của Triều Tiên khi hoạt động ở vùng biển ven bờ.

Thứ hai, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có tiếng ồn lớn hơn các tàu ngầm thông thường. Khả năng tiến hành các hoạt động bí mật là điều làm cho một tàu ngầm trở nên mạnh mẽ và đầy đe dọa. Tuy nhiên, các lò phản ứng hạt nhân thường ồn hơn tiếng ồn của động cơ diesel-điện, điều này làm tăng khả năng bị phát hiện bởi đối phương.

Cuối cùng, việc truy đuổi tất cả các tàu ngầm của Triều Tiên là gần như không thể mặc dù tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng hoạt động kéo dài hơn. Vì số lượng tàu ngầm Triều Tiên lớn hơn Hàn Quốc nhiều lần, một vài tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đắt tiền vẫn sẽ không đủ để san bằng về mặt số lượng.

Ngoài những hạn chế về mặt chiến thuật, việc đưa tàu ngầm hạt nhân vào hoạt động sẽ làm xấu đi môi trường an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, chỉ có sáu quốc gia (P5 + Ấn Độ) vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là những cường quốc hạt nhân được quốc tế thừa nhận, trong khi Ấn Độ không phải là thành viên của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ngược lại, Hàn Quốc là thành viên của NPT.

Ngoài sự phản đối dự kiến từ dư luận quốc tế, Hàn Quốc phải vượt qua những hạn chế được quy định trong “Thỏa thuận hợp tác hạt nhân Mỹ-Hàn Quốc”. Thỏa thuận này quy định cấm sử dụng uranium đã được làm giàu cho các mục đích quân sự.

Việc không phổ biến vũ khí hạt nhân được coi là lợi ích quốc gia quan trọng đối với Mỹ, và việc Hàn Quốc phát triển tàu ngầm hạt nhân có thể sẽ bị phản đối. Điển hình là Hàn Quốc đã cố gắng đóng một tàu ngầm hạt nhân vào năm 2003 nhưng đã bị cản trở bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc là một tác nhân khác trong khu vực sẽ phản ứng với chương trình tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc. Năm 2017, Trung Quốc đã thực thi các biện pháp kinh tế trả đũa đối với Hàn Quốc sau khi Tổng thống Park Geun-hye quyết định chấp nhận Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào năm 2016.

Do đó, Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện cái gọi là chính sách “3 không”. Chính sách như vậy liên quan đến việc không triển khai thêm hệ thống THAAD, không thành lập liên minh quân sự ba bên Mỹ-Hàn-Nhật và không tham gia vào mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu.

Vào thời điểm mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn, việc chuyển sang chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ làm dấy lên những lo ngại về an ninh và đặt Hàn Quốc vào thế bất lợi hơn.

Nhiều chuyên gia quân sự đã đưa ra đề xuất cho Hàn Quốc, thay vì đầu tư 7-9 tỷ USD để đóng một tàu ngầm hạt nhân thì có thể bổ sung các vũ khí hiệu quả về chi phí như máy bay giám sát hàng hải P-8A Poseidon và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác.

Thật vậy, chi phí của một chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tương đương với việc Hàn Quốc đóng ba chiếc tàu ngầm tấn công lớp Jangbogo III tiên tiến hoặc tám chiếc Jangbogo III nhỏ hơn lớp Son Won-il.

Do đó, sẽ khôn ngoan hơn khi Hàn Quốc đầu tư vào các máy bay giám sát hoặc đầu tư vào các phương tiện không người lái dưới nước sẽ có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương tốt hơn. Nguồn ảnh: Chosul.

Triều Tiên thử tên lửa khiến Seoul đứng ngồi không yên khi nằm ngay trong tầm nguy hiểm. Nguồn: KCNA.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/du-han-quoc-co-tau-ngam-hat-nhan-cung-van-kem-trieu-tien-1554002.html